“Ngay khi tôi hướng máy ảnh về phía xe hàng rong cạnh đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, một người phụ nữ bán cá viên chiên lập tức tiến đến, yêu cầu xóa ảnh”, Thiên Trang (24 tuổi) kể lại trải nghiệm tại phố đi bộ đêm giữa tháng 4.
Sự việc thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người xung quanh.
Du khách bị đe dọa
Lúc xảy ra tranh cãi, Thiên Trang cho biết cô đang cùng bạn thân dạo bước ở phố đi bộ. Tuy nhiên, buổi đi chơi bị gián đoạn vì bất ngờ gặp mâu thuẫn với những người buôn bán trên con phố.
Dù đã giải thích chỉ chụp ảnh kỷ niệm và không có chủ đích làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những người bán rong, Thiên Trang vẫn bị đe dọa.
“Lúc này, người phụ nữ trạc 45 tuổi yêu cầu tôi lập tức xóa ảnh, nếu không sẽ có người đến giải quyết”, Trang kể và cho biết sau đó người phụ nữ đã gọi thêm một số người khác đến để gây sức ép.
Những người này cho rằng việc Trang chụp ảnh liên quan đến quầy hàng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, mưu sinh của họ nên gây ra mâu thuẫn trên. Sau khi trao đổi lại với nữ du khách, nhóm người này giải tán và tiếp tục buôn bán.
Mua bán nhộn nhịp trên phố đi bộ. Ảnh: Thư Trần. |
Theo quan sát của Trang, phố đi bộ không chỉ có một vài xe bán hàng lưu động mà có khoảng 30 chiếc khác trải dọc lòng quảng trường. Các xe này bày bán đa dạng mặt hàng như đồ ăn vặt, nước giải khát, đồ chơi trẻ em... Người bán đông đúc, thực khách ngồi ăn tại chỗ, cộng thêm các hoạt động chạy xe điện, trượt ván của các du khách tạo nên khung cảnh lộn xộn.
Nói thêm về sở thích đến phố đi bộ vào dịp cuối tuần, Thiên Trang cho biết không xa lạ với cảnh người bán hàng rong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau xung đột này, cô bày tỏ thất vọng về cách ứng xử của một số người có phần kích động.
“Dù hiểu những người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn và vất vả khi mưu sinh đêm hôm. Nhưng nếu xử lý tình huống không khéo léo sẽ dẫn đến hiểu lầm, mất thiện cảm với du khách lần đầu đến trung tâm thành phố”, Trang chia sẻ.
Trải nghiệm không vui
Phố đi bộ thường là nơi dừng chân của giới trẻ, gia đình dịp cuối tuần. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ăn uống tại các hàng rong nơi đây. Tuy nhiên không phải ai cũng có những trải nghiệm vui vẻ.
Sinh sống và học tập tại TP.HCM đã 2 năm, Yến Linh (20 tuổi) cho biết rất thích ăn uống hàng rong tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Với Linh, hàng rong là một nét văn hóa rất riêng và gần gũi của thành phố. Tuy nhiên, Linh cho rằng việc bày biện bàn ghế ở giữa phố đi bộ cần có sự điều chỉnh.
“Cuối tuần hoặc dịp lễ, người dân dạo phố ở khu vực này nhiều, nếu cộng thêm người ngồi ở giữa đường nữa sẽ ảnh hưởng đến không gian chung, bên cạnh đó còn làm mất đi vẻ đẹp của phố đi bộ này", Linh nhận xét.
Minh Châu (23 tuổi) chia sẻ bạn bè của cô thường hẹn xuống phố đi bộ để ăn uống. Thế nhưng, sau khi bị các gánh hàng rong "chặt chém", chèo kéo vài lần, họ dần ít lui tới đường Nguyễn Huệ.
“Việc một số người bán hàng rong có thái độ hung hăng gây ảnh hưởng đến thiện cảm của du khách đối với phố đi bộ”, Châu bày tỏ.
Phố đi bộ sau 22h. Ảnh: Thư Trần. |
Hàng rong là hình ảnh thường xuất hiện tại nhiều khu công cộng, nơi vui chơi. Nhiều người chia sẻ họ thật sự có nhu cầu khi mua được đồ ăn thức uống tại chỗ. Không ít du khách nước ngoài cũng cho rằng thức ăn đường phố có phong vị đặc biệt; tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo của họ.
Bên cạnh đó, du khách cho rằng vấn đề ở đây không phải là việc “xóa sổ” hàng rong ở trung tâm thành phố, mà ngược lại loại hình kinh doanh này cần được phát triển có quản lý, sắp xếp tốt hơn, bởi đó cũng là một phần của nền kinh tế, giúp nhiều người có thu nhập.
Chị Ngọc An (27 tuổi) cho rằng khi đến phố đi bộ, người dân vẫn có nhu cầu ăn hàng. Chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để người dân có khu vực buôn bán cố định thay vì tự phát như hiện nay và vấn đề an ninh trật tự cần được đảm bảo.
Là người ngoại quốc sống tại TP.HCM gần 2 năm, anh Dan Collins (39 tuổi, quốc tịch Australia) thường cùng bạn bè lui tới khu vực quận 1 để vui chơi cuối tuần. Người đàn ông này từng tỏ ra bất ngờ khi nhìn thấy có rất nhiều hàng rong, nhất là tại khu trung tâm như công viên, phố đi bộ.
Với Collins, hàng rong là một nét văn hóa và cách thức sinh hoạt đặc biệt của người Việt, song anh băn khoăn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tình trạng lộn xộn của các hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Người bán rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thanh Phúc. |
Nằm ở trục đường chính của TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ được biết đến là một trong những địa điểm sầm uất. Thế nhưng, con phố thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong gây ra cảnh mất mỹ quan đô thị và an ninh trật tự.
Từ năm 2018, UBND TP.HCM đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành công văn yêu cầu các đơn vị liên quan của quận 1 xử lý triệt để tình trạng bán hàng rong gây mất mỹ quan, trật tự trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Song đến nay, tình trạng này vẫn không chuyển biến mà còn lộn xộn hơn.
Đêm xuống, phố đi bộ Nguyễn Huệ lại có hàng trăm chiếc ghế nhựa được trải ngược xuôi. Người bán hàng rong thậm chí còn chạy xe máy vào dựng ngang lối đi. Chỉ khi có bóng dáng lực lượng chức năng, những gánh hàng này tản ra khỏi lòng phố. Thế nhưng, không lâu sau, hình ảnh "phố hàng rong" ngổn ngang bàn ghế như cũ.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) được khánh thành ngày 30/4/2015, sau 7 tháng thi công. Con phố có hai đoạn là Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo dài từ đường Lê Thánh Tôn (phía trước trụ sở UBND TP.HCM) đến đường Lê Lợi; và quảng trường Nguyễn Huệ kéo dài từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng.
Quy định sau 22h, công viên phố đi bộ được đóng cửa để đảm bảo an toàn cho du khách.