Ngày 1/11, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội cho biết đã bắt khẩn cấp Đỗ Thị Mai Phương (SN 1982, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cùng đồng bọn về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Đây cũng là ổ nhóm hoạt động tín dụng đen khét tiếng trên địa bàn quận Hà Đông.
Trước đó, tháng 6, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng CSHS phát hiện trên địa bàn quận Hà Đông xuất hiện ổ nhóm tội phạm do Đỗ Thị Mai Phương cầm đầu, có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Không chỉ vậy, Phương với biệt danh là Phương "nở” còn chỉ đạo đám đàn em tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, số lô với số tiền rất lớn, mỗi ngày trung bình số tiền giao dịch lên tới hàng tỷ đồng.
Xác định đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, Phòng CSHS đã đề xuất ban giám đốc Công an TP Hà Nội xác lập chuyên án để đấu tranh triệt xóa. Sau nhiều tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trên cơ sở những tài liệu thu thập được, Phòng CSHS xây dựng kế hoạch triệt phá ổ nhóm tội phạm trên. Khoảng 30 CBCS được huy động chia làm 6 tổ công tác đồng loạt ập vào những điểm, nơi các nghi phạm ẩn náu để bắt giữ.
Ngày 20/10, tổ công tác phát hiện Nguyễn Ngọc Lan (SN 1976, ở phường Phúc La, quận Hà Đông) ra khỏi nhà đã bí mật bám theo. Lan từng có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong ổ nhóm tội phạm này, Lan tổ chức đánh bạc, đầu trên của Phương "nở”. Khi bị CSHS bắt giữ, trong chiếc điện thoại của Lan còn đẩy đủ những tài liệu liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc với số tiền “khủng” từ các con bạc gửi đến.
Cùng với Lan, lần lượt Đỗ Sỹ Hiệp (SN 1976, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội); Tạ Đình Mạnh (SN 1988, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội); Lê Văn Phú (SN 1977, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) và Nguyễn Minh Hằng (SN 1982, ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bị Phòng CSHS bắt giữ cùng với nhiều tang vật, tài liệu có liên quan đến hoạt động tội phạm.
Mở rộng điều tra, Phòng CSHS làm rõ Phương "nở” có nhiều tiền án, tiền sự. Năm 2014, sau khi ra tù, Phương cùng với Đỗ Sỹ Hiệp liên kết để hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn quận Hà Đông. Những ai có nhu cầu vay mượn về tiền bạc sẽ liên hệ trực tiếp với Phương để thỏa thuận số tiền cùng lãi suất thường dao động từ 1.500 đến 3.000 đồng/triệu/ngày tùy vào mức độ thân quen và số tiền vay nhiều hay ít.
Hiệp được Phương giao cho nhiệm vụ kiểm tra khách hàng vay, giải ngân tiền cho vay cùng với việc giám sát thu nhận lãi, tiền vay hàng tháng của các con nợ. Các nghi phạm còn lập nhóm, lập công ty bình phong để hoạt động đánh bạc, cho vay trên mạng.
Hàng ngày sau khi tổng hợp các số lô, số đề, Phương và Hằng sẽ chuyển cho đầu trên và căn cứ vào thắng thua của con bạc, chúng sẽ chia tiền theo tỷ lệ góp tiền đặt cọc ban đầu của từng thành viên trong ổ nhóm. Lượng tiền giao dịch đánh bạc của ổ nhóm trên lên tới hàng tỷ đồng/ngày.
Quá trình mở rộng điều tra, Phòng CSHS còn xác định có nhiều con nợ đã vay mượn tiền của ổ nhóm “tín dụng đen” trên. Các con nợ vay với số tiền khác nhau, trung bình từ 100 đến 200 triệu đồng/lần vay. Tất cả con nợ này đều bị áp lãi suất hàng phải trả từ 1.500 đến 4.000 đồng/triệu/ngày. Nhiều con nợ dù số tiền vay ban đầu chỉ 100 triệu đồng, song dù đã phải trả tới hàng trăm triệu đồng tiền lãi song vẫn chưa trả hết số tiền gốc đã vay ban đầu với lãi suất “cắt cổ” của nhóm tội phạm này treo lên họ.
Để “trói” con nợ, quá trình làm hồ sơ thủ tục cho vay, chúng đã tạo ra những điều khoản buộc con nợ không thể thoát được như lý do nhận tiền để đưa người đi xuất khẩu lao động, để lại tài sản tín chấp.
Khi khám xét nơi ở của các nghi phạm, Phòng CSHS còn phát hiện và thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, thiết bị chúng dùng để phục vụ cho hoạt động vay nặng lãi, đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Cơ quan CSĐT cũng đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của các đối tượng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng để phục vụ quá trình điều tra mở rộng vụ án.
3 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.
3. Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng đề cập tới quy định, thực tiễn áp dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền.