Báo Trung Quốc dọa dùng vũ lực với Triều Tiên
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, quan hệ Trung - Triều đang bị ảnh hưởng bởi các vụ bắt cóc ngư dân. Và Bắc Kinh cần đặt ra các quy tắc cho Bình Nhưỡng, nếu không “dạy” được bằng lời thì phải dùng hành động.
Đầu tháng 5, tàu cá Liêu Ninh mang số hiệu 25222 của Trung Quốc đã bị Triều Tiên bắt giữ. Sau khi có sự can thiệp của Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên, Bình Nhưỡng mới chịu thả người.
Chủ tàu cá thẳng thừng phủ nhận đã đi qua biên giới Triều Tiên khi vụ bắt giữ diễn ra. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, các vụ bắt giữ kiểu này đã diễn ra thường xuyên thời gian qua. Rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã bị Bình Nhưỡng bắt giữ mặc dù chúng không vượt qua khu vực biên giới. Triều Tiên luôn yêu cầu chủ tàu phải trả một lượng tiền phạt tùy theo mức độ giá trị của con tàu.
Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động đánh bắt cá. |
Ngược với vụ một ngư dân Đài Loan mới bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bắn chết hôm 9/5, giữa Trung Quốc và Triều Tiên không tồn tại xung đột lãnh thổ. Dường như lực lượng quân cảnh Triều Tiên đang sử dụng “tình trạng mơ hồ” về hải giới để “kiếm chác”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định, không giống như quan hệ song phương Trung - Nhật hay Trung - Phi, Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Do vậy, những vụ việc này xảy ra đi ngược lại với đại cục của quan hệ song phương Bắc Kinh - Bình Nhưỡng. Dường như những bất đồng giữa Trung Quốc và Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng được cho là một lý do khiến nước này hành động như vậy. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu khẳng định, cũng có nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn Bắc Kinh chưa đưa ra quan điểm đủ cứng rắn để “dằn mặt” Bình Nhưỡng đối với những sự vụ trước đây.
Tờ báo cho rằng, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hành động như vậy, Trung Quốc cần phản ứng cứng rắn hơn. Bắc Kinh không cần phải lo lắng quá nhiều về đại cục quan hệ song phương. Chúng ta phải để phía Triều Tiên thấy được chúng ta đang tức giận. Các nhà chức trách Trung Quốc nên chú ý nhiều hơn tới những “phá hoại chính trị” do những vụ bắt cóc ngư dân này gây ra. Nếu Bắc Kinh không đặt ra quy tắc với Bình Nhưỡng, hình ảnh của Chính phủ Trung Quốc sẽ bị xem là quá yếu đuối trong việc xử lý các vấn đề hàng hải. Cần có nhận thức chung rằng, quan hệ Trung - Triều có ý nghĩa với Triều Tiên nhiều hơn là với Trung Quốc. Nếu không “dạy” Triều Tiên bằng “từ ngữ” được, thì phải dùng hành động.
Lịch sử đụng độ Trung - Triều trên biển
Trong thập kỷ qua, Triều Tiên đã một số lần bắt giữ các tàu cá Trung Quốc. Các vụ đụng độ trên biển cũng đã khiến một số tàu cá nước này bị chìm. Tổng cộng có 4 vụ, liên quan tới gần 30 tàu cá và thủy thủ đoàn.
Năm 2004, Bình Nhưỡng bắt giữ 20 tàu cá và làm chìm 2 tàu. Một người đã bị chết trong sự vụ này, và tổn thất của nó lên tới 800.000 USD.
Tháng 5/2005, một tàu quân sự Trung Quốc va chạm với các tàu cá Trung Quốc trong một số ngày, và hệ quả là 3 tàu cá bị chìm, 10 người mất tích. Tháng 10/2011, một tàu tuần tra Triều Tiên va chạm với tàu Trung Quốc và 3 ngư dân đã thiệt mạng trong khi 3 thủy thủ khác cũng bị bắt giữ 8 ngày. Tháng 5/2012, Bình Nhưỡng cũng bắt giữ 28 ngư dân Trung Quốc và 3 tàu trong vòng 13 ngày.
Trung Quốc lần đầu tiên kêu gọi trừng phạt Triều Tiên
Trung Quốc kêu gọi thực hiện đầy đủ và nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, sau khi nước này phóng một loạt 6 tên lửa trong 3 ngày liên tiếp.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc quyết tâm hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm và bổn phận của mình một cách trung thực liên quan đến vấn đề nói trên.
Ngoài ra, Phát ngôn viên Hồng Lỗi cũng tái khẳng định Bắc Kinh luôn ủng hộ đối thoại, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Thanh Hương
Theo Infonet