(Từ trái sang) Nhà báo Dương Thành Truyền, bà Hằng Giang, ông Lê Hoàng, ông Nguyễn Xuân Hùng, TS Quách Thu Nguyệt. Ảnh: Đông Miên. |
Nhận xét này được ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - chia sẻ trong buổi tọa đàm “Sách cổ: Quá trình phát triển sách và văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại” diễn ra vào tối ngày 18/4 tại đường Công xã Paris (quận 1, TP.HCM). Tọa đàm nằm trong khuôn khổ những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba.
“Nhiều người cho rằng các bạn trẻ hiện nay không quan tâm tới lịch sử, văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, qua các hoạt động mà chúng tôi chia sẻ trên không gian mạng, có sự tương tác rất lớn từ các bạn trẻ. Nhiều bạn nhắn tin, gửi email đến chúng tôi để tìm hiểu sâu hơn. Điều đó khiến chúng tôi bất ngờ và luôn cố gắng trả lời các bạn một cách đầy đủ nhất”, ông nói.
Phổ biến tư liệu xưa thông qua số hóa
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cho rằng trong thời đại mới với sự phát triển không ngừng của công nghệ, sách cổ vẫn giữ vững giá trị của mình, là kho tàng vô giá chứa đựng những kiến thức và tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Theo ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM - ông cha ta từ trăm năm trước đã viết và lưu hành nhiều tác phẩm để đời, góp phần hình thành nhân cách con người từ xưa đến nay. Trong khi đó, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho rằng nguồn tri thức xưa cần được phổ biến bằng nhiều cách, nhiều kênh để đáp ứng nhu cầu từ độc giả trẻ.
“Có thể thấy rằng các bạn trẻ đang hướng đến tương lai bằng công nghệ số nhưng cũng không quên những giá trị, di sản của cha ông để lại. Dưới góc nhìn của văn hóa đọc chúng tôi thấy đó là những tín hiệu tích cực”, bà nói.
Tấm Mộc bản Triều Nguyễn. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. |
Một trong những nguồn tài liệu cổ, quý hiếm được đưa ra thảo luận là khối Mộc bản Triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Đây là nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, gồm 34.619 tấm với nhiều chủ đề như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa, triết học, ngôn ngữ, văn tự, văn thơ…
Ông Hùng cho biết trung tâm đang tiến hành số hóa toàn bộ để đăng tải trên website, mạng xã hội và nhiều hoạt động phổ biến khác. “May mắn là trong thời đại hiện nay, chúng tôi có thể tương tác với mọi người mà không bị giới hạn về không gian, thời gian để đưa các giá trị di sản, cụ thể là giá trị của tài liệu lưu trữ đến với công chúng. Có thể nói thế hệ trẻ ngày nay may mắn hơn so với thời trước rất nhiều”, ông nói thêm.
Xu hướng làm mới sách cổ
Bên cạnh đó, xu hướng làm mới những tác phẩm cũ cũng giúp đưa sách cổ đến gần hơn với độc giả hiện đại.
Theo ông Lê Hoàng, mặc dù phần lớn sách xưa đã được dịch sang chữ quốc ngữ hiện tại. Song, không phải ai cũng có thể tiếp cận, đọc và hiểu những tác phẩm của thời đại trước.
Nhiều tác phẩm xưa được làm mới nhằm thu hút độc giả hơn. Ảnh: Thanh Trần. |
“Những người làm xuất bản hiện nay ý thức được rằng cần phải kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp của những bộ sách xưa để tiếp tục phục vụ cho người người đọc. Họ vẫn trung thành với dữ liệu, nhưng đồng thời họ có xu hướng làm mới, khoác cho những cuốn sách cũ một tấm áo mới, hoặc cách thể hiện mới như lịch sử bằng tranh để đưa nó đến gần hơn với đời sống hiện đại”, ông nhận xét.
Bà Nguyễn Thủy Hằng Giang - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A - cho biết khi quyết định làm mới một tác phẩm, tiêu chí đầu tiên đó là nội dung hay, có giá trị lịch sử và chiều sâu. Nhờ đó, những cuốn sách được làm mới không chỉ có giá trị hơn đối với độc giả trong nước, mà còn có thể dùng để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.