Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu cử Mỹ: Sẵn sàng cho kịch bản tấn công mạng tồi tệ nhất

Nước Mỹ, với tiềm lực công nghệ khổng lồ, đang chuẩn bị đối phó với mọi kịch bản tấn công mạng nhằm phá hoại cuộc bầu cử đang ở giai đoạn cuối cùng.

Trong các tuần gần đây, giới bảo mật liên tục đưa ra cảnh báo về những âm mưu phá hoại bầu cử Mỹ từ bên ngoài thông qua mạng Internet.

Sau sự cố hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ (DNC) bị hacker bên ngoài đột nhập, các cơ quan mật vụ và Bộ Quốc Phòng Mỹ đã kết hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo không xảy ra vụ việc tương tự.

Các đơn vị này đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng áp dụng các biện pháp khoanh vùng và đáp trả thích đáng nếu phát hiện tin tặc tấn công vào các hệ thống bỏ phiếu hoặc liên quan tới bỏ phiếu.

Kịch bản ứng phó

Denise Merrill, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia các Tổng trưởng Tiểu bang (NASS), khẳng định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra công bằng cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì.

"Chúng tôi sẽ đếm từng lá phiếu, cho dù việc đó mất thời gian hơn, nhưng để đảm bảo mọi thứ được công bằng", Denise Merrill khẳng định.

Bà Denise Merrill cũng cho biết, các quan chức liên bang và địa phương đã có trong tay kế hoạch dự phòng (in bằng giấy giống như sổ tay hướng dẫn) để hoàn thành cuộc bỏ phiếu khi hệ thống bỏ phiếu bị tin tặc tấn công.

My ung pho voi tan cong mang Ngay Bau cu anh 1
Các điểm bỏ phiếu đã sẵn sàng trước giờ "G".

Trong trường hợp khủng hoảng cấp độ cao, chẳng hạn tin tặc tấn công đánh sập các mục tiêu lớn như một phần mạng điện, các tòa nhà chính phủ, hệ thống cấp nước, điện chiếu sáng, các con đập hoặc cây cầu (tất cả hiện đang được kết nối với Internet) – các quan chức phụ trách sẽ triển khai ngay các kế hoạch dự phòng khẩn cấp.

Tùy theo luật của mỗi bang mà quy trình triển khai kế hoạch ứng phó có khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì một quan chức, có thể là thống đốc hoặc thư ký bầu cử địa phương, có quyền chuyển, kéo dài hoặc hoãn bỏ phiếu trong trường hợp khẩn cấp.

Chẳng hạn bang Ohio, do không có kế hoạch khẩn cấp quy mô quốc gia nhưng cả 88 thành viên của hội đồng bầu cử hạt đều có quyền chuyển sang loại hình bỏ phiếu giấy hoặc thay đổi các địa điểm bỏ phiếu.

Tại bang Pennsylvania, thành viên hội đồng địa phương có quyền di chuyển địa điểm bỏ phiếu hoặc thẩm phán có thể hoãn tạm thời cuộc bỏ phiếu trong những trường hợp 'khẩn cấp hoặc thảm họa thiên nhiên'.

Tại New York, nếu ít hơn 25% cử tri đăng ký trong một khu vực xác định đến bỏ phiếu do có bất cứ trình trạng khẩn cấp nào, thì hội đồng bầu cử hạt hoặc Tổng trưởng Tiểu bang có thể hoãn cuộc bầu cử tới ngày nào đó trong vòng 20 ngày tiếp theo.

Mỹ từng dùng tới lựa chọn trên sau cuộc khủng bố 11/9 làm trì hoãn vòng bỏ phiếu ban đầu.

Nguy cơ hiện hữu

Các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng đe dọa sẽ có hành động bạo lực vào Ngày Bầu cử Mỹ (Election Day). Đe dọa này đã khiến 3 bang của Mỹ phải áp dụng những biện pháp an ninh tối đa.

Chẳng hạn thành phố New York, nơi sẽ tổ chức các sự kiện bầu cử vào ban đêm của cả hai ứng cử viên Clinton và Donald Trump, sẽ được tăng cường thêm cảnh sát và các biện pháp an ninh khác.

My ung pho voi tan cong mang Ngay Bau cu anh 2
Cuộc bầu cử Mỹ năm nay gây ra nhiều tranh cãi nhất.

Có nhiều lý do tin rằng tin tặc đang nhắm tới cuộc tấn công quy mô lớn vào hạ tầng quan trọng của Mỹ, đặc biệt là mạng điện. Những cuộc tấn công kiểu này sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn và phải mất hàng tuần mới khắc phục được – có thể gây tác động tiêu cực, thậm chí là hỗn loạn trong và sau Ngày Bầu cử.

Jonathan Butts, từng làm việc trong Không lực Mỹ và là sáng lập công ty an ninh mạng QED Secure Solutions, xác nhận khả năng tấn công trên là có thật bởi các dự án hạ tầng lớn không được bảo vệ chặt chẽ cho lắm.

Nhiều nhà nghiên cứu an ninh mạng khẳng định nguy cơ tấn công mạng nhắm vào Ngày Bầu cử năm nay là rất lớn, chẳng hạn tung tin sai hoặc làm suy yếu tính hợp pháp của kết quả bầu cử trong mắt công chúng.

Chẳng hạn, tin tặc có thể tấn công website của Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan thông tấn hoặc trang Twitter của phóng viên để tung tin sai lệch về ứng cử viên hoặc kết quả bầu cử sơ bộ.

Tin tặc cũng có thể cài thông tin sai lệch về ứng viên trong sáng Ngày Bầu cử, làm dấy lên tin đồn trong giới truyền thông và quan chức về minh bạch kiểm phiếu hoặc những cáo buộc vô căn cứ.

Những tấn công kiểu vậy sẽ gây ra những đồn đoán, sự dao động và nghi kị trong dân chúng, cũng giống như việc tấn công vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri hoặc các website khác của chính phủ.

My ung pho voi tan cong mang Ngay Bau cu anh 3
Dùng hình thức bỏ phiếu thủ công cho chắc ăn.

Đầu năm vừa rồi, tin tặc đã đột nhập vào nhiều cơ sở dữ liệu ở bang Arizona và Illinois.

Mặc dù các cơ sở dữ liệu cử tri và website liên bang không đóng vai trò gì trong việc thống kê hoặc gửi đi thông tin phiếu bầu trong Ngày Bầu cử, tất cả 50 bang cùng với Washington, D.C., Puerto Rico và Guam đều dự phòng phiếu in giấy cho cử tri đi bầu.

Không có bang nào dùng máy bầu cử kết nối với Internet và gần như tất cả các điểm thống kê và kiểm phiếu thực hiện bằng tay, sử dụng thẻ USB hoặc phương thức in ra giấy. Thế nên, kể cả khi tin tặc có đột nhập vào hệ thống, việc thay đổi kết quả kiểm phiếu chung cuộc là rất khó.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã chạy chương trình "vệ sinh mạng" và đánh giá khả năng an toàn các hệ thống bầu cử tại 46 bang. DHS cũng khuyến khích các quan chức phụ trách bầu cử bang và địa phương báo cáo tình tiết nghi vấn bị tấn công để họ có thể chia sẻ những địa chỉ IP nghi ngờ hoặc phương pháp tấn công trước Ngày Bầu cử.

Các quan chức phụ trách bầu cử bang và địa phương được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Họ đã yêu cầu người dân Mỹ thực hiện nghĩa vụ công dân một cách toàn diện bằng cách đi bỏ phiếu vào ngày 8/11.

 

Gia Nguyễn

Bạn có thể quan tâm