Ông Kevin Seefried cùng con trai Hunter Seefried bị cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp, có hành vi gây mất trật tự và phá hoại tài sản của chính phủ. Trong một bức ảnh được lan truyền rộng rãi sau cuộc bạo động, ông Seefried được nhìn thấy đang cầm lá cờ của Liên minh miền Nam đi trong Điện Capitol.
Một phát ngôn viên của văn phòng FBI Baltimore xác nhận 2 cha con Seefried đã ra đầu thú vào ngày 14/1 tại Wilmington, Delaware, theo Washington Post.
Kevin Seefried, người đàn ông cầm cờ chiến trận của Liên minh miền Nam trong vụ hỗn loạn ở Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Robert Lee Sanford, một lính cứu hỏa về hưu, cũng bị bắt giữ hôm 14/1 với cáo buộc ném bình chữa cháy vào một viên cảnh sát bên trong Điện Capitol.
Theo cáo trạng của FBI, chiếc bình chữa cháy trên đã lao trúng nón bảo hiểm của một sĩ quan cảnh sát, sau đó nảy trúng hai sĩ quan khác.
Một nguồn tin của lực lượng cảnh sát cho biết hôm 6/1, người này đã cùng ông Stanford đến thủ đô Washington, D.C. để dự buổi mít tinh của ông Trump và sau đó đến Điện Capitol vì "nghe theo chỉ dẫn của tổng thống".
Trước đó, cảnh sát cho biết đã bắt giữ Peter Francis Stager với cáo buộc tấn công cảnh sát. Một đoạn video cho thấy ông Stager đã hành hung một cảnh sát bằng một lá cờ lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Stager tuyên bố rằng: "Mọi người trong đó (tòa nhà quốc hội) đều là kẻ phản quốc. Cái chết là lựa chọn duy nhất cho những gì trong tòa nhà kia".
John Earle Sullivan, 26 tuổi và đến từ bang Utah, bị truy tố với cáo buộc đột nhập tòa nhà và quay phim lại lúc người biểu tình Ashli Babbitt bị một cảnh sát bắn trong lúc định trèo phòng họp Hạ viện. Babbitt bị thương nặng và tử vong sau đó.
Trong đoạn video được đăng tải, Sullivan bình luận về vụ bạo loạn, nói rằng "có nhiều người, hãy đi nào, chỗ này là của chúng ta" và "hãy đốt chỗ này đi".
Các nhân vật trên là 5 trong số hàng chục người bị buộc tội hình sự liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1. Cơ quan chức năng dự kiến đệ trình thêm hàng trăm hồ sơ vụ án hình sự liên quan.