Gần đây, tình trạng đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng đất khu vực xung quanh dự án sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) diễn ra phổ biến, khiến thị trường bất động sản tại đây lên "cơn sốt".
Xung quanh vấn đề này, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận.
Ông Dũng cho biết tỉnh Bình Thuận có 2 dự án hạ tầng lớn được chấp thuận đầu tư là dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tổng vốn đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng và dự án sân bay Phan Thiết với mức vốn 10.000 tỷ đồng.
Vị Phó giám đốc Sở thừa nhận nhiều dự án bất động sản tại đây đang chuyển nhượng, mua bán nhằm trục lợi từ các dự án của Nhà nước ở địa bàn tỉnh.
Giá đất biến động
Ông Cao Sơn Dũng nhìn nhận: "Trước lúc có thông tin về các dự án này, thị trường bất động sản Bình Thuận gần như bất động. Tuy nhiên, kể từ khi có kế hoạch triển khai các dự án như sân bay, đường cao tốc, chưa kể giá đất Bình Thuận vẫn đang thấp hơn các khu vực khác đã khiến thị trường trở nên sôi động".
Ông cho biết giá đất ở Bình Thuận đã có sự chênh lệch lớn so với trước đây. Ngay trong bảng giá đất được UBND tỉnh công bố cũng đã tăng gần gấp đôi.
Thậm chí trong năm 2018, có một số trục đường đã tăng đến 150%. Ví dụ, đường Lê Duẩn ở TP Phan Thiết trước đây chỉ có giá 5-6 triệu đồng/m2 nhưng đến nay theo đấu giá của Nhà nước đã tăng lên 50-60 triệu đồng/m2.
Ăn theo dự án sân bay Phan Thiết, một số đối tượng đã gom đất nông nghiệp từ người dân, tự thành lập các dự án "ảo" nhằm phân lô, bán nền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh như cào giá, nâng giá, thổi giá, đầu cơ, các dự án "ảo"...
"Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến thị trường phát triển thiếu lành mạnh" ông Dũng nói.
Dẫn chứng bằng dự án "ma" ở Hàm Tân của Công ty Alibaba, ông Dũng cho biết đó thực chất chỉ là một trang trại, không có bất cứ công trình bất động sản nào.
Theo ông, các khu vực tự phát này đã được thanh tra tỉnh điều tra và báo cáo. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã cử đoàn thanh tra đi khảo sát đối với nhiều khu vực khác, các trường hợp phát hiện đều đang được tổng hợp và đề xuất xử lý.
Trong vai một người đi mua đất, phóng viên Zing.vn nhận thấy có tình trạng nhiều đối tượng thu mua đất nông nghiệp số lượng lớn, sau đó tự lập dự án "ảo", xây dựng hạ tầng rồi phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh nhằm ăn theo dự án sân bay Phan Thiết. Đơn cử như dự án có tên Airport Belt do công ty bất động sản P.S. đang triển khai và mở bán một cách công khai tại xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Nhiều dự án phân lô, bán nền tự phát
Tiếp nhận thông tin, ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, khẳng định: "Trong khu vực này, không có dự án nào đủ điều kiện để phân lô bán nền".
Theo ông Dũng, để lập dự án phải có sự quản lý từ phía cơ quan chức năng, có sự tham gia của các đơn vị này trong việc thẩm định dự án, đưa ra quyết định đầu tư. Việc phân lô bán đất nền mà không có sự thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng trên thực tế không được xem là các dự án.
Khi phóng viên băn khoăn về những lời quảng cáo về sổ đỏ đi kèm dự án, ông Dũng cho biết tính đến nay vẫn chưa có một dự án chính thống nào được phê duyệt xung quanh sân bay nên không thể có chuyện dự án đều đã có sổ.
Ông Cao Sơn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay trên ở khu vực quanh sân bay không có dự án nào đủ điều kiện để phân lô bán nền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Toàn bộ những khu đất đang được rao bán dưới mác dự án này là khu tự phát". Thực chất, những khu tự phát đang được một số công ty rao bán này đứng dưới tên một số cá nhân nhưng lại được gắn cho cái tên của một dự án không có thật và vẫn có các hoạt động quảng cáo môi giới, được đo vẽ và phối cảnh dự án", ông Dũng nói.
Người mua còn mạo hiểm, cả tin
Phó giám đốc sở cho cho rằng điểm chung của người mua đất trong dự án "ảo" của Alibaba đều là người đầu tư từ các tỉnh khác đến, trong khi không nhiều người địa phương mua các dự án này.
Ông Dũng nhận định: "Để dẫn đến tình trạng này một phần là do người mua còn mạo hiểm, cả tin vào các dự án không có hồ sơ pháp lý rõ ràng.
Thậm chí có những trường hợp chỉ cần có trong tay hợp đồng giữ chỗ cũng đã xuống tiền đến 80-90%. Điều này cho thấy người dân vẫn còn thiếu cẩn trọng, dẫn đến những rủi ro về đầu tư".
Do nhu cầu mua bán đất quanh sân bay tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ để mở dịch vụ môi giới, ký gửi đất trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhằm ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn, ông cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi văn bản về các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương để thông tin và hướng dẫn.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường công tác điều tra, thanh tra ngay khi có thông tin về các dự án "ảo".
Đối với trường hợp của Alibaba, chính quyền địa phương đã xử lý triệt để, cắm bảng cảnh báo ở các khu vực.
Ông Cao Sơn Dũng cũng cho rằng tình trạng cào giá, thổi giá, đầu cơ, lập dự án "ảo"... đang gây nên những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản địa phương, làm giảm uy tín và ảnh hưởng đến những nguồn vốn đầu tư chất lượng vào Bình Thuận.
Theo ông Dũng, để xử lý triệt để vấn đề cần có sự phối hợp quản lý của nhiều cơ quan, trong đó công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân để tránh bị lợi dụng, lừa đảo khi đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng.