Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” mới đây, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 2006-2015, các kênh đầu tư tài chính tại Việt Nam đều không mang lại lợi suất thực dương.
Theo thống kê, 10 năm qua, GDP của Việt Nam tăng trưởng 80%, tức là nếu tính theo giá cố định thì GDP Việt Nam năm 2015 bằng 1,8 lần năm 2006. Trong khi đó, tính về chỉ số thu lời của các kênh đầu tư cơ bản như vàng; USD; tiền gửi tiết kiệm bằng VND, ngoại tệ; chứng khoán; bất động sản thì ngoại trừ vàng và bất động sản cao cấp, còn lại đều không có suất sinh lợi danh nghĩa cao hơn lạm phát bình quân.
Nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý II/2016 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015.
|
Ví dụ cụ thể ở kênh chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền gửi tiết kiệm. Trong 10 năm qua, lãi suất tiết kiệm so với lạm phát trồi sụt lần lượt như sau: 3 năm thấp hơn lạm phát; 3 năm tương đương lạm phát và 4 năm cao hơn mức lạm phát. Tính bình quân, lãi suất tiết kiệm vẫn thấp hơn lạm phát. Trong khi đó cũng giai đoạn 2006-2015, mức tăng giá vàng cao hơn lạm phát 1,7%; đầu tư căn hộ cao cấp ở TP.HCM cũng tương đương.
Tuy từng đem lại lãi suất thực dương nhưng vàng hiện không còn được nhà đầu tư mặn mà như trước. Thống kê của Hội đồng vàng thế giới WGC cho biết, nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý II/2016 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp kỷ lục trong 5 quý liên tiếp theo thống kê của WGC.
Theo phân tích của chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh, nhu cầu vàng giảm xuống do những lo ngại về nguy cơ mất an toàn khi giữ vàng trong nhà, trong khi gửi ngân hàng không có lãi, lại phải trả phí. Hơn nữa, lượng vàng nhà đầu tư giữ trong những năm qua vẫn còn rất lớn, không ít người mua vàng lúc đỉnh 48-49 triệu đồng/lượng vài năm trước, đến giờ vẫn không bán ra vì quá lỗ.
Tương tự, kênh đầu tư vào USD cũng đang thất thế. Nếu mua USD từ đầu năm 2016, nhà đầu tư bị lỗ nếu bán ra vào thời điểm này. Với chính sách thắt chặt tiền tệ, chống đôla hoá của ngân hàng nhà nước như hạ lãi suất về 0% với tiền gửi bằng USD có hiệu lực từ tháng 12/2015 kênh này càng kém hấp dẫn.
Bất động sản trở thành kênh thu hút vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ xếp sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
|
Trong khi đó, bất động sản chứng kiến sự trở lại khá đều đặn của dòng vốn, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp. Tính đến tháng 9 năm nay đã có hơn 1 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản. Bất động sản trở thành kênh thu hút vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ xếp sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nguồn vốn cho bất động sản đang được mở rộng nhờ chính sách thay đổi và các hiệp định TPP, FTA thế hệ mới có hiệu lực. Các định chế tài chính như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm hay quỹ hưu trí, các dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), gián tiếp (FII)… đang hoạt động hết công suất trên thị trường bất động sản, tạo thành kênh hút vốn gián tiếp rất hiệu quả. Thực tế, nhiều quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đã đầu tư vào địa ốc Việt Nam thông qua nắm giữ cổ phiếu của các công ty địa ốc.
Bất động sản chứng kiến sự trở lại khá đều đặn của dòng vốn, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp. |
Các nhà đầu tư cá nhân cũng đang đưa vốn vào thị trường bất động sản. Khoảng 50% những người chi tiền cho các dự án bất động sản cao và trung cấp là nhà đầu tư thứ cấp, với hi vọng sinh lời lớn. Đó là chưa kể nguồn ngoại hối đáng kể đổ vào thị trường từ kiều hối, chiếm 22% tổng lượng kiều hối.
Về tâm lý thị trường, địa ốc vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với đa số người có tiền nhàn rỗi. Vì ngoài yếu tố sinh lời đều đặn từ việc cho thuê, bất động sản luôn có triển vọng tăng giá trong dài hạn. Xét trong bối cảnh hiện nay, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lời số 1.