Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank đã chạm trần 30% gần đây. Ảnh: STB. |
Thời gian gần đây, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trở thành tâm điểm giao dịch của khối ngoại khi được mua ròng khối lượng lớn, đẩy tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) chạm ngưỡng 30% vào ngày 10/2.
Tuy nhiên, trong văn bản do Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh - ký, ghi rõ ngày 12/11/2015, Sacombank được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank.
Theo đó, vốn cổ phần của ngân hàng tăng từ hơn 1,485 tỷ cổ phần trước khi sáp nhập lên hơn 1,885 tỷ cổ phần.
Do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu trên, VSD đã ra thông báo kể từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là hơn 23,63% trên tổng số cổ phiếu niêm yết sau khi sáp nhập.
"Từ ngày có thông báo nêu trên, Sacombank chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông", văn bản Sacombank ghi rõ.
Tuy nhiên, theo số liệu được VSD cung cấp vào ngày 10/2, khối lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank đã là 565 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 29,99%.
Cổ phiếu STB tăng mạnh nhờ dòng tiền của khối ngoại mua vàng thời gian gần đây. Đồ thị: TradingView. |
Sacombank cho biết đang đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/9/2016 ở mức 23,63%.
Đồng thời, trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm phù hợp và sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Trên thị trường, STB là mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Trần room ngoại tại nhà băng này trước đó đã chạm ngưỡng 30% trước khi có dấu hiệu hạ nhiệt gần đây.
Đáng kể nhất là nhóm quỹ Dragon Capital liên tục mua thêm hàng chục triệu cổ phần STB để nâng tổng sở hữu lên trên 114,4 triệu đơn vị, trở thành cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ hơn 6%.
Tuy nhiên, ngay sau văn bản phản hồi của Sacombank, khối ngoại đã có 3 phiên bán ròng mạnh liên tiếp cổ phiếu STB (ngày 14-16/2) với tổng khối lượng gần 12,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán ròng 295 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong năm 2022, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Chất lượng tài sản của nhà băng này cũng được cải thiện mạnh mẽ trong năm vừa qua với tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98% tổng dư nợ.
Chứng khoán KB Việt Nam cho biết Sacombank đặt mục tiêu có thể xử lý dứt điểm khoản nợ xấu tại VAMC thông qua bán đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng KCN Phong Phú và 32,5% cổ phần STB đang được thế chấp tại VAMC ngay trong năm 2023.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...