Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trên những bìa báo Xuân xưa, hình ảnh người phụ nữ được khắc họa bằng nét cọ hay ống kính luôn chiếm vị trí trung tâm.
Một thế kỷ, đó là quãng thời gian mà những tờ báo Xuân thực hiện cuộc hành trình của mình trên biển lớn của thời gian mênh mông, của ký ức sâu thẳm với tất cả những chìm nổi mà biến động của thế cuộc tạo thành.
Cuộc hành trình đó có thể không dài nếu đặt lên bàn cân so sánh với lịch sử đồ sộ của cả một nền báo chí, nhưng lại đủ để dạng giai phẩm đặc biệt và độc đáo này để lại những dấu ấn khó phai nhạt trong lòng người Việt qua nhiều thế hệ.
Riêng với miền Nam, kể từ Phụ Nữ Tân Văn 1930 cho đến mãi về sau này, những giai phẩm Xuân đã trở thành một trong những món ăn tinh thần quan trọng của đại bộ phận cư dân xứ sở này, đặc biệt là thị dân Sài Gòn. Mỗi tờ báo Xuân ra đời, bên cạnh sự phong phú về nội dung, nó còn mang những nét thú vị về hình thức.
Đặc biệt nhất đó là khi nhìn ngắm lại “dung nhan” của những giai phẩm Xuân xưa, người ta không khỏi nhận ra một trong những điểm nổi bật nhất đó là hình ảnh của những giai nhân luôn chiếm lĩnh vị trí nổi bật trên bìa báo.
Những khuôn diện tươi tắn, những dáng điệu thướt tha mang đậm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam được khắc họa lại bằng những nét cọ tinh tế hay bằng ống kính nhiếp ảnh như càng làm tăng thêm sức sống, sự trong trẻo và dịu dàng cho mỗi bìa báo Xuân.
Cùng chiêm ngưỡng một số bìa giai phẩm xuân Sài Gòn xưa được trích từ cuốn sách Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa của tác giả Phạm Công Luận.
|
Bìa báo Phụ Nữ Tân Văn Tết 1933. Năm 1930, lần đầu tiên, Phụ Nữ Tân Văn ra mắt giai phẩm Xuân. Đây được ghi nhận như một trong những tờ báo Xuân được phát hành sớm nhất tại miền Nam.
|
|
Bìa báo Sài Gòn Mới xuân Canh Dần 1950 được vẽ bởi họa sĩ Lê Trung. |
|
Bìa báo Dân Thanh phát hành vào dịp xuân Tân Mão 1951. |
|
Giai phẩm Xuân 1951 của báo Tiếng Dội với hình ảnh thiếu nữ bên cạnh chú mèo, con vật cầm tinh của năm Tân Mão.
|
|
Một bìa báo Xuân khác cũng mang chủ đề tương tự được phát hành vào cùng năm 1951, đó là giai phẩm Xuân của báo Sài Gòn Mới do họa sĩ Lê Trung vẽ. Xuất thân từ Trường Mỹ nghệ Gia Định và Mỹ thuật Đông Dương, Lê Trung là một trong những người vẽ bìa báo Xuân nổi tiếng nhất miền Nam thời trước. |
|
Báo Thần Chung Xuân 1951. Có thể thấy trong giai đoạn này, những giai phẩm Xuân được phát hành trong giai đoạn có sự phong phú đáng kể về số lượng cũng như hình thức.
|
|
Báo Nói Thật Xuân Giáp Ngọ 1954 với tranh minh họa bìa mang chủ đề “Thiếu nữ nghênh xuân”
|
|
Thay vì sử dụng tranh vẽ như trước đó, giai phẩm Xuân 1954 của báo Quê Hương đã lần đầu tiên sử dụng ảnh màu do hiệu ảnh Hưng Ký chụp để minh họa bìa.
|
|
Tranh minh họa báo Xuân Ất Mùi 1955 của tờ Tin Điển khá độc đáo khi khắc họa hình ảnh chị em Thúy Vân - Thúy Kiều trong dáng dấp hai thiếu nữ miền Bắc.
|
|
Bìa báo Tiếng Chuông Xuân 1961 cũng do họa sĩ Lê Trung thực hiện. |
|
Tờ Sáng Dội Miền Nam số đặc biệt phát hành vào dịp Xuân Mậu Dần 1962. Vào những thập niên 60 - 70, khi kỹ thuật ảnh màu phát triển, việc minh họa bìa báo Xuân bằng ảnh chụp các người đẹp và các minh tinh nổi tiếng của Sài Gòn cũng trở nên phổ biển hơn.
|
|
Bìa báo Tiếng Chuông Xuân Quý Mão 1963 với chân dung người đẹp Thẩm Thúy Hằng. |