Hoàng gia Đan Mạch hôm 3/8 thông báo Hoàng thân Henrik mong muốn không an táng thi hài ông bên cạnh vợ, Nữ hoàng Margrethe, một lần nữa thể hiện sự bất mãn mà ông không ngần ngại che giấu trong hàng chục năm qua.
Theo Guardian, Hoàng thân Henrik cưới Nữ hoàng Margrethe vào năm 1967 và sau đó được ban tước hiệu "hoàng thân" ("prince consort", tức "vương phu", Việt Nam hay gọi là "hoàng thân"). Tuy nhiên, ông nhiều lần bày tỏ mong muốn được gọi là "vua" (chính xác là "king consort", chỉ người được phong vua vì là chồng của nữ hoàng, không có thực quyền).
Hoàng thân Henrik và Nữ hoàng Margrethe. Ảnh: Reuters. |
"Trong nhiều năm, vị hoàng thân đã không vui với vai trò và tước hiệu mà ông được ban và điều này không còn là bí mật. Sự bất mãn này càng ngày càng lớn trong những năm qua", giám đốc truyền thông của Hoàng gia Đan Mạch Lene Balleby nói trên báo BT.
"Đối với Hoàng thân Henrik, quyết định không an táng bên cạnh nữ hoàng là kết quả tất yếu xuất phát từ việc không được đối xử bình đẳng với vợ mình, tức không có được tước hiệu và vai trò mà ông mong muốn".
Bà Balleby cho biết quyết định này đã được Nữ hoàng Margrethe chấp thuận. Hoàng thân Henrik không cho biết ông muốn được an táng ở đâu.
Vị vương phu nay 83 tuổi đã "nghỉ hưu" năm ngoái và từ bỏ tước hiệu được ban. Kể từ đó, ông rất ít tham gia các hoạt động chính thức, dành phần lớn thời gian tại vườn nho riêng ở Pháp, dù ông vẫn là chồng của nữ hoàng Đan Mạch.
New York Times cho biết Hoàng thân Henrik từng công khai phàn nàn về việc không được nhận lương từ cách đây nhiều thập kỷ. Sau đó, ông được cấp lương và có một đội ngũ riêng làm việc cho mình song không bao giờ có được tước "vua" như mong muốn.
Dù Đan Mạch là đất nước vốn được ca ngợi về bình đẳng giới, việc Hoàng thân Henrik kêu gọi quyền bình đẳng thường bị đem ra chế nhạo.
"Đây rõ ràng là điều lố bịch", Karen Sjoerup, chuyên gia về các vấn đề giới tại Đại học Roskilde, nói với Politiken. "Luật về bình đẳng giới không áp dụng cho hoàng gia".
Sinh năm 1934 tại Pháp, Hoàng thân Henrik gặp Nữ hoàng Margrethe, khi đó là công chúa kế vị, trong thời gian ông hoạt động ngoại giao tại London. Khi cưới nữ hoàng, ông đổi tên từ Henri thành Henrik, cải đạo từ Công giáo sang Tin lành và từ bỏ quốc tịch Pháp để thành công dân Đan Mạch.
Hoàng thân Hendrik có giai đoạn sống ở Việt Nam lúc nhỏ. Chỉ vài ngày sau khi sinh, ông cùng gia đình sang Hà Nội sống từ năm 1934 tới 1939, trước khi trở về Pháp. Ông trở lại Hà Nội vào năm 1950 để học trung học và lấy bằng tú tài ở Việt Nam năm 1952.
Nhiều vị vương phu khác tại châu Âu cũng được gọi là "hoàng thân" thay vì "vua" như Hoàng thân Philip, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II, hay Hoàng thân Claus (đã qua đời), chồng Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan.