Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu cử tổng thống Mỹ tốn kém kỷ lục

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra sẽ là cuộc bầu cử tổng thống tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng chi phí dự trù lên tới 2,5-3 tỉ USD.

Bầu cử tổng thống Mỹ tốn kém kỷ lục

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra sẽ là cuộc bầu cử tổng thống tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, với tổng chi phí dự trù lên tới 2,5-3 tỉ USD.

Trang OpenSecrets.org, chuyên theo dõi dòng tiền chảy trong hệ thống chính trị Mỹ, đã phân tích các báo cáo tiền quyên góp chính trị hằng tháng của Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ (FEC) từ ngày 1-1-2011 đến 30-6-2012. Qua đó, OpenSecrets.org ước tính tổng chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 sẽ vượt qua ngưỡng 2,5 tỉ USD. “Con số cuối cùng có thể lên đến 2,8 tỉ hoặc 3 tỉ USD - chuyên gia Bob Biersack thuộc Trung tâm Chính trị phản ứng (CRP), điều hành trang OpenSecrets.org, khẳng định - Và đó mới chỉ là cuộc bầu cử tổng thống mà thôi”. Tính cả cuộc bầu cử quốc hội, tổng chi phí mùa bầu cử năm 2012 lên tới 6 tỉ USD.

Con số kỷ lục

 
Ông Obama (trái) và ông Romney - hai nhân vật đang thực hiện cuộc chạy đua tốn kém nhất lịch sử.

Tin vui cho ông Obama

Theo AFP, một tin vui lớn đã đến với Tổng thống Barack Obama sau thất bại trước đối thủ Romney trong cuộc tranh luận mới đây. Báo cáo của Bộ Lao động cho thấy tỉ lệ thất nghiệp Mỹ đã giảm còn 7,8% sau thời gian rất dài nằm trên ngưỡng 8% và có thể sẽ giảm tiếp. Kể từ Thế chiến thứ hai đến nay, không tổng thống Mỹ nào tái đắc cử với tỉ lệ thất nghiệp trên 7,4%.

Sau 18 tháng vận động tranh cử, các ứng cử viên tổng thống Mỹ, ứng cử viên nghị sĩ quốc hội, ủy ban các đảng, các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC)... đã quyên góp được tới 4,06 tỉ USD. Trong đó, các ứng cử viên tổng thống nhận được 601,9 triệu USD, các ứng cử viên quốc hội có 1,21 tỉ USD.

“Trải qua 18 tháng, chúng ta đã có 4 tỉ USD. Toàn bộ chu kỳ tranh cử năm 2008 tiêu tốn khoảng 5,2 tỉ USD - báo Guardian dẫn lời chuyên gia Bill Allison thuộc tổ chức phi lợi nhuận Sunlight Foundation cho biết - Chắc chắn chi phí năm 2012 sẽ vượt qua con số của năm 2008. Dự đoán hiện tại là 5,8-6 tỉ USD”. Đó là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Theo OpenSecrets.org, Tổng thống Barack Obama đã áp dụng lại một cách thành công chiến thuật của năm 2008. Đó là vận động sự ủng hộ của một số lượng lớn các nhà quyên góp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, việc Tòa án Tối cao Mỹ năm 2010 quyết định bãi bỏ giới hạn quyên góp chính trị đã mở ra một dòng thác tiền từ các tập đoàn, giới nhà giàu... đổ vào hệ thống chính trị Mỹ.

Dòng tiền này chủ yếu đổ vào các PAC do các cựu nhân viên thân cận của mỗi ứng cử viên điều hành. Do đó, nhiều người lo ngại giới nhà giàu sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng và quyền lực đối với các chính trị gia Mỹ. Qua đó, lá phiếu của các cử tri bình thường có thể đánh mất dần quyền lực của nó. “Khi cuộc bầu cử kết thúc, những người quyên tiền sẽ quay lại hỏi xin sự ưu đãi” - chuyên gia Allison nhấn mạnh.

“Hiện một số lượng tài sản cực lớn đang tập trung vào tay một nhóm rất nhỏ những tổ chức và cá nhân giàu có. Các tổ chức và cá nhân này có thể đem số vốn khổng lồ đó để tác động vào quy trình chính trị Mỹ” - chuyên gia Biersack lo ngại. Ông mô tả sự bất bình đẳng chính trị này là hậu quả của khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, do suy thoái kinh tế đẩy tầng lớp trung lưu Mỹ vào tình cảnh khó khăn, trong khi nhà giàu thì cứ giàu thêm.

Ông Obama cần quan hệ với nhà giàu?

OpenSecrets.org cho biết sự ủng hộ dành cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney chảy từ bốn PAC. Các ngân hàng Phố Wall, các tập đoàn năng lượng, khai thác mỏ, xây dựng, địa ốc, bảo hiểm... cũng chi tiền ủng hộ ông Romney. Người quyên góp lớn nhất cho ông Romney là ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson. Các đại gia khai thác mỏ như Charles và David Koch cũng như tỉ phú Leon Cooperman đứng về phía ông Romney.

Ông Obama nhận được 34% tiền quyên góp từ những cá nhân đóng góp dưới 200 USD/người, so với tỉ lệ 18% của ông Romney. Ông Obama cũng đang thu hút những túi tiền sâu hơn. Một số tập đoàn từ Hollywood và Thung lũng Silicon đang ủng hộ đương kim tổng thống. Thống đốc New York Michael Bloomberg, một tỉ phú, và ông trùm điện ảnh Jeffrey Katzenberg là những người hâm mộ ông Obama.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng ông Obama vẫn cần thân cận hơn với giới nhà giàu nếu không muốn bị ông Romney áp đảo về sức mạnh tài chính. Xã luận của báo New Yorker đánh giá ông Obama “cần phải nồng ấm với giới nhà giàu”, nếu không có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử.

1 tỉ USD cho tranh cử tổng thống Mỹ

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ kích thích nền kinh tế nước này, khi số tiền chi cho chiến dịch vận động tranh cử lên đến 1 tỉ USD (hay hơn nữa) cho mỗi ứng cử viên. Số tiền 1 tỉ USD kỷ lục của riêng ông Barack Obama năm 2008 đã được chi ra sao?

- 435 triệu USD cho chiến lược quảng cáo trên các kênh truyền hình, radio, báo giấy, các trang mạng, áp phích trên đường phố...

- 65 triệu USD cho nguồn nhân lực phục vụ trong suốt chiến dịch, theo đó lương cho nhân viên chiếm 54 triệu USD.

- 61 triệu USD cho đi lại bao gồm 45 triệu USD dành cho máy bay, trong đó các chuyến bay thương mại chiếm 6 triệu USD, máy bay phản lực được thuê nhiều tháng với giá 5 triệu USD cho 60 ngày.

- 54 triệu USD cho điều hành như lập 700 văn phòng, chỗ ở, cung cấp thức ăn cũng như vật tư tiêu hao cho nhóm nhân viên và tình nguyện viên.

- 34 triệu USD cho tổ chức sự kiện, trong đó cuộc diễu hành của 5.000 người, thuê nhiều lá cờ Mỹ khổng lồ.

- 30 triệu USD cho tiếp thị qua điện thoại kêu gọi người dân góp quỹ và bầu cử.

- 28 triệu USD cho các cuộc thăm dò.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm