Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất động sản TP.HCM 'ấm' trở lại

Mặc dù bất động sản là lĩnh vực tăng trưởng thấp nhất trong số 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM trong quý II, nhìn chung số liệu đã tích cực hơn qua từng quý.

Kinh doanh bất động sản tại TP.HCM trong nửa đầu năm đạt doanh thu gần 124.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Danh.

Kinh doanh bất động sản tại TP.HCM trong nửa đầu năm đạt doanh thu gần 124.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cục Thống kê TP.HCM ghi nhận doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Như vậy, sang năm 2024, ngành này đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức âm 6,4% trong năm 2023 đã tăng 2,5% trong quý I/2024, và tiếp tục tăng gần 3% trong quý II. Mặc dù đây là lĩnh vực tăng trưởng thấp nhất trong số 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP, nhìn chung quý sau đã bắt đầu tăng trưởng cao hơn quý trước.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM không có dự án bất động sản mới nào được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, một số dự án mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, một số dự án cũng bắt đầu tái khởi động sau khi được tháo gỡ vướng mắc.

Mặt khác, TP cũng đã cấp 3.396 giấy chứng nhận lần đầu cho các cá nhân và tổ chức, cũng như đăng ký biến động 178.680 giấy chứng nhận trong nửa đầu năm nay.

Chia sẻ tại Phiên họp thường kỳ UBND TP.HCM tháng 6 chiều 1/7, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quý II đã tháo gỡ 2/7 dự án thương mại, còn lại 5 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý III.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, thị trường bất động sản dù đã có chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc tháo gỡ các vướng mắc trong một số dự án vẫn còn chậm, chưa triệt để, do chưa có chủ trương từ Trung ương, Chính phủ hoặc nhận thức khác nhau về vận dụng pháp luật chuyên ngành.

Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực để thực thi các luật mới liên quan bất động sản vừa được Quốc hội thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Mãi yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát các vấn đề liên quan thẩm quyền để đề xuất giải quyết ngay, đảm bảo TP.HCM không bị động hay vướng trách nhiệm pháp lý khi các luật đi vào hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Đồng thời, TP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xin ý kiến Tổ công tác 1435 của Chính phủ về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. TP đã tiếp nhận 189 kiến nghị của 148 dự án do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp, đến nay Sở Xây dựng đã nhận được báo cáo tiến độ trả lời của 8/8 đơn vị.

"Thời gian tới, TP tiếp tục tập trung phân nhóm, giải quyết các kiến nghị. Nhóm 1: Ưu tiên, tập trung tháo gỡ đối với thủ tục đầu tư (64 kiến nghị); Nhóm 2, 3: Theo dõi việc thực hiện và tiếp tục xử lý khi có Kết luận/Bản án có hiệu lực pháp luật (43 kiến nghị); Nhóm 4: Chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án (52 kiến nghị); Nhóm 5: Nhóm đặc thù về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết (30 kiến nghị)", báo cáo của UBND TP.HCM nêu rõ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ trong nửa cuối năm của toàn hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc ở cả đầu tư công lẫn tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng chung của TP.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bài liên quan

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm