Ngày 28/1 (23 tháng Chạp), bà Bích Hằng, 58 tuổi, bức xúc khi con cá chép to đẹp mình cất công chọn lựa cả tiếng đồng hồ vừa thả xuống nước từ bờ sông Sài Gòn đã sa vào lưới của một “vợt thủ” vớt cá ngay gần đó.
“Cá để tôi phóng sinh cầu chúc cho năm mới bình an, giờ bị bắt lại phải làm sao đây?”, bà Hằng nói với Zing.vn.
Không chỉ bà Hằng, một số gia đình khác cũng than phiền cá họ thả phóng sinh bị chích điện hoặc bị bắt lại để bán cho người khác, từ năm này qua năm khác.
Cá vừa thả xuống nước đã sa vào lưới của một “vợt thủ” vớt cá ngay gần đó. Ảnh: Lê Quân. |
Dịp Vu Lan báo hiếu tháng 7 âm lịch vừa rồi, chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP.HCM) cũng vất vả đối mặt với tình trạng ô nhiễm bởi sự thiếu hiểu biết của Phật tử khi phóng sinh. Dù nhà chùa đã có khuyến cáo, khách vẫn mang rùa, ba ba, cá, chim đến chùa làm lễ, rồi “phóng” hết vào hồ nước tại chùa.
“Sự thiếu hiểu biết của khách viếng chùa khiến hồ nước tại chùa Ngọc Hoàng mỗi dịp lễ lớn hầu như đều bị ô nhiễm, cá phóng sinh lại phơi bụng nổi lềnh bềnh, nào có sống được. Cá trong hồ nước bị ảnh hưởng môi trường sống cũng chả được yên”, Đại diện Ban quản lý chùa nói với VietQ.vn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học & Công nghệ).
Theo Thượng toạ Thích Nhật Từ, Phó trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, con người đôi khi phóng sinh lại hóa thành phóng tử. Không có người phóng sinh thì không ai bắt vật phóng sinh, không ai vô tình mắc tội sát sinh và khi đó muôn loài sẽ tự do. Trong Lễ Phật đản 2018, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có đề xuất bỏ tục lệ phóng sinh, vì thói quen này là vô tình khuyến khích hành vi xâm hại đến sự sống của các loài động vật.
Cá lớn, cá bé thả phóng sinh bị chích điện hoặc bị bắt lại để bán cho người khác. Ảnh: Lê Quân. |
Dịp ông Công, ông Táo, rằm tháng Giêng hay mùa lễ Vu Lan, nhiều người lại phát nguyện ăn chay, phóng sinh động vật, tạo phước lành, cầu bình an. Thế nhưng, việc dùng vợt, chích điện vợt cá vừa phóng sinh, hay lợi dụng thiện tâm để mua bán, trao đổi những loài động vật này ngày càng diễn ra thường xuyên, làm méo mó mục đích hướng thiện ban đầu của thói quen này.
Hiện tượng trên đã khiến các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế cùng đặt vấn đề: Nếu phóng sinh loài này mà làm ảnh hưởng đến sự sống của loài kia thì đó có phải là phúc?
Tạo ác nghiệp
Theo hòa thượng Refa Shi, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Hoa Kỳ ở New York, việc phóng sinh như nhiều người vẫn đang làm hiện nay - mua cá chậu, chim lồng về để rồi lại thả chúng về thiên nhiên - là đi ngược lại quy luật tự nhiên và không hề đúng ý Phật dạy.
Chim đang bay, cá đang bơi, những con vật đó đang tận hưởng sự tự do của mình, cớ sao loài người, vì phục vụ mục đích của mình lại tước đi cái tự do đó của con vật?
Hòa thượng Refa Shi, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Hoa Kỳ ở New York
“Chim đang bay, cá đang bơi, những con vật đó đang tận hưởng sự tự do của mình, cớ sao loài người, vì phục vụ mục đích của mình lại tước đi cái tự do đó của con vật?", ông Refa Shi đặt vấn đề từ năm 2012.
Trích dẫn những điều trong Đạo Phật, ông Refa Shi nói về mặt hình thức, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội tiếp tục sống.
Hiểu đơn giản, đó là việc cứu giúp một con vật đang bị nạn. Hiểu rộng hơn, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như tham, đố kỵ, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do.
Theo ông Refa Shi, phóng sinh không chỉ phổ biến ở các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Phật như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore. Những người không theo đạo Phật ở Mỹ hoặc Pháp cũng tham gia vào việc này.
Tuy nhiên, “người không sống thiện dù phóng sinh động vật cũng không che đậy được tội lỗi mình đã gây ra. Ngược lại còn tạo thêm nghiệp với động vật vô tội”, hoà thượng Refa Shi bày tỏ quan điểm.
Trong bối cảnh đó, ông Refa Shi cùng rất nhiều hòa thượng và các nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới đều khẳng định: Việc phóng sinh “hình thức” như phần lớn Phật tử đang làm hiện nay đang phần nào tiếp tay cho việc mua bán, trao đổi động vật.
Lời cầu mong được viết lên mai rùa trước khi phóng sinh. Ảnh: Lê Quân |
Theo tiến sĩ Phật học, sư cô Nguyên Hương, việc bắt chim, đánh cá vì mưu sinh là việc làm không có lựa chọn khác cho một số người. Họ vì nghề nghiệp kiếm ăn và nuôi sống gia đình mà làm, nhiều khi miễn cưỡng. Nhưng những người chỉ chờ sẵn để bắt những con cá, con chim phóng sinh để trục lợi thì đó là việc làm tham lam, có thể gọi là “ác nghiệp”.
“Hiểu sai về phóng sinh khiến nhiều người làm việc thiện mà không còn là thiện, khi làm giàu cho kẻ xấu”, TS Nguyên Hương trả lời báo giới.
Phóng sinh thế nào cho đúng?
Báo cáo năm 2016 của Đại học Maryland (Hạt Baltimore, Mỹ) chỉ ra: Những loài cá hoặc chim được nuôi trong lồng, chậu với mục đích để bán phóng sinh, quanh năm suốt tháng chỉ sống trong môi trường hẹp.
Nói cách khác, chúng không hề được tiếp xúc với môi trường bên ngoài cho đến khi được phóng sinh. Và do đó, chúng cũng không có bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Thả những loài này về với tự nhiên chính là giết chết chúng.
Chim được nuôi trong lồng với mục đích để bán phóng sinh không có bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Ảnh: Lê Quân |
Một nghiên cứu khác xuất bản vào tháng 10/2018 trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm (The Journal of Experimental Biology) chỉ ra cụ thể việc bắt cá từ dưới nước lên sau đó lại thả chúng về nước là “tàn nhẫn” và “thiếu nhân đạo”. Bởi lẽ, khi tách động vật ra khỏi môi trường sống, dù trong thời gian ngắn cũng ảnh hưởng đến tập tính của chúng. Đây không còn là vấn đề về tôn giáo, đức tin đơn thuần mà còn là vấn đề về môi trường.
Trách nhiệm của con người khi trả các loài vật về với tự nhiên là phải đảm bảo chúng có thể hòa nhập và tái tạo sức sống. Bằng không việc phóng sinh chẳng khác gì sát sinh.
Neena Mahadev, GS Nhân chủng học thuộc Đại học Yale
“Không ít lần chúng ta chứng kiến cảnh tượng cá phóng sinh được thả về nước chưa bơi đã chết, chim thả về trời chưa bay đã gãy cánh. Đó là vì con người phóng sinh chúng ở môi trường chưa phù hợp”, ông Neena Mahadev, GS Nhân chủng học thuộc Đại học Yale, nói với báo The Straits Times (Singapore).
“Trách nhiệm của con người khi trả các loài vật về với tự nhiên là phải đảm bảo chúng có thể hòa nhập và tái tạo sức sống. Bằng không việc phóng sinh chẳng khác gì sát sinh. Nếu giữ tục phóng sinh thì cần phải lập danh sách những động vật có thể được phóng sinh và môi trường phù hợp”, ông Mahadev khẳng định.
Năm 2017, hai nhà sư Đài Loan sống ở London (Anh) bị phạt 28.000 bảng (855 triệu đồng) vì thả tôm hùm và cua lạ xuống biển ngoài khơi Brighton trong một dịp phóng sinh, theo báo Guardian (Anh).
Toà án tại Brighton phán quyết: Đáng ra hành động phóng sinh thể hiện sự hướng thiện và tình yêu với muôn loài theo đạo Phật nhưng việc đưa động vật vào môi trường không phù hợp của hai nhà sư dẫn đến “những thiệt hại khó lường” và gây nguy hại đến môi trường sống của các sinh vật khác.
Một hành động nhằm mục đích từ bi đã có kết cục tại toà và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường, Guardian nhận định về vụ việc.