Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt cá phóng sinh: Ngược giáo lý nhà Phật, vi phạm đạo đức

"Hành vi chích điện đánh bắt cá ngay khi vừa được thả xuống sông thể hiện lối sống lệch chuẩn của một bộ phận người trong xã hội", giáo sư Nguyễn Hồng Dương phân tích.

Rùa vừa phóng sinh ở sông Sài Gòn bị bắt ngay trước mặt người thả Nhiều người bất bình bị những kẻ lợi dụng việc phóng sinh để bắt lấy rùa, cá... vừa được thả. Việc này diễn ra ngay trước mắt họ.

Bàn về vấn đề người dân thả cá chép ngày 23 tháng Chạp hay phóng sinh vào các ngày lễ lớn, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng đây là những việc làm tốt đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo và dân gian Việt Nam. Các tín ngưỡng đi theo giáo lý của đạo Phật và thể hiện tính nhân văn trong đời sống văn hóa người dân.

Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng này đang dần bị biến tướng, trở thành cơ hội để nhiều kẻ kinh doanh trục lợi.

Lệch chuẩn

GS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho rằng hành vi chích điện đánh bắt cá ngay khi vừa được thả xuống sông thể hiện lối sống lệch chuẩn của một bộ phận người trong xã hội.

Theo đó, các hành vi này được thực hiện dựa trên nhu cầu về kinh tế, lợi nhuận. Để kịp đáp ứng nhu cầu người mua, người bán sẽ bắt ngay những con cá vừa được phóng sinh, rồi đem bán lại.

“Việc này nằm trong quy luật của kinh tế thị trường, nhưng đi ngược lại với giáo lý của đạo Phật và vi phạm đạo đức trong văn hóa tín ngưỡng”, GS. Nguyễn Hồng Dương phân tích.

phong sinh trong tin nguong Viet Nam anh 1
Bất lực trước nạn cá cúng ông Công, ông Táo bị vợt mất sau khi thả, nhiều người thuê thuyền ra giữa sông phóng sinh hoặc cho tiền những kẻ trục lợi. Ảnh: Lê Quân

Ở góc độ tín ngưỡng tôn giáo, phóng sinh được thực hành dựa trên việc bỏ tiền ra chuộc những sinh linh bị nhốt rồi thả cho chúng tự do. Theo quan niệm của Phật giáo, con người khi phóng sinh sẽ tích thêm hồng phúc cho bản thân và gia đình.

Dựa trên quan niệm đó, việc phóng sinh trở nên phổ biến hơn trong những ngày lễ, Tết quan trọng của người dân Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là dịp để làm việc thiện, tích đức và rửa tội.

Việc chích điện bắt cá vừa được phóng sinh đi ngược lại với giáo lý của đạo Phật và vi phạm đạo đức trong văn hóa tín ngưỡng

GS.TS Nguyễn Hồng Dương

“Tuy nhiên, nếu mua động vật như một loại hàng hóa, rồi sau đó mang đi thả thì việc đó không mang nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng và cũng không đúng với quan niệm phóng sinh của Phật giáo”, PGS.TS Đinh Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu nhân học tôn giáo, cho biết.

Theo chuyên gia này, việc mua các sinh vật ở chợ đem đi thả, thực chất chỉ là một mắt xích trong một chuỗi hoạt động kinh doanh có chu kỳ xoay vòng: Bắt - nhốt - bán - thả. Người bán sẽ bắt cá dưới sông, người mua ra sông thả cá, rồi sau đó người bán lại bắt lại.

“Cuối cùng, việc phóng sinh trở nên vô nghĩa khi chúng ta biến nó thành hình thức kinh doanh”, ông Hải nhận định.

Hiểu để phóng sinh một cách "trí tuệ và hướng thiện"

Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa thực hành tín ngưỡng trong xã hội hiện đại, GS.TS Nguyễn Hồng Dương cho rằng nhiều người phóng sinh chỉ để khoe khoang, thể hiện.

“Tôi từng chứng kiến nhiều người bỏ hàng chục triệu mua những sinh vật quý hiếm về để phóng sinh. Việc này không hề mang ý nghĩa gì, chỉ là trọng hình thức”, ông khẳng định.

Theo ông, điều quan trọng không phải việc người dân phóng sinh được bao nhiêu sinh vật mà điều cốt lõi trong tín ngưỡng này nằm ở tâm thế của người phóng sinh. Người dân cần thành tâm khi thực hiện các nghi lễ, thay vì quá coi trọng giá trị của sinh vật.

Trong khi đó, việc phóng sinh thực chất mang nhiều ý nghĩa trong tín ngưỡng Phật giáo và tính nhân văn trong đời sống xã hội.

Ở góc độ môi trường, phóng sinh góp phần vào công cuộc tái tạo tự nhiên. Đây được hiểu như một nghi thức giúp con vật trở về với môi trường sống và tiếp tục gia tăng, nảy nở. 

Trong đạo Phật, việc thả một con vật dựa trên quan niệm mỗi con vật đều được coi như chúng sinh và cần được hưởng tự do. Do đó, ở sự việc người dân chích điện bắt cá ngay khi vừa thả xuống nước, có thể thấy rõ sự đối lập: người thả cá là người tích đức, người bắt cá là người tạo nghiệp. 

TS. Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam, cho rằng phóng sinh sẽ mang ý nghĩa thực sự nếu người dân nhìn thấy một con vật bị bắt nhốt thì bỏ tiền ra mua về và thả cho nó được tự do.

“Việc thực hành tín ngưỡng trước hết phải dựa vào niềm tin, làm để tâm hồn thanh thản và bằng cái tâm của chính mình”, TS Nguyễn Ngọc Mai nói.

phong sinh trong tin nguong Viet Nam anh 2
Theo GS.TS Nguyễn Hồng Dương, người dân cần thành tâm khi thực hiện các nghi lễ, thay vì quá coi trọng số lượng và giá trị sinh vật. Ảnh: Lê Quân

Bên cạnh đó, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh ở Việt Nam cũng có sự đứt gãy khi đất nước trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Dù các tập tục đã có từ lâu đời, đói nghèo và chiến tranh khiến người dân không có cơ hội thực hành các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong suốt những năm trước Đổi mới.

Theo giáo sư Dương, phong tục hay tín ngưỡng không phải “nhất thành bất biến”. Văn hóa luôn sáng tạo theo xu thế thời đại. Mọi thứ đều có thể thay đổi theo sự biến động của kinh tế, xã hội. Chỉ khi kinh tế ổn định, người ta mới bắt đầu nghĩ đến chi tiền cho các hình thức văn hóa, tín ngưỡng. Nói “phú quý sinh lễ nghĩa” là vì thế.

Để gìn giữ những giá trị thực của tín ngưỡng văn hóa, các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan ban, ngành, trong đó đứng đầu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo đó, cần có sự hướng dẫn, cơ chế quản lý để người dân thực hiện các nghi thức tín ngưỡng một cách chuẩn mực.

Tuy nhiên, trước khi chờ đợi có sự hướng dẫn cụ thể, có lẽ mỗi người dân hãy tự ý thức cho mình trong việc thực hành các tín ngưỡng tôn giáo một cách có hiểu biết. 

"Mỗi người hãy thực hiện các tập tục theo đúng triết lý và quan niệm của đạo Phật: trí tuệ và hướng thiện”, PGS.TS Đinh Hồng Hải đưa ý kiến. 

Bắt cá, chim phóng sinh để trục lợi là ác nghiệp

"Những người chỉ chờ sẵn để bắt những con cá, con chim phóng sinh để trục lợi thì đó là việc làm tham lam, có thể gọi là ác nghiệp”, tiến sĩ Phật học, sư cô Nguyên Hương nói.


Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm