CNN đưa tin cuộc tổng tuyển cử tại Thụy Điển rơi vào bế tắc khi hai liên minh trung lập bị chia phiếu bởi đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển có gốc từ làn sóng tân phát xít.
Kết quả của hơn 98% số phiếu tại 6.000 quận cho thấy đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội của Thủ tướng đương nhiệm Stefan Lofven và các đồng minh chỉ dẫn trước với 40,6% so với 40,3% số phiếu của liên minh đảng đối thủ, cách biệt tương đương 1 ghế tại Quốc hội.
Số phiếu tại khoảng 100 quận chưa được thống kê, nhưng dự kiến kết quả chung cuộc không khác biệt nhiều so với con số trên.
Người dân Thụy Điển bỏ phiếu hôm 9/9. Ảnh: Getty. |
Ngày 10/9, Thủ tướng Lofven kêu gọi đảng đối thủ tiến hành đàm phán sau khi cả 2 liên minh đều không chiếm được đa số phiếu bầu, theo AFP.
"Rõ ràng là không bên nào chiếm đa số, vì vậy giải pháp tự nhiên là chúng ta hợp tác liên minh", ông Lofven nói với người ủng hộ.
Đảng Dân chủ Thụy Điển lợi dụng làn sóng phản đối nhập cư gây sóng gió tại chính trường Thụy Điển từ năm 2015 để chia phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Đảng cực hữu này chiếm được 17,6% số phiếu bầu, trong khi tại cuộc bầu cử năm 2014 chỉ chiếm được 12,9%. CNN đánh giá kết quả này cho thấy xu hướng chính trị tại Thụy Điển đang ngày càng thiên về cánh hữu.
Ông Jimmie Akesson, lãnh đạo đảng Dân chủ Thụy Điển, phát biểu mừng chiến thắng khẳng định đảng của ông là "người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này".
"Chúng ta thực sự sẽ gây ảnh hưởng đến chính trường Thụy Điển", ông Akesson phát biểu trên kênh truyền hình Expressen TV.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Thụy Điển Jimmie Akesson. Ảnh: TT. |
Theo CNN, kết quả cuộc bầu cử hôm 9/9 đẩy chính trường quốc gia Bắc Âu vào chuỗi các cuộc đàm phán kéo dài nhằm giải quyết tình trạng bất ổn.
Đây là một trong những thử thách gai góc nhất trong nhiều thập kỷ qua đối với nền dân chủ Thụy Điển, vốn nổi tiếng với mức thuế cao và hệ thống phúc lợi bền vững hướng đến việc giảm bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội.
Tương tự sự trỗi dậy của xu hướng cực hữu ở Thụy Điển, các đảng chống nhập cư tại nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Áo, Đan Mạch, Pháp, Italy và Hungary cũng giành nhiều thắng lợi trong vài năm qua, sau làn sóng nhập cư kỷ lục vào năm 2015.