Phó Tổng thống Kamala Harris ngày 13/10 (giờ Mỹ) đã có mặt tại một nhà thờ của cộng đồng người da màu ở thành phố Greenville, North Carolina để vận động tranh cử, trong bối cảnh ngày bầu cử chỉ còn cách chưa đầy 4 tuần.
Tại đây, bà Harris ca ngợi tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người dân North Carolina trong nỗ lực khắc phục hậu quả bão Helene, đặc biệt là ở các cộng đồng cư dân phía tây tiểu bang.
Cùng ngày, đối thủ của bà Harris, cựu Tổng thống Donald Trump, đã đến Arizona để kêu gọi sự ủng hộ từ nhóm cử tri da màu và gốc Latin. Ông Trump hôm 12/10 cũng đã có mặt ở California để vận động tranh cử.
Cả hai ứng viên tổng thống đều đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các cử tri phân vân chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đã giảm 45% so với cuộc bầu cử gần nhất. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn hàng triệu cử tri đang phân vân, theo Guardian.
Ông Trump gần đây cũng đã thay đổi lập trường về việc bỏ phiếu sớm và quay sang kêu gọi cử tri bầu cho ông trước ngày bầu cử thông qua email và thư.
Một cuộc khảo sát được phối hợp thực hiện bởi ABC News và trung tâm nghiên cứu Ipsos cho thấy cuộc bầu cử Mỹ năm nay tồn tại một sự phân cực về mặt giới tính.
Khoảng 60% cử tri là phụ nữ có xu hướng ủng hộ bà Harris trong khi 40% còn lại nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.
Ngược lại, 60% đàn ông bày tỏ dấu hiệu ủng hộ ông Trump và 40% cử tri còn lại của nhóm đối tượng này có xu hướng ủng hộ bà Harris.
Ông Trump được cho là cần sự ủng hộ từ cử tri là phụ nữ da trắng, nhóm đối tượng đã bỏ phiếu cho ông nhiều hơn vào năm 2020 so với năm 2016.
Tuy nhiên, cựu tổng thống cũng cần đàn ông da màu bỏ phiếu cho mình nếu muốn giành chiến thắng vào tháng 11.
Ngày 13/10, ông Trump phát biểu rằng việc cựu Tổng thống Barack Obama trước đó kêu gọi đàn ông da màu bỏ phiếu cho bà Harris "chủ yếu dựa trên màu da thay vì các chính sách của bà ấy" và cho rằng chuyện này "cực kỳ xúc phạm".
Thượng nghị sĩ Georgia Ralph Warnock của đảng Dân chủ hôm 13/10 nói với CNN rằng "nhóm cử tri đàn ông da màu sẽ không ủng hộ ông Trump một cách đáng kể".
Tuy nhiên, một nghị sĩ đảng Dân chủ khác là ông Jim Clyburn (đại diện South Carolina) nói rằng ông "quan ngại" về việc đàn ông da màu sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã kêu gọi cử tri ở các vùng nông thôn ở Gerogia ủng hộ đảng Dân chủ.
Một cuộc khảo sát thực hiện bởi New York Times công bố hôm 13/10 cho thấy tỷ lệ cử tri gốc Latin ủng hộ bà Harris đang giảm so với các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ trong ba cuộc bầu cử gần nhất.
Cùng ngày, NBC News công bố kết quả một cuộc thăm dò cho thấy chặng đua vào Nhà Trắng đang ở thế "nóng hơn bao giờ hết" khi tỷ lệ ủng hộ toàn quốc dành cho mỗi ứng viên đều xấp xỉ ngưỡng 48%.
Cuộc khảo sát cho thấy cử tri có xu hướng đánh giá màn thể hiện của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên tích cực hơn so với chính quyền đương nhiệm.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng chỉ ra rằng các cử tri xem vấn đề về quyền phá thai là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu.
Đây có thể là điểm gây bất lợi cho cựu tổng thống khi ba thành viên trong Tối cao Pháp viện được ông Trump bổ nhiệm trong quá khứ từng đưa ra luật cấm phá thai toàn liên bang, theo Guardian.
Một cuộc khảo sát khác cũng được công bố hôm 13/10 thực hiện bởi CBS News chỉ ra rằng cuộc bầu cử năm nay không chỉ xoay quanh sự xung đột giữa hai hệ tư tưởng mà còn là về sự phân cực ở mức độ nền tảng.
Ví dụ, những người ủng hộ ông Trump cho rằng các nạn nhân của bão Helene và Milton đã không được hỗ trợ tận tình trong khi bộ phận cử tri ủng hộ bà Harris lại tuyên bố chính quyền liên bang đã thực hiện tốt công tác cứu trợ.
Những người nghiêng theo phe Cộng hoà cho rằng nền kinh tế đi xuống dưới thời Tổng thống Biden, còn lực lượng ủng hộ đảng Dân chủ lại cho rằng nền kinh tế đã khởi sắc hơn.
Ở khía cạnh nhập cư, những người ủng hộ ông Trump nhận định rằng lượng người vượt biên bất hợp pháp đã tăng lên trong khi nhóm cử tri bỏ phiếu cho bà Harris nghĩ ngược lại.
Tuy nhiên, cử tri của cả hai phe nhất trí rằng mạng xã hội ngày càng trở nên thiếu tin cậy và người dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt thông tin thật-giả.
Các cuộc thăm dò đều phản ánh những dấu hiệu tích cực cho bà Harris. Khảo sát của hãng tin ABC cho thấy bà Harris đang nhỉnh hơn 5 điểm % về tỷ lệ ủng hộ từ cử tri tầng lớp trung lưu; đài NBC chỉ ra rằng phá thai là vấn đề ưu tiên hàng đầu của cử tri và New York Times cho biết phe Dân chủ đang dẫn trước 19 điểm % trên khía cạnh này.
Bên cạnh đó, khảo sát của CBS cho thấy lượng cử tri da màu ủng hộ bà Harris đang tương đương với số liệu của ông Biden vào năm 2020.
Tuy nhiên, những vấn đề xoay quanh phản ứng của chính quyền Biden trước hai cơn bão Helene và Milton vẫn là mối bận tâm với chiến dịch tranh cử của bà Harris, theo Guardian.
Ở North Carolina, bà Harris dường như đang tìm cách xoa dịu căng thẳng chính trị hậu bão Helene và lên án những nguồn thông tin sai lệch về nỗ lực cứu trợ của chính phủ liên bang.
Hiện ba bang chiến trường Arizona, Nevada và Georgia có xu hướng ủng hộ ông Trump trong khi ba bang chiến địa khác là Pennsylvania, Michigan và Wisconsin nhiều khả năng nghiêng về phía bà Harris.
Trong bối cảnh đó, nếu thua tại North Carolina, ông Trump sẽ mất 16 phiếu đại cử tri vào tay bà Harris và gặp bất lợi lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm 2020, ông Trump đã thắng sít sao tại bang tranh chấp này.
Nghi phạm bị cáo buộc mưu sát ông Trump lần 3 là ai?
Vem Miller - người bị cảnh sát cáo buộc âm mưu ám sát ông Donald Trump hôm 13/10 - sở hữu hộ chiếu giả và súng không có giấy phép.
Người đàn ông mang theo súng bị bắt gần cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump ở Coachella, California có âm mưu giết vị cựu tổng thống, theo công bố mới nhất từ cảnh sát.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris 'đứng ngồi không yên'
Số liệu thăm dò gần sát ngày bầu cử tổng thống 5/11 khiến chiến dịch tranh cử của bà Harris thấp thỏm và bối rối, khi ông Trump đang dần cải thiện ở những bang dao động quan trọng.