Phần lớn trong tổng số gần 3.000 phòng khách sạn mới đưa vào hoạt động trong năm qua là khách sạn mini, nâng tổng số phòng khách sạn tại thành phố biển miền Trung lên 21.000 phòng.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Danang, cho biết mấy năm qua đã có hơn 10 nhà đầu tư xin tư vấn về việc có nên mua đất xây khách sạn ở Đà Nẵng và Nha Trang hay không.
“Tôi đều nói là làm khách sạn không dễ, không phải xây một cái khách sạn lên mà có khách, cũng như không phải mở cái nhà hàng là thực khách vào nườm nượp, và cũng như không phải là xây được cái nhà yến là con chim yến bay về làm tổ”, ông Quỳnh nhớ lại.
Tuy nhiên, lời khuyên của ông Quỳnh bị các nhà đầu tư bỏ ngoài tai. Họ vẫn mua các lô đất 100 m2, 200 m2, rồi xây hơn chục tầng, dẫn tới ở Đà Nẵng tổng số phòng của khách sạn 1- 2 sao bằng đúng tổng số phòng khách sạn 3-5 sao.
“Trong khi tỷ lệ kín phòng của các khách sạn 4-5 sao là 65-75% thì khách sạn 1-2 sao chỉ khoảng trung bình 30-35%. Vậy là lỗ chắc,” ông Quỳnh chỉ ra thực tế chua chát mà không ít chủ đầu tư khách sạn mini tại Đà Nẵng đang phải đối mặt.
Theo ông Quỳnh, kinh doanh khách sạn thành công ngoài vị trí tốt, thiết kế hợp lý, số lượng phòng đủ để sinh lời, nhân viên và dịch vụ phù hợp, và đặc biệt là phải có chiến lược kiểm soát tài chính, kinh doanh, các kênh bán hàng, các cách giải quyết khủng hoảng mùa thấp điểm…
Ở Đà Nẵng, các khách sạn 1-2 sao chỉ có thể làm ăn được vào 3 tháng hè là tháng 6-7-8, thời điểm cao điểm của khách du lịch trong nước. Còn các tháng khác, do không có chiến lược kiếm khách bù vào nên rất vắng, đặc biệt là vào mùa đông và mùa mưa. Trong khi các khách sạn 4-5 sao vẫn kinh doanh được nhờ có nguồn khách quốc tế thì các khách sạn mini không thu hút được đối tượng khách này, và thường phải hạ giá xuống 200.000-300.000 đồng/đêm vào mùa thấp điểm.
Sức ép đối với các khách sạn mini ngày càng lớn, khi có tới gần 5.500 phòng khách sạn dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm tới. Đó là chưa kể tới gần 15.000 căn hộ khách sạn đang được xây dựng để đưa vào kinh doanh trong một vài năm tới.
Nhưng ngạc nhiên là, mặc dù cảnh báo về bội thực khách sạn mini đã xuất hiện từ mấy năm nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn phớt lờ và tiếp tục xây mới. Hiện nay, hàng chục khách sạn mini, từ 10-50 phòng vẫn đang trong quá trình xây dựng dọc theo tuyến đường biển dài vài km từ bán đảo Sơn Trà đến khu nghỉ dưỡng Furama.
Khách sạn mới mọc lên san sát ven biển Đà Nẵng.
|
Một nhà đầu tư đang xây dựng khách sạn mini gần Cầu Rồng thừa nhận cạnh tranh giữa các khách sạn mini ở Đà Nẵng thời gian tới sẽ khốc liệt, nhưng ông vẫn xây bởi nhận thấy lượng du khách đến Đà Nẵng vẫn tăng lên không ngừng.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư đã xây dựng khách sạn theo phong trào mà không tính đến tiêu chuẩn kỹ thuật, dịch vụ và nguồn khách, dẫn đến kinh doanh èo uột. Bản thân ông cũng rút kinh nghiệm, đầu tư chăm chút, kỹ lưỡng từ phòng ốc, dịch vụ và hướng đến đối tượng khách riêng nên đủ tự tin tiếp tục đầu tư.
Chính vì sự tự tin của các nhà đầu tư này đã đẩy giá bất động sản ven biển Đà Nẵng tăng liên tục trong thời gian gần đây.
Trong đó, tăng giá nhiều nhất là đất mặt biển trên trục đường Võ Nguyên Giáp từ Công viên Biển Đông trở về hai bên, đường Bạch Đằng ven sông Hàn, đường Võ Văn Kiệt và đường Nguyễn Văn Linh từ sân bay ra biển với mức tăng gấp 2-5 lần so với 12 tháng trước đó. Giá giao dịch cao nhất có thể lên đến 100-150 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nghi ngờ rằng một số nhà đầu cơ đã cố tình tô vẽ màu hồng về triển vọng kinh doanh khách sạn mini nhằm đẩy giá bất động sản kiếm lời. Và khi các nhà đầu tư bất động sản đút túi tiền tỷ thì chính các nhà đầu tư khách sạn mini lại mắc kẹt.