Chiến đấu cơ Nga lao xuống đất sau khi trúng tên lửa ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty |
Khó thổi bùng chiến tranh hạt nhân
Vụ việc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, đẩy tình hình tới thế khó có thể lường trước. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, một quốc gia thành viên NATO bắn rơi máy bay quân sự của Nga, CNN đưa tin.
Nếu điều này xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh, nó sẽ đẩy tình hình tới sát mép vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông hiện nay phức tạp nhưng chưa đến mức nguy hiểm. Thay vì sử dụng mã phóng hạt nhân, Tổng thống Putin yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp. NATO cũng triệu tập cuộc họp tại Brussels, Bỉ về vấn đề này.
Dù những động thái cho thấy sự bình tĩnh của các bên nhưng rõ ràng, nước Nga đã rất tức giận khi gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ đồng lõa với khủng bố”. Tổng thống Nga Putin cũng cảnh báo về “những hậu quả đáng kể” sau vụ bắn rơi máy bay. Đây chỉ là những tuyên bố ban đầu về vụ việc nghiêm trọng ở khu vực có những cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới.
Phản ứng ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi phi cơ Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng về sự vô can của Washington đồng thời khẳng định chiến dịch chống IS sẽ tiếp tục.
Các quốc gia NATO, những đồng minh quân sự thân cận với Ankara, cũng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hạ nhiệt căng thẳng. Thậm chí, các bên chỉ coi vấn đề đang diễn ra là việc của Moscow và Ankara, đôi bên cần ngồi lại để tìm phương án giải quyết.
Các nhà phân tích đều cho rằng, giới lãnh đạo Nga và NATO đủ tỉnh táo để ngăn sự việc dẫn đến cuộc xung đột quy mô lớn.
Cuộc chiến quy mô toàn cầu ở Syria
Bất ổn ở Syria bắt đầu năm 2011 và kéo dài chưa có hồi kết. Nó không chỉ gây ra tình trạng bạo lực trong khu vực mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố, trong đó nổi cộm nhất là lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Không chỉ lộng hành ở Trung Đông, lực lượng này đang đưa phương Tây, Nga và nhiều khu vực khác vào phạm vi tấn công.
Trên chiến trường Iraq và Syria, IS là một trong những phe phái đang tranh giành quyền lực. Thổ Nhĩ Kỳ muốn các lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Nga muốn bảo vệ chính quyền Syria, đồng minh lâu dài của Moscow. Việc Nga không kích các lực lượng nổi dậy ở Syria khiến mối quan hệ giữa Moscow và Ankara trở nên căng thẳng.
Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng khác các đồng minh trong NATO cuộc chiến chống khủng bố. Thậm chí, Ankara còn nhắm mắt làm ngơ để IS lộng hành. Mục đích thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ là áp chế các lực lượng người Kurd cũng như lật đổ chính quyền Assad. Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh vấp phải sự thờ ơ của Ankara.
Trên thực tế, các bên trong xung đột ở Syria đều có kẻ thù và đồng minh. Sự lộn xộn gây nên một cuộc chiến tranh quy mô thế giới ở Syria thay vì Thế chiến III. Năm ngoái, Mỹ tập hợp liên minh gồm 60 quốc gia tham chiến ở Syria. Các nước đóng góp với mức độ khác nhau. Cuối tháng 9 vừa qua, Nga cũng chính thức trở thành một bên trong “mớ hỗn độn” ở đây.
Đối thủ của các hoạt động này là lực lượng IS. Không chỉ giành quyền kiểm soát ở Iraq và Syria, IS và các lực lượng thề trung thành còn thống trị Lybia, bán đảo Sinai, Ai Cập, Nigeria và các khu vực khác của châu Phi. Afghanistan, Indonesia, Pakistan, Algeria và Philippines cũng chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa của IS.
Công dân nhiều nước bị sát hại ở Syria và Iraq trong những vụ hành quyết man rợ của IS. Bất ổn và nội chiến gây ra cơn lũ người di cư tràn vào châu Âu. Những vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp thế giới, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom máy bay chở khách Nga làm 224 người thiệt mạng.
Những hành động bất chấp luật pháp đẩy IS tới cuộc chiến với toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, đây không phải Thế chiến III nếu so với hai cuộc chiến tranh thảm khốc trong thế kỷ 20.