Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu cử giữa kỳ vén màn cuộc 'nội chiến' trong lòng nước Mỹ

Cuộc bầu cử giữa kỳ đã hé lộ hình ảnh nước Mỹ ngày càng chia rẽ sâu sắc với hai phe gần như không thể thỏa hiệp, tạo nên một cuộc "chiến tranh lạnh" ngay trong nội bộ đất nước.

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 được coi là chiến thắng trọng đại của đảng Dân chủ. Việc đảng này kiểm soát Hạ viện sẽ cản trở phe Cộng hòa thông qua các luật mới, đồng thời cho phép các hạ nghị sĩ Dân chủ có quyền mở cuộc điều tra đối với hàng loạt bê bối của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, trong khi cuộc chiến chủ yếu diễn ra trực tiếp tại Hạ viện, cuộc bầu cử giữa kỳ cũng hé lộ điểm khởi đầu của trận chiến vì "linh hồn" nước Mỹ.

Kết quả vừa qua cho thấy sự chia rẽ mang tính quyết định trong cuộc bầu cử cách đây 2 năm giờ ngày càng sâu sắc. Phe Cộng hòa được lòng cử tri tại nông thôn, cử tri da trắng ở miền Nam và những người trình độ học vấn thấp. Trong lúc đó, đảng Dân chủ được cử tri thành thị, nhóm người thiểu số và bộ phận người da trắng ở ngoại ô ủng hộ.

Cuộc bầu cử phản ánh rõ nền chính trị Mỹ phân hóa không phải trên cơ sở tầng lớp hay tư tưởng mà mấu chốt nằm ở danh tính và bản sắc. Vết rạn nứt ngày càng sâu chia nước Mỹ làm hai: một bên cởi mở với làn sóng nhập cư và cải cách phân biệt chủng tộc, bên còn lại kịch liệt phản đối.

nuoc My chia re anh 1
Người ủng hộ ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và người ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump trong năm bầu cử tổng thống 2016. Ảnh: AP.

Theo Vox, tình trạng chia rẽ đã có từ lâu và gia tăng dưới thời chính quyền cựu tổng thống Barack Obama. Dẫu vậy, cuộc chạy đua của ông Trump vào vị trí tổng thống năm 2016 mới là chiến dịch gây chia rẽ sắc tộc lớn nhất trong lịch sử hiện đại khi đẩy nước Mỹ vào chiến tranh lạnh nội bộ.

Vox nhận định việc ông Trump đắc cử năm đó không khác gì trận Đồn Sumter, trận đánh chính thức mở màn cuộc nội chiến Mỹ năm 1861 và cũng là dấu hiệu cho thấy nhóm bảo thủ sắc tộc sẽ không chấp nhận sự thay đổi trong xã hội mà không đấu tranh.

Từ những điều cuộc bầu cử giữa kỳ phản ánh, có thể thấy cuộc chiến sẽ còn kéo dài. Ít nhất chừng nào ông Trump còn tại vị ở Nhà Trắng thì người dân Mỹ vẫn đang và sẽ mắc kẹt trong một dạng nội chiến lạnh.

Chia rẽ về giáo dục, sắc tộc vượt cả biên giới địa lý

Theo nghiên cứu về bầu cử quốc hội (CCES) do 50.000 người Mỹ cùng tiến hành trước thềm bầu cử, sự chia rẽ có 3 xu hướng rõ ràng.

Thứ nhất, so với nam giới, nhiều phụ nữ da trắng ủng hộ đảng Dân chủ hơn. Thứ hai, phe Dân chủ được lòng người da trắng có trình độ đại học hơn nhóm người da trắng không học đại học. Điểm nổi bật cuối cùng là miền Nam có sự khác biệt rõ rệt so với các vùng còn lại trên đất Mỹ. Phe Cộng hòa tại đây nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng da trắng nói chung hơn bất kỳ nơi nào khác.

Số liệu được giáo sư Brian Schaffner thuộc Đại học Tufts, người hỗ trợ điều hành dự án CCES, đăng trên Twitter tối 6/11. Trong lúc đó, kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu do CNN tiến hành cho thấy đảng Dân chủ có được lá phiếu của 90% cử tri da màu, 69% cử tri gốc Latin và 77% cử tri gốc Á.

Khi kết hợp các xu hướng mới được phát hiện với tình trạng chia rẽ sắc tộc vốn đã quen thuộc, ai cũng có thể nhận thấy đảng Dân chủ thắng lớn với nhóm người thiểu số và người da trắng học vấn cao.

Tuy nhiên, cuộc chiến này không chỉ xoay quanh sự chia rẽ về giáo dục và sắc tộc mà nó còn liên quan đến vị trí địa lý. Biểu đồ về cử tri ở ngoại ô do giáo sư Schaffner công bố giúp lý giải sự khác biệt lớn giữa các khu vực bỏ phiếu. Vùng ngoại ô, nơi sinh sống của nhiều người da trắng có học vấn, vốn là pháo đài của đảng Cộng hòa nhưng năm 2018 chứng kiến sự thay đổi khi phe Dân chủ chiếm được nhiều sự ủng hộ hơn. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là ở miền Nam.

nuoc My chia re anh 2
Nghiên cứu của CCES cho thấy cử tri ở ngoại ô miền Nam có xu hướng khác với cử tri ngoại ô các vùng khác. Đồ họa: CCES.

Dẫu vậy, bù lại việc đảng Dân chủ “xâm chiếm” ngoại ô, đảng Cộng hòa lại có được ưu thế ở nông thôn. Năm 2012, Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill, bang Missouri, từng chiến thắng tại hạt Saline với cách biệt 22,5 điểm. Nhưng tới năm 2018, bà bại trận trước ứng viên Cộng hòa Josh Hawley trong cuộc chạy đua vào Thượng viện với chênh lệch là 21,4.

Sự thay đổi xu hướng diễn ra trên toàn Missouri và cả nước. Ở bang Florida, phe Dân chủ có kết quả tốt hơn dự kiến đối với khu vực thành thị và ngoại ô. Trong lúc đó, các ứng viên Cộng hòa chiến thắng vang dội ở nông thôn miền Nam.

Khu vực số 10, bang Virginia, là nơi đảng Dân chủ chưa từng thắng kể từ năm 1981 nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Jennifer Wexton chiếm được ghế của Hạ nghị sĩ Cộng hòa Barbara Comstock với chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu 56-44.

Hồi năm 2016, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve Russell thắng với cách biệt 20 điểm tại Oklahoma-5, nhưng năm nay ứng viên Dân chủ Kendra Horn lật ngược tình thế với chiến thắng bất ngờ nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ tại thành phố Oklahoma.

Tất cả cho thấy câu chuyện “bang đỏ, bang xanh” đã quá xưa cũ. Sự chia rẽ tại nước Mỹ không chỉ thể hiện theo bản đồ chính trị biên giới các bang mà nó tồn tại ngay giữa các khu vực và địa phương cùng bang.

Điều gì dẫn tới kết quả bầu cử giữa kỳ?

Theo nhà khoa học chính trị John Sides, Đại học George Washington, sự chia rẽ trong các yếu tố nhân khẩu cho thấy cuộc chiến về danh tính và bản sắc đang mở rộng.

“Những nhân tố khiến cử tri chia rẽ vào năm 2016 đang gây ra rạn nứt lớn hơn”, ông đánh giá. “Tất cả yếu tố nhân khẩu đều có mối liên hệ với quan điểm về sắc tộc và di trú”.

Nhìn lại quá khứ, chính trường Mỹ trước thời Obama vốn đã được đặt trong bối cảnh chia rẽ sắc tộc. Phong trào vì quyền công dân tác động tới cấu trúc cục diện chính trị, đưa cử tri da màu về đảng Dân chủ và thúc đẩy cộng đồng da trắng ở miền Nam có tư tưởng bảo thủ đi theo đảng Cộng hòa. Trong lúc làn sóng nhập cư gia tăng, sự thân thiện của phe Dân chủ đối với người nhập cư và hoài nghi gia tăng bên phía Cộng hòa khiến tình trạng chia rẽ ngày càng nghiêm trọng.

Chiến thắng của ông Obama năm 2008, biểu tượng cho một nước Mỹ đang thay đổi, đã đưa những vết rạn nứt ngầm lên tầm cao mới, với kết quả là sự sụp đổ của nền tảng ủng hộ phe Dân chủ trong bộ phận người da trắng dưới trình độ đại học.

“Những người da trắng không học đại học chia làm hai phe cân bằng theo lưỡng đảng trong các cuộc khảo sát của Pew từ 1992-2008. Tuy nhiên, đến năm 2015, số cử tri da trắng không có bằng đại học ủng hộ đảng Cộng hòa cao hơn số liệu của đảng Dân chủ 24%, với tỷ lệ 57%-33%", Sides và các cộng sự viết trong cuốn Identity Crisis (tạm dịch: Khủng hoảng Bản sắc).

nuoc My chia re anh 3
Đoàn di cư từ Trung Mỹ trên đường hướng lên phía bắc qua Mexico hôm 21/10. Ảnh: Reuters.

Đây không phải sự phân hóa tầng lớp xã hội theo nghĩa truyền thống bởi có rất nhiều người da trắng thu nhập cao mà không sở hữu bằng đại học. Qua sự cách biệt với một tấm bằng, người ta nhìn ra sự chia rẽ sâu sắc trong tư tưởng phân biệt và kỳ thị chủng tộc.

Theo nhà khoa học chính trị Marisa Abrajano và Zoltan Hajnal, khi truyền thông đưa tin người nhập cư gốc Latin là mối đe dọa thì số người da trắng ủng hộ đảng Dân chủ giảm trong khi cử tri nghiêng về Cộng hòa tăng.

“Khi tác động của vấn đề nhập cư dâng cao tại Mỹ, người da trắng chuyển sang đảng Cộng hòa với số lượng lớn nhất từ trước tới nay”, tác giả Abrajano và Hajnal viết trong cuốn White Backlash (tạm dịch: Làn sóng phản công Trắng).

Ông Trump thắng cuộc bầu cử 2016 bằng cách tận dụng sự chia rẽ. Những lời công kích của ông với người nhập cư từ Mexico, cộng đồng Hồi giáo và người Mỹ gốc Phi thu hút sự chú ý của cử tri da trắng ở nông thôn với trình độ giáo dục thấp hơn. Trong khi đó, cũng những động thái này lại không được lòng nhiều cử tri có tư tưởng tiến bộ, dù hiệu ứng này không đủ lớn để ứng viên Dân chủ Hillary Clinton giành chiến thắng.

Năm 2018, phe Dân chủ tập trung vào các vấn đề thường ngày như sức khỏe cộng đồng, còn ông Trump phủ sóng dày đặc trên truyền thông với "lá bài" tiêu biểu là đoàn di cư. Theo Vox, mục tiêu của tổng thống là tiếp tục phân cực cử tri và hy vọng lặp lại chiến thắng của năm 2016.

Điều này có hiệu quả ở mức độ nhất định khi những ứng viên Cộng hòa nhận được kết quả tích cực, trong đó có Ron DeSantis thắng cuộc đua vào ghế thống đốc bang Florida. Chiến dịch cũng giúp đảng này giữ một số ghế Hạ viện tại miền Nam, nơi sắc tộc là vấn đề quan trọng với cử tri da trắng.

Tuy vậy, trong lần này, phe Dân chủ không đơn giản là bù lại số phiếu bị mất, họ thậm chí giành ghế tại một số bang vốn được coi là nơi ủng hộ Trump, như Wisconsin và Michigan. Nền chính trị bản sắc giúp tổng thống củng cố nền móng nhưng cái giá phải trả là mất đi số lượng cử tri đáng kể và Hạ viện.

“Chúng ta đang chứng kiến nền chính trị cảm tính dựa trên sắc tộc và vấn đề nhập cư xuất hiện ở các bang và khu vực, kể cả khi tên ông Trump không ở trên phiếu bầu”, Vox trích lời ông Sides.

Cuộc nội chiến lạnh

Cách chính xác nhất để hình dung sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ là liên tưởng tới mâu thuẫn chính trị giữa hai phe với tầm nhìn khác biệt, không chịu thỏa hiệp. Nói cách khác, nó giống như cuộc nội chiến lạnh, trong đó hai bên chiến đấu không phải bằng súng đạn mà bằng những cuộc đua chính trị một mất một còn.

Lưỡng đảng nhìn nhận bản thân thuộc hai nhóm văn hóa khác biệt. Họ đọc tin tức từ những báo khác nhau, tới các nhà thờ khác nhau, sống ở khu vực khác nhau và hiếm khi tiếp xúc với người có quan điểm đối lập.

nuoc My chia re anh 4
Xu hướng bỏ phiếu của nhóm cử tri trẻ tại Mỹ. Đồ họa: CIRCLE.

Là “người Cộng hòa” hay “người Dân chủ” không chỉ là vấn đề quan điểm chính trị mà nó bao trùm toàn bộ các đặc trưng khác về danh tính của một cá nhân. Nó được định nghĩa qua lập trường về sắc tộc và chủ nghĩa đa văn hóa, đồng thời chứa một loạt những yếu tố nhận dạng khác.

Sự chia rẽ kiểu này dễ được làm sâu sắc bởi hai phe không có xu hướng thỏa hiệp một khi yếu tố bản sắc xuất hiện trên lá phiếu. Đó là lý do cuộc đối đầu không khác gì một trận nội chiến.

“Càng được phân loại vào từng nhóm, chúng ta càng phản ứng cảm tính với các sự kiện chính trị thông thường”, Lilliana Mason, Đại học Maryland, nhận định. “Cử tri càng giận dữ thì càng khó để tìm điểm chung về chính sách, hay thậm chí đơn giản là đối xử với phe đối lập như người với người”.

Mỗi phe đều có lợi thế trong trận chiến. Phe dân chủ đông và trẻ hơn. Tuy nhiên, sự thiếu tính đại diện ở một số cơ chế như Thượng viện và Đại cử tri đoàn mang lại ưu thế cho đảng Cộng hòa. 40 triệu cư dân bang xanh California cũng vẫn chỉ có số thượng nghị sĩ bằng số lượng của bang đỏ Wyoming với dân số 580.000.

Một bên sẽ phải đánh bại bên còn lại trong trò chơi tổng bằng không. Và trong khi Cộng hòa thắng trận chiến thứ nhất khi thành công đưa ông Trump lên chức tổng thống, phe Dân chủ đang thắng trận thứ hai khi giành lại Hạ viện và kèm theo đó là quyền luận tội, đe dọa gây tổn hại lớn với Tổng thống Trump cùng chính quyền của ông.

Cuộc ganh đua giữa voi và lừa ở nước Mỹ Biểu tượng lừa của đảng Dân chủ và voi cho đảng Cộng hoà xuất hiện trên chính trường Mỹ từ thế kỷ XIX, nhưng ít ai biết những câu chuyện thú vị ẩn chứa đằng sau 2 con vật này.

Giáo sư Mỹ: Hạ viện sẽ chịu áp lực luận tội Tổng thống Trump

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Mỹ dự đoán sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ sớm phát huy quyền lực giám sát và chất vấn đối trọng Nhà Trắng.

Hậu bầu cử giữa kỳ, ai sẽ nối tiếp bộ trưởng Tư pháp rời Nhà Trắng?

Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện ý định thay đổi nhân sự sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions là người đầu tiên và có thể không phải là cái tên duy nhất.


Ngọc Hà (Theo Vox)

Bạn có thể quan tâm