Theo Bloomberg, các ngân hàng nông thôn Trung Quốc đang lao đao trong cơn khủng hoảng, nợ tiêu dùng của người dân nước này tăng vọt và hiện tượng tái cơ cấu trái phiếu quy mô lớn là những dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang căng thẳng nghiêm trọng.
Chính quyền Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: vừa phải kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn chặn nguy cơ chi tiêu quá tay, khiến quả bom nợ 40.000 tỷ USD ngày càng phình to.
Việc Bắc Kinh ngần ngại không dám giải cứu các nhà băng đang khủng hoảng và mạnh tay kích thích kinh tế đã dẫn tới tình trạng vỡ nợ tràn lan và tăng trưởng tiếp tục sụt giảm.
Hệ thống tài chính Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu xấu. Ảnh: Forbes. |
Nguy cơ trật đường ray
“Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các biện pháp cần thiết tối thiểu để ngăn chặn nguy cơ cỗ xe lửa kinh tế trật đường ray”, Bloomberg dẫn lời của Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, nhận định.
Một trong những thách thức nan giải nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc là tình trạng sức khỏe của các ngân hàng quy mô nhỏ và công ty nhà nước ở nhiều tỉnh thành đang ngày càng sa sút trầm trọng.
Vụ Công ty chứng khoán Tewoo thuộc sở hữu nhà nước đối mặt nguy cơ vỡ nợ và không được chính phủ bảo lãnh đã làm dấy lên mối lo ngại về một cơn bão tài chính tại thành phố Thiên Tân, nơi hãng này đặt trụ sở.
Những tín hiệu xấu cũng đã bùng lên từ nhiều tháng qua, tập trung tại các ngân hàng quy mô nhỏ. Niềm tin dành cho các nhà băng này sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Trung Quốc nắm quyền kiểm soát một ngân hàng ở Nội Mông và đẩy lỗ về phía một số chủ nợ.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã can thiệp để dập tắt ít nhất hai làn sóng rút tiền ồ ạt ra khỏi ngân hàng và giải cứu hai nhà băng khác.
Nợ Trung Quốc đang tăng mạnh. Ảnh: Reuters. |
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính 2019 mới được công bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết 586 trên tổng số 4.400 ngân hàng nước này “đối mặt rủi ro cao”.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh những nguy cơ liên quan tình trạng nợ leo thang. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Trung Quốc tính theo thu nhập khả dụng tăng từ 93,4% vào năm ngoái lên 99,9% trong năm 2018.
PBOC và các cơ quan quản lý khác từ lâu đã cảnh báo về rủi ro nợ doanh nghiệp Trung Quốc quá cao, tăng lên mức kỷ lục 165% GDP vào năm 2018, theo Bloomberg Economics.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Vào lúc này, dường như các nhà đầu tư vẫn hi vọng chính phủ Trung Quốc đủ khả năng kiềm chế các rủi ro tài chính và đảm bảo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không còn biến động quá mạnh, một phần do giới đầu tư lạc quan về khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, việc chứng khoán Hong Kong lao dốc hôm 28/11 đã ảnh hưởng đến thị trường nội địa.
PBOC và một số cơ quan quản lý khác cho biết đang buộc các ngân hàng gặp khó khăn phải tăng vốn, cắt giảm nợ xấu, hạn chế trả cổ tức và thay thế các vị trí quản lý. PBOC cũng đưa ra một số biện pháp khuyến khích các nhà băng nhỏ sáp nhập và tranh thủ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Hôm 29/11, Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính Trung Quốc - do Phó thủ tướng Trung Quốc làm chủ tịch - kêu gọi tăng cường sức mạnh vốn tại các ngân hàng nhỏ và thiết lập cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang tìm cách ổn định tình hình tài chính nước này. Ảnh: Bloomberg. |
Hồi đầu tuần, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc tuyên bố cần nhiều nỗ lực để bảo vệ các cổ đông, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ, đồng thời ngăn chặn rủi ro thanh khoản và tín dụng trên thị trường vốn.
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng ra lệnh cho các chính quyền địa phương đẩy nhanh việc cho các dự án cơ sở hạ tầng vay vốn. Bloomberg nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ nền kinh tế tiếp tục sa sút.
Quyết định này cũng cho thấy rõ tình thế lưỡng nan của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh buộc phải thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn, nhưng sẽ đối mặt với nguy cơ bom nợ ngày càng phình to, đe dọa hệ thống tài chính.
"Chính quyền Trung Quốc càng mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này, thị trường sẽ càng méo mó và hậu quả càng trở nên nghiêm trọng", giáo sư Michael Pettis của Đại học Peking nhận định.