Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất ngờ đổi tên dự án

Hai dự án Tan Binh Apartment và Vinaland Tower sau những lùm xùm nay khoác trên mình tên gọi mới, là Tan Binh Tower và Saigon South Plaza.

Khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp dự án nhà ở xã hội (NoXH) và căn hộ thương mại Tan Binh Apartment bất ngờ phát hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình), rao báo căn hộ tại dự án với tên gọi mới là Tan Binh Tower.

Từ tai nạn lao động phát hiện cơi nới trái phép 28 căn hộ

Dự án Tan Binh Apartment do Công ty Tân Bình làm chủ đầu tư tọa lạc số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, có quy mô 4.400 m2, gồm 2 block cao 16 tầng với 168 căn hộ được thiết kế diện tích 58-83 m2.

Tiền thân của dự án là nhà ở thương mại, sau đó chủ đầu tư chuyển đổi công năng 88 căn hộ thương mại thành 168 căn hộ NoXH được hưởng ưu đãi trong gói 30.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được bàn giao cho khách hàng vào cuối tháng 3/2016.

Thế nhưng, đến tháng 9/2016, trong lúc thi công lắp đặt kính ở tầng 8, hệ thống cáp tải của công trình bất ngờ bị đứt khiến hai công nhân thương vong. Từ vụ tai nạn lao động này, khách hàng mới phát hiện dự án từng bị Thanh tra Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính, do chủ đầu tư xây tăng thêm diện tích sàn gần 2.198 m2.

Du an doi ten de giau sai pham anh 1
Theo tiến độ, dự án Tan Binh Apartment đã chậm bàn giao nhà hơn  một năm nhưng hiện vẫn chưa xong phần thô. Ảnh: HC.

Theo biên bản xử phạt của Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM), với phần diện tích xây lố này, chủ đầu tư đã gia tăng số căn hộ từ 168 căn lên 196 căn (tăng 28 căn hộ). Việc xây tăng thêm diện tích trái phép giúp chủ đầu tư thu lời hàng chục tỷ đồng, trong khi khách hàng lại hết sức lo lắng về chất lượng và độ an toàn của dự án.

Không chỉ lo lắng về chất lượng công trình, khách hàng của dự án đang trong tình cảnh khó khăn do dự án chậm bàn giao.

Chị N., một giáo viên trường THPT trên địa bàn quận Tân Bình, cho biết do thu nhập từ lương giáo viên thấp nên chị tìm đến với dự án NoXH. Nhưng việc chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ khiến cho cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì vửa phải trả tiền thuê nhà vừa phải trả thêm lãi vay ngân hàng.

Trước sự chây ì của chủ đầu tư, khách hàng của của dự án liên tục gởi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng, thậm chí kéo đến dự án giăng băng-rôn đòi nhà.

Thế nhưng, chủ đầu tư gần như không có động thái gì với khách hàng trong việc giải quyết vướng mắc. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, với lý do chờ giấy phép mới từ các cơ quan chức năng. Thậm chí, nhân viên của Công ty Tân Bình còn ngăn cản không cho khách hàng đã mua nhà vào xem căn hộ của mình.

Cuối tuần trước, UBND phường 15 quận Tân Bình đứng ra tổ chức chức cuộc gặp, nhằm hòa giải những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không diễn ra như mong đợi.

Nguyên nhân, ông Đỗ Việt Tân, Giám đốc Công ty Tân Bình liên tục bác bỏ các yêu cầu chính đáng từ khách hàng, trong đó không đồng ý phá bỏ phần diện tích sai phạm, không trả tiền đền bù trễ hạn (năm triệu đổng mỗi tháng) cho khách hàng như đã hứa trong cuộc gặp gỡ với khách hàng được tổ chức vào ngày 29/10/2016.

Du an doi ten de giau sai pham anh 2
Vị trí dự án Tan Binh Apartment.

Sau buổi gặp gỡ này, đại diện khách hàng của dự án là anh Trương Hải Hồ tuyên bố kiện Công ty Tân Bình trong những ngày sắp tới.

Chưa hoàn thiện pháp lý đã đổi tên, rao bán

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản quận 7 bất ngờ xuất hiện thông tin rao bán căn hộ của dự án Saigon South Plaza với giá 1,5-1,7 tỷ đồng mỗi căn hộ. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư thì đây là tên gọi mới của dự án Vinaland Tower, vốn chưa cấp giấy phép sử dụng đất do chưa hoàn thiện nộp tiền sử dụng đất.

Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland) đang gặp khó khăn về tài chính sau 5 năm liên tiếp làm ăn thua lỗ (2012-2016).

Theo báo cáo tài chính năm 2016, Vinaland tiếp tục lỗ gần 18 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn 61 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên đến gần 202,5 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 50%, chủ yếu là khoản vay từ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).

Đặc biệt, trong nợ dài hạn bao gồm 2 khoản: vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Đây thực chất là các khoản góp vốn từ các khách hàng cá nhân. Cụ thể, vay cá nhân dạng góp vốn nhận quyền sở hữu sạp chợ Phước Long (47,3 tỷ đồng), vay cá nhân dạng cấp chứng chỉ mua nhà (hơn 21,8 tỷ đồng).

Theo phản ánh của nhà đầu tư góp vốn vay cá nhân dạng cấp chứng chỉ mua nhà, dù nhận được nhiều lời hứa từ lãnh đạo Vinaland nhưng đến nay họ vẫn chưa được giải quyết, do các phương án trả nợ đều không thể thực hiện.

Tại đại hội cổ đông năm 2016, Hội đồng quản trị của Vinaland đã đưa ra những biện pháp xử lý các khoản nợ này theo ba hướng: chủ sở hữu chứng chỉ tiếp tục nắm giữ để chờ mua sản phẩm của dự án Vinaland Tower với giá ưu đãi; chuyển đổi chứng chỉ thành sạp kinh doanh tại chợ Phước Long; thu hồi cả vốn lẫn lãi với điều kiện gia hạn thêm thời hạn thanh toán cho công ty.

Tuy nhiên, các phương án này đều không khả thi, khi dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long đang bị vướng về thủ tục, trong khi phương án còn lại cũng không dễ thực hiện vì tình hình tài chính.

Tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 5/11/2016, hơn 60,4% cổ đông công ty đã biểu quyết thông qua đề xuất của Hội đồng quản trị sang nhượng cả hai dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long. Giá sang nhượng dự án chợ Phước Long là 250 tỷ đồng và Vinaland Tower là 140 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của cổ đông về những vướng mắc của 2 dự án này, ông Trần Bình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết dự án Vinaland Tower đã hoàn thiện thiết kế, thẩm định và đang xin Giấy phép Xây dựng. Vướng mắc cuối cùng là không có nguồn tài chính để thực hiện dự án (thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước 24 tỷ đồng và giải chấp tài sản ngân hàng 35 tỷ đồng)

Về dự án chợ Phước Long, ông Long cho biết dự án chưa được UBND TP.HCM chấp thuận, vì bị xét tới năng lực tài chính. Nếu công ty không trả được hết nợ thuế cho Nhà nước sẽ khó có thể được xét duyệt hồ sơ tiếp tục thực hiện dự án.

Bất động sản dầu khí: Từ biểu tượng tới nỗi đau của thị trường

Các doanh nghiệp “họ” dầu khí từng được đánh giá giàu tiềm lực khi bước chân vào thị trường BĐS, nhưng đến nay những dự án liên quan đến tập đoàn này đều là nỗi đau của thị trường.

 




Thảo Nguyên

Bạn có thể quan tâm