Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo vệ địa đạo Củ Chi - cuộc đua về ý chí để xác định bên thắng cuộc

Quyết tâm chiến đấu dưới lòng đất được thể hiện rõ nhất bằng hình ảnh những du kích Củ Chi.

Sự hình thành hệ thống địa đạo là một bằng chứng về lòng kiên trì, quyết tâm cống hiến và kỹ năng của du kích Củ Chi trong suốt ba mươi năm. Quá trình phát triển hệ thống địa đạo đã trải qua một thay đổi lớn - ban đầu chỉ sử dụng vào mục đích phòng thủ nhưng sau đó lại được dùng làm bàn đạp tấn công. Và khi kẻ thù quyết tâm khuất phục du kích địa đạo, liên tục thay đổi chiến thuật để đánh bật họ khỏi lòng đất, thì họ đã chứng tỏ một quyết tâm mãnh liệt hơn, đối phó lại với những thay đổi chiến thuật. Trong cuộc đọ sức về ý chí dưới lòng đất, du kích địa đạo là những tường thành vững chãi, không bao giờ bị đánh bật.

Trong chiến tranh, có nhiều hệ thống địa đạo khác nhau đã được đào ở nhiều nơi, nhưng địa đạo Củ Chi là ấn tượng nhất. Là một hệ thống rộng lớn (một xa lộ ngầm vào lúc cao điểm có tổng chiều dài 340 cây số, kết nối hầu hết thôn làng lại với nhau), sự hiện diện trong suốt cuộc chiến của hệ thống địa đạo ngay bên rìa của thủ đô quân thù là nguồn cơn của nỗi bẽ bàng lớn đối với chính quyền Sài Gòn cũng như là niềm tự hào bất tận của du kích quân.

Thiếu tướng đã quá cố Trần Hải Phụng, tư lệnh của lực lượng tại địa đạo Củ Chi, đã cho chúng ta một hình dung cơ bản về quy mô của ma trận dưới lòng đất: “Chỉ riêng một hệ thống địa đạo đã rộng tới 16.000 hécta - một khu vực bao gồm sáu ngôi làng”. Địa đạo lớn tới mức người ta đã phải đặt “biển chỉ đường” tại một vài nơi để người mới đến khỏi đi lạc.

Về phía Mỹ, lính chuột chũi ra đời, với nhiệm vụ đột nhập địa đạo, là một dạng binh lính đặc biệt. Họ đi vào một thế giới bí ẩn để đối mặt với kẻ thù, nơi ấy đầy rẫy bất trắc và cái chết đôi khi chỉ ở cách họ vài mét.

Chan tran chi thep anh 1

Lối vào và thoát thực tế của các chiến sĩ ở địa đạo Củ Chi. Ảnh: Nguyen Trang.

“Chúng tôi cố ý thiết kế địa đạo rất phức tạp, vì đây là cách duy nhất để chống lại sự xâm nhập của lính chuột chũi”, tướng Phụng giải thích.

Lính chuột chũi được trang bị đèn pin, súng ngắn, dao - cũng như một tinh thần dũng cảm lớn lao khi đột nhập vào những nơi dễ bị phát hiện. (Ảnh trên, một lính chuột chũi chui ra từ địa đạo với sự giúp sức của đồng đội). Để liên lạc với người trên mặt đất, lính chuột chũi mang theo điện thoại có dây. Một sợi dây được buộc vào cơ thể người lính để người trên mặt đất biết được anh ta đã đột nhập bao xa vào lòng địa đạo.

Bên trong lòng đất, trò chơi mèo vờn chuột bắt đầu giữa lính chuột chũi và du kích quân - với vai “chuột” và “mèo” được hoán đổi. Ông Nguyễn Thành Linh giải thích về sự hoán đổi nhanh chóng giữa vai mèo và chuột: “Khi phát hiện có người đang bám theo mình trong địa đạo, chúng tôi liền nằm im và chờ đợi cơ hội tấn công kẻ đột nhập.

Chúng tôi thường nằm phục ở tầng trên để đón lõng lính chuột chũi đang ở tầng dưới bò lên. Địa đạo được thiết kế để buộc những kẻ đột nhập phải đưa tay lên trước rồi sau đó mới đưa phần thân trên qua lỗ kết nối để chui từ tầng dưới lên tầng trên. Di chuyển bằng cách này khiến lính chuột chũi rất dễ bị tấn công, chúng tôi thường dùng dao đâm hoặc thả một quả lựu đạn xuống tầng dưới vào đúng vị trí đã xác định”. Dù ở hai bờ chiến tuyến nhưng lính chuột chũi và người phòng thủ địa đạo luôn tôn trọng nhau. (Ảnh bên, một lính Việt Nam đang phục chờ lính chuột chũi).

“Lính chuột chũi thực hiện một nhiệm vụ rất nguy hiểm”, tướng Phụng giải thích. “Khi chui vào địa đạo thì họ có hai nhiệm vụ: thứ nhất, tìm kiếm tài liệu, đồ quân nhu, vũ khí hoặc bất cứ thứ gì có giá trị tình báo; thứ hai, nghiên cứu cách thức hiệu quả nhất để đánh dưới hầm ngầm. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn, không chỉ bởi họ phải thường xuyên xoay xở trong không gian chật hẹp mà còn bởi bộ đội của chúng tôi luôn phục chờ họ… Sau chiến tranh, tôi đã gặp một đại tá Mỹ; ông ta lắc đầu và bảo rằng không thể nào đánh nhau với chúng tôi dưới địa đạo”.

Sự sáng tạo của Việt Cộng tại Củ Chi không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống địa đạo. Họ còn làm bẫy đặt trên mặt đất ở những lối dẫn tới đường hầm. Nếu người Mỹ sáng tạo ra phương cách để phát hiện bẫy, du kích quân sẽ thay đổi loại bẫy hoặc cách thức đặt bẫy. Điều này đã dẫn tới việc quân du kích đặt bẫy ở những nơi mà trực thăng Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng làm bãi đáp.

Quyết tâm của Việt Cộng - “chí thép” của họ - trong việc bảo vệ Củ Chi hiện lên qua lời giải thích của ông Lâm: “Chúng tôi biết quân địch luôn quyết tâm tìm và phá hủy hệ thống địa đạo. Họ, cũng như chúng tôi, biết rõ những gì diễn ra ở Củ Chi, cũng như diễn tiến của chiến tranh; địa đạo còn, chúng tôi sẽ thắng; địa đạo mất, người Mỹ sẽ thắng. Thế nên chúng tôi quyết tâm không để mất dù chỉ một phân địa đạo. Đó là một cuộc đua về ý chí mà hệ quả của nó là hàng loạt trận chiến kịch liệt. Chúng tôi đã hy sinh rất nhiều để giành thắng lợi”.

James Zumwalt / First News - NXB Tổng hợp T.PHCM

SÁCH HAY