Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở thủ đô Addis Ababa và lan sang khu vực Oromia xung quanh vào tối 29/6 sau khi nhạc sĩ nổi tiếng người Oromo, Haacaaluu Hundeessaa, bị các tay súng vô danh bắn chết, theo Reuters.
Haacaaluu hát bằng ngôn ngữ Oromo của nhóm sắc tộc lớn nhất ở Ethiopia. Cái chết của anh đã chạm vào sự bất bình xuất phát từ hàng chục năm đàn áp của chính phủ. Người Oromo chỉ trích việc họ bị gạt ra khỏi quyền lực chính trị.
Quân đội Ethiopia trên đường phố thủ đô Addis Ababa hôm 2/7. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ ban đầu cho biết 80 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, kéo dài hai ngày. Đây là vụ bất ổn có thiệt hại nhân mạng lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Abiy Ahmed, một người Oromo, lên nắm quyền vào năm 2018 với lời hứa cải cách một loạt lĩnh vực.
Song một quan chức an ninh khu vực cấp cao nói với Reuters hôm 5/7 rằng số người chết ít nhất là gấp đôi, với 145 dân thường và 11 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng.
Jibril Mohammed, người đứng đầu Cục An ninh và Hòa bình Oromia, cho biết có thể có thêm nhiều trường hợp tử vong do nhiều người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện.
10 người khác đã thiệt mạng tại Addis Ababa, một nguồn tin trong cơ quan cảnh sát quốc gia cho biết.
Quân đội, được huy động để dập tắt cuộc biểu tình hôm 1/7, đã có mặt trên đường phố các thị trấn ở Oromia, hai cư dân từ thị trấn Adama và một người khác từ thị trấn Shashemene nói với Reuters. Giới chức đã cắt Internet sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, và vẫn chưa nối lại.
"Khu vực (Oromia) hiện tương đối yên tĩnh và không có bạo lực hay phản kháng lúc này. Các cơ sở kinh doanh cũng đã mở cửa trở lại", ông Jibril nói với Reuters qua điện thoại.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi chính phủ đưa những kẻ ám sát nhạc sĩ Haacaaluu ra xét xử.