Người dân ở hai huyện Gia Viễn, Nho Quan (Ninh Bình) tranh thủ mọi phương tiện bắt cá khi nước lũ làm các ao nuôi tràn bờ.
Trong 3 ngày từ 9 đến 11/10, lượng mưa ở Gia Viễn lên đến 400 mm khiến 520 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập trắng. Cá tràn bờ ra ngoài rất nhiều. Mực nước sông Hoàng Long cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1985.
Chiều 12/10, trên khúc sông Bắc Rịa dài chưa đầy một km ở xã Gia Phong, Gia Viễn, Ninh Bình có đến hơn 10 thuyền đánh cá khi nước lên.
Do nước sông rất lớn người dân hầu hết phải dùng thuyền để thả lưới bắt cá trong lũ lịch sử mà không thể lội xuống được.
Có người thả đó để bắt cua và các loại cá sống ở tầng đáy.
Trong ngày 12/10, các ngư dân đánh bắt liên tục từ sáng đến tối với lượng cá lớn hơn hẳn mọi ngày.
Cá biệt có người đánh được cả tạ cá một mẻ. "Chưa bao giờ bắt cá lại sướng tay như lần này", một người đàn ông nói.
Trong đó, có rất nhiều cá trắm cỏ, cá chép có khối lượng lên đến hơn 2 kg/con.
Do đánh bắt dễ nên giá cá cũng rẻ hơn hẳn mọi ngày. Giá cá trắm cỏ, cá chép chỉ dao động khoảng 40.000 đồng/kg cho loại cá 2 kg một con. Những con cá bé khoảng 5 lạng chỉ có giá 20.000 đồng/kg.
Do giá cá rẻ, người dân thường chọn mua cá to, ngon để ăn. Có người còn mua cả chục kg về tích trữ, ăn dần.
Tại các khu vực ven sông Bắc Rịa, cảnh mua bán cá diễn ra tấp nập.
Tại khu vực xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, những người đi câu tập trung thành từng nhóm hàng chục người.
Đa phần họ là người câu nghiệp dư, tranh thủ ngày nước lớn đi câu vừa để giải trí, vừa có thức ăn.
Sau khi đạt mức đỉnh lũ lịch sử, mực nước trên các con sông đang rút dần và cơ hội để bắt cá cũng sắp kết thúc.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.