Quảng trường Medborgarplatsen ở thành phố Stockholm vẫn nhộn nhịp với bao người thoải mái dạo chơi, ghé thăm các quầy hàng trong khi trẻ em nô đùa dưới ánh nắng. Cảnh tượng này thật khác thường trong thời điểm dịch Covid-19 khiến hàng loạt đất nước phải áp dụng lệnh phong toả.
“Mọi chuyện có thật sự tệ đến thế không?”, Sandra Bergkvist trả lời phỏng vấn khi đang uống bia cùng bạn bè. “Đối với những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao thì chuyện khá đáng lo. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ không kinh khủng như những gì truyền thông đang làm quá đâu”.
Theo The Washington Post, nhiều người thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao cũng không thể hiện sự lo lắng và cẩn trọng. Bà Korner, 80 tuổi tới quảng trường gặp bạn. Bà được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà nhưng bà cho biết: “Tôi sẽ giữ khoảng cách với người khác”.
Trái ngược với nhiều quốc gia láng giềng tại châu Âu, Thuỵ Điển chọn cho mình cách tiếp cận tương đối nhẹ nhàng để chống lại sự lây lan của virus corona. Nước này đang là một trong số ít quốc gia có dịch trên thế giới chưa áp dụng biện pháp phong toả.
Dân Thuỵ Điển tụ tập tại quảng trường Medborgarplatsen, Stockholm hôm 5/4. Ảnh: The Washington Post. |
Tại đây, các trường học vẫn mở cửa trong khi mọi hoạt động kinh doanh tiếp tục được duy trì. Người dân đi làm và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như thường lệ. Chính phủ khuyến cáo người cao tuổi nên ở trong nhà nhưng không đưa ra biện pháp cụ thể nào để yêu cầu họ chấp hành.
Mãi đến hôm 29/3, chính phủ Thuỵ Điển mới thu hẹp phạm vi tụ họp đông người, từ 500 xuống 50 người. Trong khi đó, các cơ quan lập pháp vẫn chưa quyết định có áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, kinh doanh hay không.
Tính đến ngày 8/4, nước này ghi nhận 8.419 ca nhiễm và 687 ca tử vong do Covid-19, dẫn số liệu từ World Meters. Thuỵ Điển, quốc gia có 10 triệu dân sinh sống, đang có tỉ lệ tử vong trên đầu người cao hơn cả Mỹ.
Các cơ sở y tế trên toàn quốc đều rơi vào tình trạng quá tải và thiếu hụt đồ bảo hộ chuyên dụng. Thủ tướng Stefan Lofven hôm 4/4 cho biết dịch Covid-19 có thể cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân nước này.
Dù vậy, người dân ở Stockholm vẫn khá bình thản với thời cuộc. “Thành phố từng khá im ắng trong khoảng 1-2 tuần. Sau đó mọi người không thể ở trong nhà được nữa”, Linda Akesson, nhân viên của một viện dưỡng lão trả lời The Washington Post.
Một công viên ở Stockholm trong ngày cuối tuần vừa rồi. Ảnh: The Washington Post. |
Cô nhận xét Stockholm đang đối phó với dịch theo kiểu nửa vời. “Bạn không nên sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng nếu có lỡ thì cũng chẳng sao đâu”.
Giáo sư Tommy Muller của ĐH Stockholm cho hay: “Nhiều chuyên gia có ảnh hưởng ở Thuỵ Điển đưa ra góc nhìn khá chủ quan về dịch bệnh này. Do đó, mọi người không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo”.
Nhiều cuộc thăm dò chỉ ra dân Thuỵ Điển là những người ít lo lắng về virus corona nhất. Tuy nhiên, ở những nơi có nhiều dân nhập cư như Husby, mọi người lại có thái độ nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm hạn chế di chuyển, sử dụng khẩu trang và găng tay.
Cách xử lý của chính phủ Thuỵ Điển nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia cũng như dư luận. Người ủng hộ thì cho rằng nước này đang tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế. Những người khác thì chỉ trích Thuỵ Điển quá chậm trễ trong công tác ứng phó với dịch.