Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy, khả năng mang vác tối đa của MiG-21bis lên tới 6 tên lửa.
Tiêm kích đánh chặn MiG-21bis của Không quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Airlines.net |
MiG-21bis (NATO định danh là Fishbed-N) là biến thể nâng cấp cuối cùng của dòng tiêm kích huyền thoại MiG-21 được sản xuất hàng loạt từ năm 1972. Biến thể này được trang bị động cơ phản lực R-25-300 thế hệ mới cùng một loạt cải tiến khác.
Theo thông tin thiết kế được công bố, MiG-21bis được lắp một pháo trong thân GSh-23-2L (cơ số đạn 200 viên), đây là loại pháo tự động 2 nòng cỡ 23 mm do Phòng thiết kế chế tạo khí cụ Tula phát triển từ những năm 1960 để trang bị cho một loạt máy bay và trực thăng. GSh-23-2L dùng đạn AM-23 cỡ 23x115 mm, đạt tốc độ bắn 3.000-4.000 phát/phút, sơ tốc đầu đạn 680-890m/s.
Trên máy bay được thiết kế với 5 điểm treo gồm: một điểm ở dưới bụng máy bay và 4 điểm dưới cánh máy bay. Điểm treo dưới bụng có thể mang thùng nhiên liệu phụ loại PTB-490/PTB-800 hoặc động cơ rocket phụ trợ SPRD-99 (giúp MiG-21 cất cánh ngắn).
Về phần 4 điểm treo trên cánh thì mỗi điểm treo (2 điểm ngoài và 2 điểm trong) có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau (tên lửa, bom, rocket). Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới khả năng mang vác tên lửa của MiG-21bis mà Việt Nam đang có trong trang bị.
Theo đó, 2 điểm treo ngoài trên 2 cánh của MiG-21 được thiết kế để mang được 2 đạn tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại R-3S/R-13M hoặc R-60.
Tiêm kích MiG-21bis có 4 điểm treo vũ khí ở 2 cánh. Ảnh: Airlines.net |
R-3S/R-13M là 2 biến thể của dòng tên lửa không đối không huyền thoại R-3, hay còn gọi là K-13 (NATO định danh AA-2 Atoll) do Liên Xô sản xuất từ những năm 1960. Trong đó, R-13M ra đời từ cuối những năm 1960, được đánh giá là ngang ngửa với mẫu AIM-9G "rắn đuôi kêu" của Mỹ, nó trang bị ngòi nổ cận tiếp xúc mới, trang bị động cơ mới cho tầm bay xa (tầm bắn lên tới 30km), khả năng cơ động cao hơn.
Hai điểm treo phía trong trên 2 cánh có thể mang được 2 đạn R-3R/R-13M hoặc 4 đạn R-60/R-60M bằng giá treo 2 ray phóng. Như vậy, MiG-21bis có khả năng mang tối đa tới 6 tên lửa không đối không nếu kết hợp dùng R-3 và R-60. Về lý thuyết, thì MiG-21bis có thể hạ tới 6 mục tiêu bằng 6 quả tên lửa này (tất nhiên trong thực tế điều này là không dễ chút nào).
Tiêm kích MiG-21 treo tối đa 6 đạn tên lửa không đối không gồm: 2 đạn R-3 ở điểm treo trong và 4 đạn R-60 trên giá phóng APU-60 đặt ở 2 điểm treo ngoài. |
R-60 (NATO định danh là AA-8 Aphid) là loại tên lửa không đối không hạng nhẹ Liên Xô phát triển và đưa vào trang bị từ năm 1974, có thể mang trên hầu hết các dòng tiêm kích họ MiG, Su, Yak. Thời điểm nó ra đời, R-60 được xem là một trong những loại tên lửa không đối không nhẹ nhất thế giới với trọng lượng phóng chỉ là 44 kg. Nó có chiều dài 2,09 m, đường kính thân 120 mm, lắp đầu nổ 3 kg, ngồi nổ cận tiếp xúc. Tên lửa dùng đầu tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn tối đa 8 km, tốc độ bay Mach 2,7.
Còn R-60M là biến thể nâng cấp sau này với chiều dài tăng lên thêm 42 mm, lắp đầu nổ nặng 3,5 kg do đó khiến trọng lượng tăng lên 45kg, tầm bắn ngắn nhất 200 m (nghĩa là nó có thể hạ mục tiêu chỉ cách 200 m).