"Quán của tôi đóng cửa sớm hơn thường lệ vì vắng khách. Có lẽ khi kinh tế ổn định, người dân sẽ tới quán nhiều hơn", chị Nguyễn Hoan, quản lý một quán cơm gà trên phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3, TP.HCM) thở dài nói.
Từ khi phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền khai trương, chỉ hơn 3 tháng, lượng khách ghé quán của chị Hoan giảm hơn 50%. Nữ chủ quán cho biết không riêng chị, những cửa hàng xung quanh cũng chung cảnh đìu hiu và vắng khách.
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền được kỳ vọng sẽ trở thành địa điểm du lịch thu hút ở quận 3 lẫn TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng đi vào hoạt động, việc quy hoạch lộ rõ những bất cập khiến những cửa hàng tại khu phố này thường xuyên trong tình trạng vắng vẻ, chủ yếu đón khách vãng lai, hoặc shipper giao hàng.
Ghi nhận của Zing tại nhiều phố ẩm thực ở TP.HCM, có sự chênh lệch rõ ràng lượng du khách. Trong khi phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4) luôn tấp nập khách du lịch và người dân đến ăn uống; song ngược lại, nhiều tuyến phố như Nguyễn Thượng Hiền, Kỳ Đài Quang Trung (quận 10), Hậu Giang (quận 6)... thường xuyên vắng vẻ, mặc dù hàng quán cũng được đầu tư cả về sản phẩm lẫn trang trí.
Đối lập
Gần 19h, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền vẫn vắng khách. Bàn ghế được đặt ra một phần đường nay đã được dẹp vào trong, trả lại làn đường cho các phương tiện di chuyển.
Tuyến phố có 143 cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 92 cửa hàng phục vụ ăn uống. Không gian náo nhiệt với tiếng nhạc từ các hàng quán nay được thay thế bằng khung cảnh ảm đạm, chỉ còn tiếng xe thi thoảng xen lẫn tiếng thở dài của người dân.
Tối 22/3, tại một quán trà sữa với 6 chiếc ghế được bày biện trong không gian chật hẹp, chị Thúy Vân (quận 3) đang cùng 2 người bạn trò chuyện. Chị Vân cho biết vẫn hay ghé qua phố Nguyễn Thượng Hiền bởi những món ăn vặt hấp dẫn. Tuy nhiên, nữ thực khách thường lựa chọn mua mang về thay vì ngồi lại bởi một số cửa hàng không đủ chỗ ngồi thoải mái.
Nguyên tuyến đường kinh doanh một mặt hàng nên người dân cứ nhắc đến phố Vĩnh Khánh là nhớ món ốc.
Anh Nguyễn Hùng
"Gần đây, tôi thấy có lực lượng chốt chặn ôtô vào con đường này. Song khi đi xe máy, tôi gặp bất tiện khi bãi gửi xe không có người trông, một số cửa hàng cũng không có chỗ gửi", chị Vân nói.
Trên đường Nguyễn Thượng Hiền được vẽ 2 vạch màu xanh là vạch giới hạn, người dân có thể kê bàn ghế phục vụ khách ngồi ăn tại chỗ bên trong vạch (rộng 1,5 m tính từ lề đường). Tuy nhiên, một số chủ quán cho biết không dám để khách ngồi trong những khu vực giới hạn này.
"Xe máy đi qua thường lấn vào vạch giới hạn, khách nhìn thấy cũng e ngại, không dám ngồi. Bình thường quán vắng vẻ nên tôi cũng không bày ghế ra ngoài", bà Hằng (chủ quán kinh doanh trà sữa) lắc đầu, chỉ vào vạch xanh đã dần phai màu trước quán.
Cảnh tượng đối lập tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) và phố Hồ Thị Kỷ (quận 10). Ảnh: Chí Hùng. |
Trái ngược với khung cảnh trên, hơn 100 gian hàng đa dạng tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) vẫn tấp nập người ra vào. Nơi đây không chỉ là phố ẩm thực mà còn được xem là phố hoa tại TP.HCM.
"Đường hơi hẹp nhưng tôi đã gửi xe ngoài cổng, đi bộ khá dễ dàng. Tại đây có đủ món nướng, ốc, ăn vặt, giải khát... Ngoài việc tới ăn uống thì còn có thể mua hoa tặng cho người thương", anh Phan Thanh Tú (phường 4, quận 10) chia sẻ.
Trong khi đó, dù chỉ chuyên bán ốc, các loại hải sản nhưng phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) vẫn có lượng khách ổn định. Phố nằm trên đường Vĩnh Khánh, thuộc 3 phường (8, 9 và 10), được thành lập năm 2018 với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch, thu hút du khách, quảng bá những món ăn dân tộc.
Gần 27 năm buôn bán tại con đường này, quán ốc của anh Nguyễn Hùng là thành viên lâu năm trong phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Anh Hùng cho biết quán mở cửa từ 16h đến 8h sáng hôm sau và thường đông khách vào buổi tối, 20-23h.
"Nguyên tuyến đường kinh doanh một mặt hàng nên người dân cứ nhắc đến phố Vĩnh Khánh là nhớ đến món ốc. Những năm gần đây, các tour du lịch cũng thường dẫn du khách vào, có cả khách quốc tế nên lượng người đến ngày càng đông", người đàn ông vui mừng nói.
Cách đó vài gian, anh Tuấn Ngọc cho hay lượng khách quốc tế tới quán mỗi tối chiếm hơn 40%, chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Để tiện phục vụ nhóm khách này, anh đã làm menu với 5 ngôn ngữ, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thiếu quy hoạch tổng thể về phố ẩm thực
Khi mở ra phố ẩm thực, các quận, huyện tại TP.HCM mong muốn giúp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm, từ đó hỗ trợ và nâng cao đời sống vật chất của người dân.
Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Chủ tịch UBND phường 1 (quận 10), nhận định phát triển phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ là một trong những mục tiêu quan trọng của phường thời gian tới.
Có nơi quy hoạch phố ẩm thực chỗ quá chật, nơi lại quá rộng. Khi chưa có nghiên cứu, khảo sát kỹ, việc thất bại là điều thấy rõ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Bà Tuyền cho biết ban đầu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ chỉ là nơi buôn bán tự phát, tuyến đường kinh doanh ăn theo chợ Lê Hồng Phong. Hầu hết hộ dân là lao động thấp, không có công việc ổn định.
Nhận thấy tiềm năng của việc buôn bán ẩm thực, lãnh đạo phường đã vận động quyên góp được 33 xe hàng cho các hộ dân bắt đầu kinh doanh. Sau khoảng 4 năm, số lượng đã tăng lên hơn 100 gian hàng, giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND phường 1 cũng nhận định một số hạn chế của phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ. Khu phố có đặc trưng hẹp, nhiều hẻm nhánh nên chính quyền không thể tiến hành cấm xe, biến thành phố đi bộ. Ở một số khu vực vẫn có nhiều xe lưu thông, dẫn đến tình trạng kẹt xe, đồng thời khiến các hộ dân không kinh doanh cảm thấy phiền phức.
"Thời gian tới, phường dự kiến mở rộng thêm hẻm 382 Lê Hồng Phong và hẻm 51 Hồ Thị Kỷ để kéo dài không gian ăn uống tại khu phố này", bà Tuyền nói.
TP.HCM kỳ vọng các phố ẩm thực sẽ thúc đẩy kinh tế đêm của thành phố. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, cho biết việc phát triển tốt phố ẩm thực sẽ giúp kích thích nền kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, phố ẩm thực cũng giúp lan tỏa giá trị văn hóa và kinh tế địa phương, giúp người dân tiếp cận được nguồn lợi mà khách du lịch mang lại.
"TP.HCM coi trọng và đưa ẩm thực là nội dung chính trong việc khai thác nền kinh tế ban đêm là rất đúng", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói, song cũng cho biết các địa phương đã xác định được mục đích xây dựng phố ẩm thực nhưng lại loay hoay với bài toán tổ chức ở đâu, tổ chức thế nào.
Chuyên gia nhận định việc quy hoach phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền có một số bất cập. Đặc trưng của phố là ẩm thực phổ thông, giá cả thấp, hướng đến đối tượng giới trẻ. Điều này đòi hỏi khu phố phải chịu được mật độ giao thông lớn qua khu vực.
Bản chất đường Nguyễn Thượng Hiền là đường tàu được quy hoạch lại thành đường đi nên đường phố hẹp, không có vỉa hè, nhà dân xung quanh nhỏ. Bên cạnh đó, đường Nguyễn Thượng Hiền kết nối giữa 2 đường một chiều ngược chiều nhau (đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Đình Chiểu) dẫn đến việc càng tăng mật độ giao thông qua khu vực, dẫn đến bất cập khi tạo thành phố ẩm thực.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về phố ẩm thực. Các địa phương tự vận dụng thế mạnh để khai thác thành khu phố ăn uống riêng. Từ đó khiến bức tranh trở nên lộn xộn, có những chỗ không phù hợp.
"Nơi làm phố ẩm thực phải đảm bảo các yếu tố như có khả năng trở thành nơi tập trung đông người, nhiều hàng quán, không cản trở giao thông. Tuy nhiên, một số địa phương lại quy hoạch phố ẩm thực vào nơi quá chật chội, có nơi lại quá rộng. Khi chưa có sự nghiên cứu và khảo sát kỹ càng, việc thất bại là điều thấy rõ", Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhận định.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.