Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Barca thảm bại và lỗ thủng cuối cùng của con tàu Titanic

Đôi khi trong cuộc sống, một thất bại nặng nề còn tốt hơn những vết thương âm ỉ, và một thảm họa có thể mang lại những thay đổi lớn lao.

Người ta nói rằng trước khi thảm họa Titanic xảy ra, đã có những lời cảnh báo xung quanh thiết kế của con tàu hay nguy cơ từ tảng băng trôi trên đại dương. Nhưng thảm họa vẫn cứ xảy ra.

Barca tham bai anh 1

Với Barca, thất bại trước Bayern không phải là điều gì khó tưởng tượng trước giờ bóng lăn. Tất nhiên, 2-8 là một tỷ số không bình thường với một trận tứ kết Champions League.

Nhưng đây cũng không phải lần đầu Barca bị sỉ nhục trong một trận đấu knock-out ở đấu trường Champions League.

Đừng khóc cho Barca

2-8 là tỷ số không tưởng trong những trận cầu đỉnh cao, nơi ai cũng chờ sự kịch tính và ganh đua đến cuối cùng.

Bayern đã không cho các cổ động viên bóng đá cơ hội đó. Họ biến trận tứ kết thứ 3 của Champions League mùa này trở thành màn tập bắn, nơi phô diễn sức mạnh và sự khác biệt của hai cách làm bóng đá giữa hai CLB giàu truyền thống và hùng mạnh bậc nhất châu Âu.

Thất bại này đau đớn với Barca, nhưng nó đã được dự báo. Tất nhiên, không ai nghĩ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai đội bóng đã giành tổng cộng 10 chức vô địch Champions League (mỗi đội vô địch 5 lần) sẽ kết thúc với kịch bản như vậy.

Hơn 60 năm rồi, Champions League mới lại chứng kiến một đội bóng nã 8 bàn vào lưới đối thủ trong một trận knock-out. Trước trận đấu, nhiều người vẫn còn nghĩ về sức mạnh của Barca khi có Messi trong đội hình.

Nhưng thực tế trong vòng một thập niên qua, đây không phải lần đầu tiên Barca bị sỉ nhục. Năm 2013, Bayern đã huỷ diệt Barca 7-0 trong cả hai lượt trận ở bán kết Champions League.

Ngay cả cái cách đội bóng xứ Catalonia để AS Roma hay Liverpool lội ngược dòng hai mùa trước cũng muối mặt không kém.

Thảm bại trước Bayern đơn giản chỉ là lỗ thủng cuối cùng trên con tàu Titanic do Messi cầm lái, sau khi đã đâm vào tảng băng trôi nhiều tháng trước.

Siêu sao người Argentina đã trải qua một mùa giải đáng thất vọng, khi vướng vào quá nhiều lùm xùm bên ngoài sân cỏ.

Không ai có quyền phán xét Messi ngoại trừ chính anh, nhưng có một sự thật mà ai cũng thấy rằng cầu thủ mang áo số 10 có quyền được hưởng một bầu không khí lành mạnh và tập trung hết sức trên sân cỏ.

Messi phải thay mặt đội bóng công kích ban lãnh đạo Barca, đáp trả Giám đốc thể thao Eric Abidal. Messi phải tham gia vào công tác quản trị đội bóng, ít nhiều đưa ra các thay đổi khi Barca sa sút.

Mớ bòng bong mà Barca tạo ra ở mùa giải năm nay đã làm hại họ, và trận thua trước Bayern chỉ là gáo nước lạnh cuối cùng hắt vào mặt họ.

Barca tham bai anh 2

Cay đắng cho Messi. Ảnh: Getty.

Bayern đơn giản đã dạy cho Barca một bài học về cách làm bóng đá. Gần 1 tỷ euro đã được Barca ném vào thị trường chuyển nhượng trong nửa thập niên qua, với 29 cầu thủ mới được đem về trên thị trường chuyển nhượng.

Barca ngủ quá lâu trên chiến thắng. Ảo tưởng về một Messi “đến từ hành tinh khác” (như cách nói của tiền vệ Arturo Vidal) trước trận đã làm hại họ.

Barca vẫn là một đội bóng lớn, nhưng đã sa sút không phanh kể từ cú ăn ba mùa giải 2014/15.

Con tàu Barca còn đó hoa tiêu Messi, nhưng những lái tàu như Xavi, Iniesta hay Puyol đã đi mất. Các thủy thủ đồng hành cùng anh như Luis Suarez, Gerard Pique... sa sút không phanh.

Một mình Messi không thể bịt hết những lỗ thủng trên con tàu. Đó là chưa tính đến những quyết định được nhiều CĐV Barca coi không khác gì phá hoại của ban lãnh đạo đội bóng.

Barca đã trả hơn 142 triệu bảng để mang về Coutinho, một cầu thủ ghi bàn và kiến tạo vào chính khung thành của họ khi đang được cho mượn đến Bayern.

Đó là một sự mỉa mai và mâu thuẫn đến tột độ, và cho thấy cự chênh lệch khủng khiếp của hai cách làm bóng đá.

Bayern, giống như những gì người Đức đã năm 2014, có thể sẽ lên đỉnh thế giới với một mô hình bóng đá chuẩn chỉnh, logic và tuân thủ triệt để các quy tắc vận hành của bóng đá chuyên nghiệp.

Barca, giống như những gì người Brazil phải trải qua, trở nên yếu đuối đến lạ thường khi bấu víu vào những thần tượng trên sân cỏ. Năm 2014, tuyển Brazil thậm chí còn ôm áo của Neymar hát quốc ca trước trận đấu với Đức.

Năm 2020, trước trận gặp Bayern, Javier Mascherano bảo rằng Messi chính là lý do Barca có thể đánh bại mọi đội bóng trên thế giới. Trong một ngày đẹp trời, lời của cựu tiền vệ Barca có thể có lý.

Nhưng tại Estadio da Luz đêm qua, Bayern đã chứng minh sự vượt trội về lối chơi, phong độ và tinh thần thi đấu của cả một tập thể trong bóng đá có thể bóp nghẹt những nỗ lực tỏa sáng cá nhân như thế nào. Ngay cả khi đó là thiên tài như Messi.

Barca thậm chí còn tệ hơn Brazil của năm 2014, khi linh hồn Neymar của Selecao vắng mặt trận đó.

Messi vẫn có mặt trên sân và tiếp tục là chứng nhân cho mùa giải thứ 3 liên tiếp, Barca bị loại khỏi Champions League trong sự xấu hổ.

Barca tham bai anh 3

Barca sẽ thay đổi thế nào sau thất bại? Ảnh: Getty.

Tâm thế sau thất bại

Pique và De Jong là hai người được Barca cử trả lời phỏng vấn sau trận thua Bayern. Thái độ của hai cầu thủ trước truyền thông có sự khác biệt.

Pique gần như suýt khóc trước ống kính máy quay, trong khi De Jong bình thản hơn và chấp nhận sự thật. “Tôi nghĩ chúng tôi cần rất nhiều thay đổi”, De Jong nói.

Pique cũng đòi Barca phải thay đổi, nhưng theo một cách cực đoan hơn: “Chúng tôi đã ở dưới đáy. CLB này cần sự thay đổi, không chỉ là HLV hay cầu thủ, mà là tất cả. Nếu người phải đi đầu tiên là tôi, tôi cũng sẵn sàng”.

Từ một De Jong “tôi nghĩ” phải thay đổi đến một Pique “sẵn sàng ra đi nếu cần” là hai tâm thế khác biệt, và cho thấy cuộc cải tổ của Barca cần bắt đầu từ đâu.

Pique lẽ ra không nên chờ đến sau thảm bại 2-8 để phát biểu rằng anh là một trong những người phải hy sinh đầu tiên để giúp Barca thay đổi.

Các cổ động viên và cầu thủ Barca chắc chắn không cần thêm những phân tích hay lý giải, họ thừa biết vấn đề của CLB này nằm ở đâu.

Barca và những công thần của họ đã ngủ quên quá lâu trên chiến thắng, với sự trì trệ và ảo tưởng về năng lực.

Barca cần thêm những cầu thủ như De Jong trong đội hình. Họ cần thêm những cầu thủ tài năng, còn giữ được sự khiêm tốn và khát khao thể hiện mình.

Người Barca cần nhìn vào Mueller, người vài năm trước đã mất suất đá chính ở Bayern trong một thời gian dài, trước khi trở lại. Mueller nhận danh hiệu cầu thủ hay nhất trận đấu với Barca vừa qua, và chứng minh rằng chỉ có sự cạnh tranh quyết liệt trong bóng đá mới đem lại thành quả.

Người ta nói rằng lẽ ra thảm họa Titanic đã không tồi tệ đến thế, nếu con tàu đứng yên và bịt được những lỗ thủng sau cú đâm.

Nhưng đôi khi trong cuộc sống, một thất bại nặng nề còn tốt hơn những vết thương âm ỉ.

Một thảm họa có thể mang lại những thay đổi lớn lao. Với Barca, họ cần trận thua này để làm lại. Như cái cách người Brazil đã đứng dậy sau đêm kinh hoàng ở sân Minerao.

Vidal bị chế giễu vì tuyên bố Barca hay nhất thế giới Tiền vệ Arturo Vidal của Barca bị chế giễu vì phát ngôn đanh thép trước trận thua Bayern 2-8 ở tứ kết Champions League rạng sáng 15/8 (giờ Hà Nội).

Barcelona và nỗi đau găm chặt vào tim

Với dàn sao đắt giá cùng thủ quân Lionel Messi, Barca vẫn phải nhận thất bại nặng nề 2-8 trước Bayern Munich ở tứ kết Champions League 2019/2020.

Barca thảm bại - sự sụp đổ cần thiết

"Chạm đáy thất vọng", đó là cách trung vệ Gerard Pique nói về đội nhà sau thất bại kinh hoàng 2-8 trước Bayern ở tứ kết Champions League.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm