Bình luận
Đỉnh cao. El Clasico vẫn là El Clasico, dù cho Ronaldo không còn ở đó, dù cho người ta có nói Messi đã già. El Clasico tháng 10/2020 xứng đáng là trận đấu hay nhất trên toàn cõi châu Âu kể từ đầu mùa giải 2020/21 tới nay. Và điều đó chứng tỏ chúng ta có thể bị đánh lừa bởi truyền thông không còn ồn ào như thời đua tranh Messi - CR7 nữa, nhưng El Clasico thì không bao giờ đánh mất sức hút huyền ảo của mình.
Barca mờ nhạt trong hiệp một
10 phút đầu trận, mỗi đội đều đã tìm được mành lưới đối phương và ngay lập tức sau những bàn thắng “khai vị” ấy là những pha tấn công qua lại dồn dập. Nếu người Anh tự hào với tốc độ chơi bóng, độ cởi mở khi tiếp cận trận cầu của Premier League như một thứ đặc sản, thì họ chắc cũng phải thán phục khi nhìn Real và Barca đá nhanh như máy với thái độ không khoan nhượng, dám chấp nhận rủi ro trước đối thủ tầm vóc nhất của mình.
Khi tất cả đều đang chờ đợi diện mạo của lực lượng kế thừa của cả hai đội bóng, thì Ansu Fati và Valverde đã xuất hiện như câu trả lời dõng dạc nhất. Fati đến từ La Masia và Valverde là sản phẩm của La Fabrica, không còn gì hấp dẫn hơn khi hai người ghi bàn đầu tiên cho hai đội chính là đại diện tiêu biểu cho lực lượng kế thừa ấy.
Họ đã bắt đầu cho thấy cách mà giới trẻ dần chiếm lấy sân khấu tương lai của mình, khi mà thế hệ cũ đã bắt đầu không còn ở đó nữa (như Ronaldo) hoặc không còn ở đỉnh cao như xưa nữa (như Messi).
Real thực tế nhập cuộc tốt hơn, và hàng tiền vệ của Real đã thích ứng nhanh hơn để tỏ ra nổi trội hơn ở hiệp một. Họ tranh chấp chủ động, lựa chọn cực chuẩn thời điểm áp sát và do đó, khiến tuyến giữa của Barca không làm được thứ mà truyền thống của Barca vẫn có: luân chuyển bóng tốt tạo nền tảng cho lối chơi kiểm soát bóng.
Ở hiệp 1, chính con số 24 pha tranh chấp thành công của Real đã cho thấy lý do vì sao Barca mất bóng đến 50 lần và chuyền chính xác 89%, tỷ lệ “không Barca” chút nào.
Toni Kroos, Valverde và Casemiro đã chơi quá hay khi khống chế tốt tuyến giữa, đặc biệt là suốt thời gian hiệp một. Cặp tiền vệ trung tâm Frenkie de Jong và Busquets của Barca gần như “mất tích” ở 45 phút đầu và dường như phải nhờ 15 phút “giáo huấn” giữa trận của HLV Koeman, họ mới bắt đầu lấy lại tinh thần để giúp Barca bắt đầu một hiệp 2 khởi sắc hơn.
Chính họ đã làm giới hâm mộ quên hẳn hình ảnh của một Real nhạt nhòa trước đó trước Cadiz và Shakhtar, hình ảnh dấy lên tin đồn về “ngày phán xét cho Zidane”.
Real thể hiện bộ mặt khác ở trận El Clasico. Ảnh: Getty. |
Một điều khác biệt nữa mà Zidane mang tới Nou Camp chính là vai trò của Benzema. Cầu thủ từng tuyên bố đại ý anh hạnh phúc khi đã “lui mình lại” để làm nền cho CR7 suốt thời gian CR7 ở Real đã tiếp tục thể hiện phẩm chất ấy của mình.
Benzema nhập cuộc với lối di chuyển rộng, chủ động chiếm lĩnh vùng đệm tuyến giữa hàng thủ và hàng tiền vệ đối phương để khi cần có thể lùi sâu chơi như một người kiến tạo. Chính lối chơi “hy sinh” ấy đã khiến Real có bàn mở tỷ số đầy bất ngờ khi Benzema chọc khe để Valverde thoát xuống dứt điểm như một trung phong hàng đầu thực thụ.
Tuy nhiên, dù Real đã chơi rất hay ở Nou Camp, Zidane vẫn còn mối lo rất lớn. Đó chính là vị trí hậu vệ phải mà Dani Carvajal để trống lại do chấn thương. Nacho quá lạc lõng ở đó và chính sai lầm vị trí của Nacho dẫn tới việc Jordi Alba khai thác khoảng trống sau lưng anh và trả ngược bóng cho Fati ghi bàn gỡ hòa 1-1.
Ở hiệp 2, khi Zidane sử dụng Vasquez thay thế cho Nacho, Real cũng không khá hơn ở vị trí này. Nếu Coutinho may mắn hơn, có lẽ Real phải bắt đầu hiệp 2 bằng cú tát bàng hoàng.
Thực sự đội bóng của Koeman cũng không hề may mắn khi họ bắt đầu tạo ra được áp lực, có nhiều cú dứt điểm rợn tóc gáy Courtois hơn, thì VAR bắt họ phải trả giá bằng pha phạt đền mà Ramos không dại gì phung phí cơ hội quý giá. Và cơ hội ấy của Ramos cũng chính là bước ngoặt trận đấu, bởi khi Barca vừa kịp lấy lại cảm hứng thì cảm hứng ấy đã bị vùi dập ở lúc nó còn chưa được nuôi dưỡng đủ đầy.
Sự vội vã thuộc về phía Barca sau bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 còn sự bình thản lại là lợi thế của Real. Và khi vội vã, những pha xử lý bóng của Barca cũng không còn độ sắc nét và thiếu tính sáng tạo đủ để khiến hệ thống của Real phải đổ vỡ. Ngược lại, ở thế thư thái hơn, đội bóng của Zidane chơi sắc lạnh hơn và nếu họ may mắn hơn, họ đã có thể nâng tỷ số lên 3-1 từ sớm hơn sau những pha dứt điểm liên tiếp của Kroos hay Ramos.
Tuy nhiên, Barca cũng không thể cầm cự được lâu hơn. Modric đã đóng đinh trận cầu ở pha “đánh nhanh thắng nhanh” mà ưu thế quân số cũng như ưu thế vị trí của các cầu thủ Real trong tình huống ấy là vượt trội.
Zidane và Koeman, hai người hùng của Real và Barca trong hai chiến dịch Champions League “đầu tiên” của hai thời kỳ (thời kỳ Perez bên Real và thời kỳ Cruyff bên Barca) trong lịch sử hiện đại hai CLB, đã phân định thắng thua bằng bàn thắng đóng đinh ấy của Modric, lần phân định có thể có tác động nhiều tới tương lai của họ trên ghế nóng của mình lúc này.
Messi nỗ lực, nhưng vẫn mờ nhạt trước Real. Ảnh: Getty. |
Khoảng tối của Ronald Koeman
Huấn luyện viên Koeman đã bộc lộ sai lầm ở mấy trận gần đây, và rõ rệt nhất ở trong trận El Clasico này. Cụ thể nhất là sai lầm ở lựa chọn bộ khung tấn công của Barca. Với Messi, vị trí không thể xâm phạm; với Fati, vị trí cũng cần được bồi dưỡng để xây dựng lực lượng kế thừa, Koeman còn lại 2 vị trí nữa trên tuyến tấn công để toan tính. Và ông đã không sử dụng Griezmann, cầu thủ đang là tâm điểm tranh cãi nhưng chắc chắn có khả năng tạo khác biệt nếu được trao niềm tin.
Trong tay Koeman có 3 người có thể hoặc chơi số 10, hoặc chơi tiền đạo là Messi, Coutinho và Griezmann. Trong số họ, Griezmann không thể nổi trội hơn Coutinho và Messi ở vị trí tiền đạo. Tuy nhiên, Koeman lại giao vị trí chơi sau lưng trung phong cho Messi chứ không phải Griezmann. Nói cách khác, ông muốn dùng Fati nhưng không dám để Messi chơi tiền đạo cánh, vị trí mà Messi bắt đầu từ khi mới lên đội một Barca nhưng sau này đã rời bỏ nó.
Nếu dũng cảm để Griezmann chơi đúng sở trường ở sau lưng trung phong, Coutinho chơi cánh trái, Messi chơi cánh phải và Fati chơi trung phong, cơ cấu hàng công của Koeman chắc chắn sẽ khác và khai thác được tất cả cá nhân mạnh nhất mà Barca đang có. Tuy nhiên, Messi không thích rời bỏ vị trí “linh hồn” hàng công và nói thẳng Koeman chưa dám tuyên chiến thẳng tay với siêu sao này.
Sự nỗ lực của Messi là đáng ghi nhận khi anh lui về rất sâu hỗ trợ phòng ngự, di chuyển nhiều hơn để thể hiện sự cống hiến. Nhưng rõ ràng, Messi đã đuối. Pha đá phạt không qua được hàng rào ở hiệp 2 gặp Real là trận thứ 2 liên tiếp Messi không thể sút phạt qua hàng rào.
Đó là dấu hiệu của tuổi tác thực sự. Và nếu nhìn các cú dứt điểm của Messi, cũng như những lần anh không thể vượt qua sự truy cản của Ramos hay Varane, Casemiro, chúng ta càng hiểu rõ hơn Messi đã ở đâu trên con dốc bên kia của sự nghiệp rồi.
Vấn đề của Koeman đã lộ rõ ở El Clasico này, và nó sẽ còn bộc lộ thêm nữa nếu gặp các đối thủ mạnh tiếp sau từ nay tới cuối mùa giải. Còn vấn đề của Zidane dường như được gỡ bỏ. Thiếu hụt nhân sự vì chấn thương khiến họ thất bại 2 trận gần nhất, nhưng thắng lợi ở El Clasico sẽ nuôi dưỡng lại tinh thần cho họ, đồng thời khẳng định vị thế bất khả xâm phạm của Zidane ở El Clasico trong vai trò HLV.
Thế khó bắt đầu chuyển sang Koeman, và nó sẽ được giải quyết thế nào cũng là tùy Koeman. Đây là thời điểm tốt nhất, khi Messi bắt đầu nhún nhường hơn đợt burofax nhiều lần.
Dù sao El Clasico đầu tiên của mùa giải đã diễn ra quá hay. Điều đọng lại là dòng chữ trên khán đài của Nou Camp, dòng chữ quen thuộc “Mes que un Club” (còn hơn một CLB). Nhìn dòng chữ ấy và xem trận El Clasico, chúng ta chỉ có thể thốt lên “Mes que un partido” mà thôi. Đúng là Mes que un partido, vì El Clasico đêm 24/10 vừa rồi còn hơn cả một trận cầu.