Theo nghiên cứu mới nhất từ Jones Lang LaSalle (JLL), khối lượng giao dịch bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, đạt 29,5 tỷ USD trong quý I/2020, giảm 34% so với cùng kỳ. Đơn vị này nhận định đại dịch Covid-19 đã tác động đến dòng vốn chảy vào tất cả lĩnh vực trọng điểm của bất động sản .
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản bán lẻ giảm mạnh 39% so với cùng kỳ do chính sách hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở nhiều thị trường lớn.
Cùng với đó, hoạt động giao dịch khách sạn cũng giảm 22%. Theo ghi nhận vẫn có một số thương vụ M&A khách sạn đã được thực hiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua.
Khẩu vị của giới đầu tư với bất động sản văn phòng vẫn ở mức tích cực, tuy nhiên khối lượng đầu tư giảm 35% so với cùng kỳ, mặc dù có những thương vụ mua bán văn phòng quy mô lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là phân khúc có khả năng phục hồi tốt nhất trong quý đầu năm với hoạt động tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
Trung Quốc, Hong Kong, Singapore là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc, Hong Kong và Singapore là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực với tổng hoạt động đầu tư giảm lần lượt là 61%, 74% và 68%.
Trước đó, theo South China Morning Post, đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc bán tháo bất động sản do GDP nước này sụt giảm tới 6,8% trong quý I. Nhiều nhà đầu tư đại lục rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn tiền mặt, do đó họ sẵn sàng bán bất động sản ở Hong Kong với mức giá rẻ hơn bình thường.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật bản vẫn ghi nhận lượng giao dịch tương đương hoặc cao hơn so với năm trước.
Ông Stuart Crow, CEO Capital Markets châu Á - Thái Bình Dương của JLL Châu Á cho rằng dưới tác động của đại dịch Covid-19, sự sụt giảm của hoạt động đầu tư vào khu vực là điều không thể tránh khỏi.
"Nhiều nhà đầu tư chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế có nhiều bất ổn. Chúng tôi dự báo tình hình này tiếp tục kéo dài đến quý II/2020. Tuy nhiên hoạt động đầu tư có thể phục hồi vào nửa cuối năm nay. Khi đó, các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đang chờ cơ hội để triển khai vốn và thúc đẩy giao dịch mạnh mẽ trên hầu hết lĩnh vực", ông Stuart Crow nói thêm.
Bên cạnh đó, bà Regina Lim, Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết nhiều nhà đầu tư vẫn giữ thái độ bình tĩnh và lạc quan, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường khu vực trong dài hạn.
"Các nhà đầu tư đang trì hoãn để đợi thời cơ mới. Hoạt động thương mại tại Trung Quốc đang dần trở lại bình thường từ tháng 3, trong khi một số nền kinh tế trong khu vực cũng đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn diện. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sự sụt giảm vốn đầu tư sẽ không diễn ra trong các quý tiếp theo", bà Regina nhận định.
Tại thị trường Việt Nam, các chuyên gia cho biết bên cạnh một bộ phận nhà đầu tư còn do dự thì nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, văn phòng và nhà ở.