Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton (giữa) đi vận động cho nữ thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (bìa trái) của Đảng Dân chủ và thống đốc bang New Hampshire - bà Maggie Hassan - tại Nashua, bang New Hampshire ngày 2/11. Ảnh: Reuters |
Tháng 10/2013, Ðảng Cộng hòa bảo thủ đã gây áp lực khiến Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa 16 ngày, gây tổn thương nặng nề cho quốc gia và phá hủy nghiêm trọng sự tín nhiệm của chính phủ.
Tháng 8/2014, lãnh đạo Ðảng Cộng hòa và cả một số nhân vật bất đồng chính kiến, sau bài học rút ra từ tháng 10 năm ngoái, đã không để việc này tái diễn bất chấp nỗ lực của những thành viên cực kỳ bảo thủ trong đảng.
Cộng hòa học từ thất bại
Việc chính phủ buộc phải đóng cửa năm 2013 thật ra đã được phong trào Tiệc Trà (Tea Party), phe cực hữu nhất của Ðảng Cộng hòa, nhìn thấy từ trước.
Tea Party lúc đó rất bất mãn với khoản bội chi ngân sách khổng lồ của chính quyền Obama khiến hậu quả là con số nợ công lên đến 17.500 tỷ USD. Tea Party cũng e ngại rằng đạo luật cải tổ y tế mới (Obamacare) vốn được Ðảng Dân chủ đơn phương đưa thành luật có thể sẽ khiến chính phủ chìm sâu hơn nữa trong nợ nần.
Lúc đó Ðảng Cộng hòa đã song hành cùng Tea Party đóng cửa chính phủ bởi phong trào này là con bài giúp Ðảng Cộng hòa nắm giữ đa số tại Hạ viện Mỹ. Ðiều trớ trêu với Ðảng Cộng hòa là khi chính phủ mở cửa trở lại cũng có nghĩa là họ thừa nhận thất bại trước Ðảng Dân chủ: Ðảng Cộng hòa đã không thể làm gì được với khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to và đạo luật cải tổ y tế Obamacare - chính là hai lý do khiến chính phủ buộc phải đóng cửa.
Tỷ lệ ủng hộ Ðảng Cộng hòa xuống mức thấp kỷ lục, đe dọa tương lai sống còn của đảng. Theo một số tính toán thì việc chính phủ buộc phải đóng cửa đã gây tổn thất 24 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia.
Trong lần bầu cử giữa kỳ lần này, với lo ngại gây tổn thương đến chính đảng của mình, các nghị sĩ Ðảng Cộng hòa, trong đó có cả Tea Party, đã cam kết không đóng cửa chính phủ một lần nữa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phe Cộng hòa cảm thấy không những có thể tiếp tục kiểm soát hạ viện mà còn có cơ hội nắm giữ đa số tại thượng viện. Ðiều đó có thể đặt dấu chấm hết cho Ðảng Dân chủ và chính quyền Obama. Hệ thống chính trị của quốc gia sẽ có thể đi đến chỗ gần như hoàn toàn bế tắc.
Tình cảnh “không được lòng dân” của Tổng thống Obama trong thời gian gần đây. Ảnh: Getty |
Tổng thống đơn phương hành động
Tổng thống Obama đã quyết định không cần đến sự chấp thuận của Quốc hội và hành động theo ý mình bằng cách ban hành các sắc lệnh hành pháp và chỉ đạo bộ máy hành chính nhà nước không thực thi những bộ luật trái ý ông.
Ông Obama đã chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ môi trường ban hành các quy định dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện đốt than. Ông cũng đang chuẩn bị một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ được thực thi không cần đến sự chấp thuận của Quốc hội. Hai cuộc chiến mới ở Syria và Iraq cũng đã được tổng thống phát lệnh mà không có sự cho phép của quốc hội.
Trong một số trường hợp thì các hành động đơn phương này là vi hiến, nhưng trong mọi trường hợp chúng đều được coi là thiếu dân chủ. Những thành viên cực kỳ bảo thủ của Ðảng Cộng hòa sẽ tiếp tục bất bình bởi Tổng thống Obama và sẽ vẫn phủ quyết bất kỳ đề xuất luật nào của phe Cộng hòa đưa ra hoặc sẽ dùng quyền hành của mình để ngăn trở.
Thêm vào đó, Tổng thống Obama có ý định dùng sắc lệnh hành pháp của mình để ân xá cho hàng triệu người nước ngoài đang cư ngụ bất hợp pháp tại Mỹ, vốn là vấn đề vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe Cộng hòa. Và người ta cũng chưa rõ là việc Tổng thống Obama theo đuổi cuộc chiến ở Syria và Iraq có thể khiến quốc hội phản ứng như thế nào.
Ðiều nực cười là chỉ một chương trình rất ít được biết đến như Ngân hàng Xuất nhập khẩu cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư ở nước ngoài đã khiến một số phe phái trong Ðảng Cộng hòa đe dọa đóng cửa chính phủ để loại bỏ ngân hàng này. Tuy nhiên, vấn đề này đã được tạm lùi lại đến năm tới.
Vậy tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với nền dân chủ Mỹ? Phải nói là vô cùng đáng lo ngại. Quốc hội đã từ bỏ nghĩa vụ kiểm soát và đối trọng quyền hành pháp của tổng thống. Và bấy lâu nay Tổng thống Obama đã rất lấy làm hài lòng được lấp đầy khoảng trống quyền lực đó bằng những cách làm có thể được coi là vi hiến.
Ðồng thời, quốc hội thì đang bế tắc không chỉ giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ mà còn bế tắc ngay chính trong Ðảng Cộng hòa với phe Tea Party. Vì thế, tất cả mọi bên đều đang tìm mọi cách có thể để đạt được mục đích của mình.
Trớ trêu là hầu hết những chương trình và hành động đã tiến hành đều vấp phải sự phản đối của đại bộ phận người dân Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với cách thức hoạt động của quốc hội đã giảm xuống còn 9% (quốc hội khóa 113 hiện nay bị chê là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử), trong khi đó đánh giá của người dân về đường lối lãnh đạo của Tổng thống Obama ở cả phương diện đối nội và đối ngoại đều rất thấp. Chưa kể 80% dân Mỹ cho rằng đất nước đang đi theo hướng sai lầm. Người dân Mỹ sẽ có lời nhắn gửi cho chính phủ bằng lá phiếu và nó cũng sẽ phản ánh sức sống của nền dân chủ Mỹ đã đủ độ mạnh đến mức nào.
Phe Cộng hòa đánh vào điểm yếu của tổng thống
Hơn 100 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ vào hôm nay (4/11) để bầu chọn toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 36 trong tổng số 100 ghế Thượng viện và 36 trong tổng số 50 ghế thống đốc bang.
Theo các kết quả thăm dò, Ðảng Cộng hòa nhiều khả năng giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi họ đang có 233 ghế so với 199 ghế của Ðảng Dân chủ.
Tại Thượng viện, đảng nào chiếm được 51 ghế sẽ nắm quyền chi phối. Hiện Ðảng Dân chủ nắm giữ 53 ghế, Ðảng Cộng hòa 45 ghế cộng với hai ghế độc lập.
Trong ngày 4/11, trong 36 ghế thượng viện phải bầu lại có 21 ghế của Ðảng Dân chủ và 15 ghế của Ðảng Cộng hòa.
Theo Reuters, Ðảng Cộng hòa đang rất hi vọng giành nốt quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện dựa trên tình cảnh “không được lòng dân” của Tổng thống Obama trong thời gian gần đây. Và nếu điều đó xảy ra thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, một chính đảng kiểm soát lưỡng viện ở Mỹ.
Nhưng theo Reuters, cũng có khả năng ở một số bang không chọn được ngay đại diện Thượng viện do hai ứng viên so kè, không đạt được quá bán số phiếu. Trong trường hợp đó, họ phải bầu lại vòng hai vào tháng 12 hoặc vào tháng 1/2015, khi đó mọi thứ mới ngã ngũ.
Ngoài các ghế tại lưỡng viện quốc hội còn có 36/50 ghế thống đốc bang phải bầu lại. Ðảng Cộng hòa hiện nắm 29 ghế thống đốc bang so với 21 ghế của Ðảng Dân chủ.
Ðảng nào giành được nhiều ghế thống đốc bang trong ngày 4/11 sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc bầu chọn tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào năm 2016.
N. Quân