Bình luận
Tại bảng xếp hạng La Liga, Barca đang đứng thứ 5 với 21 điểm sau 13 trận. Koeman và các học trò đã thua tới 4 trận, nhiều bằng tổng số trận thua trong hai mùa đầu tiên của Barca dưới thời Ernesto Valverde.
Lluis Canut, nhà báo kỳ cựu người Tây Ban Nha và vốn là bạn thân của HLV Ronald Koeman, tiết lộ nhà cầm quân người Hà Lan "không hiểu vì sao" các CĐV Barca lại thất vọng với đội nhà khi đội quân của ông đã giành quyền vào vòng knock-out Champions League.
Đặt hai câu chuyện này cạnh nhau là đủ để thấy giữa Barca của Koeman và Barca trong những kỳ vọng của CĐV có sự khác nhau như thế nào. Song đó vẫn chưa phải những điều tệ nhất có thể đến với đội chủ sân Camp Nou.
Koeman dẫn dắt khiến Barca thua 5 trận trên mọi đấu trường mùa này. Ảnh: Getty. |
Xung đột nội bộ
Catalunya Radio tiết lộ phòng thay đồ Barca lúc này đã chia thành nhiều nhóm nhỏ và kèn cựa lẫn nhau. Gerard Pique, Clement Lenglet, Frenkie de Jong và Marc-Andre ter Stegen là nhóm cầu thủ mới gia hạn hợp đồng với Barca nhưng không chấp nhận giảm lương.
Nguồn tin của Catalunya Radio khẳng định nhóm cầu thủ này bị chỉ trích nặng nề trong phòng thay đồ bởi phần còn lại. Một trong số 4 cầu thủ thậm chí bị gọi là "kẻ phản bội".
Trước đó vài ngày, El Pais khẳng định HLV Koeman đã vô cùng bực bội khi những tin tức về đội hình thi đấu hường xuyên bị tuồn ra báo giới. Hồi tháng 9, nhà cầm quân này đã chỉ thẳng mặt tiền vệ Riqui Puig giữa phòng thay đồ, trước toàn bộ các cầu thủ và nói: "Cậu là kẻ tuồn tin".
Messi là một trong những nhân tố khiến Barca loạn phòng thay đồ. Ảnh: Getty. |
Sau đó, Puig gần như bị gạt hoàn toàn khỏi đội hình thi đấu. Tiền vệ này mới đá đúng 77 phút kể từ đầu mùa.
Messi cũng bị coi là nhân vật đang chia rẽ phòng thay đồ Barca. Siêu sao người Argentina đã đòi ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa hè và khiến cả sân Camp Nou rung chuyển. Báo chí Tây Ban Nha tin dù vẫn giữ được sự chuyên nghiệp và chuyên môn vượt trội, Messi không còn được tín nhiệm trong phòng thay đồ nữa.
Siêu sao người Argentina tới giờ chưa có pha kiến tạo nào thành công cho đồng đội tại La Liga. Anh cũng tạo sóng nhỏ khi không bầu cho thủ thành Ter Stegen tại The Best. Mới đây, Messi bỗng lên La Sexta và khẳng định bản thân đã "trải qua mùa hè tồi tệ" nhưng "đang háo hức và tự tin" trong mùa giải này.
Cuộc phỏng vấn của Messi khiến Koeman cũng ngạc nhiên. Ông nói: "Messi không cần lên báo để khẳng định. Tôi thấy điều đó mỗi ngày".
Những biến động tại Barca cho thấy các cầu thủ và chính HLV Koeman dường như đang gồng mình với áp lực từ chính những vấn đề của họ. Nếu nhìn vào việc Barca đã trải qua mùa hè đầy biến động với trận thảm bại 2-8 trước Bayern Munich, bản burofax chấn động của Messi và quyết định từ chức của ông Joseph Bartomeu, những gì đang diễn ra lúc này chỉ đơn giản là hệ quả.
Barca lúc này chỉ có một chủ tịch tạm quyền, người nói hớ rằng Barca "sẽ tốt hơn nếu bán Messi ngay trong mùa hè" để sau đó bao biện vụng về rằng "tôi chỉ đang làm toán thôi".
HLV của Barca lúc này, Koeman, được Bartomeu đưa về để giải tỏa áp lực sau trận thua Bayern, và thực tế đang chưa tạo ra bất kỳ dấu ấn nào đáng nhớ tại Camp Nou.
Đội trưởng của Barca, Messi, đang trải qua nửa đầu mùa kém thuyết phục nhất trong 15 năm qua khi chưa dọn cỗ hành công lần nào cho đồng đội tại La Liga và ghi đa số bàn từ chấm 11 m.
Với một đội hình và đội ngũ lãnh đạo như vậy, Barca đá tốt được trong mùa giải này mới là chuyện lạ.
Cuộc bầu cử quyết định
Hy vọng cho ngày Barca trở lại được dồn cả vào cuộc bầu cử chủ tịch CLB sẽ diễn ra vào cuối tháng 1.
Cựu chủ tịch Joan Laporta và Victor Font đang là hai ứng viên nặng ký nhất trong cuộc đua này. Trong bài phát biểu vận động hành lang đầu tiên, ông Laporta chọn cách kích thích cử tri bằng việc nói về tấm banner khổng lồ in hình chính mình đặt ngay bên ngoài sân Bernabeu như một cách khiêu khích Real Madrid.
Khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của Laporta là: "Tôi muốn gặp lại bạn". Cựu chủ tịch Barca trong giai đoạn 2003-2010 để ngỏ khả năng mời Pep Guardiola trở lại sân Camp Nou. Ông cũng có những phát biểu thận trọng về câu hỏi có hay không việc để ĐT Tây Ban Nha thi đấu trên sân Camp Nou như trong quá khứ. Đây vốn là điều cấm kỵ kể từ khi mâu thuẫn giữa Tây Ban Nha và xứ Catalan tăng cao trong những năm qua.
Cựu chủ tịch Joan Laporta bắt đầu chạy chiến dịch để trở lại sân Camp Nou. Ảnh: Marca. |
Victor Font, ứng viên chủ tịch nặng ký nhất thì mạnh mẽ hơn với các tuyên bố chắc nịch như sau: "Xavi sẽ tới dẫn dắt Barca nếu tôi thắng cử. Nếu không, tôi sẽ trả tiền vé cả mùa cho tất cả cử tri bằng tiền túi!".
Font cũng hiểu rõ giá trị mà CĐV Barca đang hướng tới. Ông nhấn mạnh: "Messi là không thể thay thế. Người có thể thuyết phục cậu ấy là Xavi. Cả hai hiểu rõ và tin tưởng vào giá trị của nhau".
Cả Laporta và Font đều được coi là những mẫu chủ tịch khác biệt so với thảm họa Bartomeu. Đều sở hữu ngoại hình bảnh bao, ngoại giao tốt (Laporta vốn là luật sư, còn Font là doanh nhân, Tổng biên tập hai tờ báo), đây là những ứng viên sáng giá thực sự để đưa Messi khỏi mớ bòng bong mà Bartomeu để lại.
Dẫu vậy, dù Laporta hay Font thắng cử, Barca trước mắt vẫn sẽ phải đối diện với cuộc khủng hoảng từ trong ra ngoài, hệ quả của những năm tháng làm ăn thất bại dưới thời Bartomeu.
Điều quan trọng nhất của Barca lúc này là phải giữ chân bằng được Messi nếu không muốn mọi kế hoạch sau đó của các ứng viên chủ tịch đổ bể. Hãy nhớ rằng từ ngày 1/1/2021, Messi được phép tự do đàm phán hợp đồng với CLB khác. Nếu PSG nhảy vào vào cuỗm được El Pulga, Barca coi như sụp đổ.