Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bão tố bủa vây năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden

Sau một năm cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, phần lớn cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử cũng như ngày tuyên thệ vẫn chưa được thực hiện.

Một năm trước, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. So với những lần tuyên thệ trước, buổi lễ hôm đó vắng lặng bất thường do các hạn chế bởi đại dịch Covid-19.

Tại khán đài bên ngoài Điện Capitol, ông Biden điểm tên 4 cuộc khủng hoảng mà người Mỹ đương đầu: Virus corona, biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế, bất bình đẳng chủng tộc.

Và dù không được ông Biden trực tiếp nhắc tới, người Mỹ đối mặt thêm một cuộc khủng hoảng khác, đó là một đất nước chia rẽ chưa từng có, trong bối cảnh chỉ hai tuần trước lễ tuyên thệ, người biểu tình xông vào đập phá Điện Capitol, theo Guardian.

Không thể thoát khỏi Covid-19

Cam kết khi nhậm chức của Tổng thống Biden là giải quyết mối đe dọa từ đại dịch Covid-19. Và trong một quãng thời gian nhất định năm đầu nhiệm kỳ, diễn biến dường như đúng theo những gì ông hứa hẹn.

Đầu mùa hè 2021, tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ tăng nhanh, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ. Phát biểu đầy lạc quan trong lễ độc lập 4/7/2021, Tổng thống Biden khẳng định nước Mỹ "đang tiến gần hơn bao giờ hết tới ngày tuyên bố độc lập với virus chết chóc".

Nhưng sau đó biến chủng Delta xuất hiện, và tiếp đến là biến chủng Omicron với khả năng lây nhiễm vượt trội. Tổng thống Biden phải tái siết chặt di chuyển của người dân nhưng không thể làm chậm đà lây lan của virus.

Những tuần gần đây, số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ liên tiếp lập kỷ lục, kéo theo đó là số bệnh nhân nhập viện và tử vong tăng nhanh hơn bao giờ hết.

Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: Reuters.
tong thong biden anh 2
tong thong biden anh 2

Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở New York. Ảnh: Reuters.

Tại Mỹ lúc này, các trung tâm xét nghiệm kín người xếp hàng chờ, trong khi dụng cụ xét nghiệm tại nhà thiếu hụt trầm trọng, khiến Nhà Trắng bị chỉ trích vì không chuẩn bị đủ nguồn cung.

Trong khi đó, quan chức y tế liên bang đưa ra những hướng dẫn lộn xộn khiến người dân hoang mang và thất vọng.

Trong mắt cử tri, cách chống dịch của chính quyền Biden đang mất điểm nghiêm trọng, làm giảm sút tổng thể sự ủng hộ của người dân dành cho đương kim tổng thống.

Ông Biden vừa qua đã mua một tỷ bộ xét nghiệm Covi-19 tại nhà, đồng thời yêu cầu các công ty bảo hiểm tư nhân thanh toán chi phí 8 dụng xét nghiệm mỗi tháng cho người dân.

Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch sản xuất khẩu trang "chất lượng cao" miễn phí cho người Mỹ và dự định triển khai các đơn vị quân y hỗ trợ hệ thống bệnh viên hiện quá tải do thiếu giường bệnh và nhân viên.

Thông qua đạo luật Sản xuất Quốc phòng, chính quyền Tổng thống Biden phối hợp với các hãng dược phẩm tăng sản lượng thuốc kháng virus để đáp ứng thị trường.

Hơn 200 triệu người Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, khoảng 77 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Tuy vậy, nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục vấp phải trở ngại bởi chia rẽ đảng phái và những thông tin sai sự thật.

Tuần qua, tòa án tối cao ra phán quyết ngăn chính quyền Biden thi hành chính sách bắt buộc tiêm chủng hoặc xét nghiệm tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phán quyết cho phép áp dụng tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế.

Cuộc chiến với biến đổi khí hậu bế tắc

Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Biden hứa sẽ quan tâm tới "lời kêu cứu" của Trái Đất bằng cách dẫn dắt một nỗ lực chưa từng có ở quy mô toàn cầu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, những kế hoạch khí hậu tham vọng của ông đã rơi vào bế tắc bởi chia rẽ tại Thượng viện. Các dự luật chi tiêu mạnh tay cho năng lượng tái tạo của Nhà Trắng bị giới lập pháp ở các bang sản xuất năng lượng hóa thạch ngáng đường.

Tại COP26 Glasgow năm ngoái, ông Biden cam kết Mỹ sẽ cắt giảm 50% khí thải nhà kính vào năm 2030. Nhưng do không thể thông qua dự luật Build Back Better trị giá 2.000 tỷ USD, gần như chắc chắn Mỹ sẽ không hoàn thành được cam kết nói trên.

Theo Axios, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Klaine miêu tả Build Back Better "đã chết". Không có dự luật này, chính quyền Biden sẽ phải dựa vào các quy định dưới luật để phục vụ mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Những quy định như thế có thể bị đảo ngược dễ dàng bởi người kế nhiệm.

Trong năm nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Biden đưa biến đổi khí hậu thành một ưu tiên.

tong thong biden anh 3

Đám cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử bang Colorado xảy ra cuối tháng 12. Ảnh: AP.

Tổng thống Biden sử dụng thẩm quyền hành pháp đảo ngược nhiều chính sách năng lượng và môi trường của người tiền nhiệm. Trong ngày đầu nhiệm kỳ, ông Biden đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trên trường quốc tế, nước Mỹ của Tổng thống Biden đóng vai trò lớn hơn trong các tiến trình ứng phó biến đổi khí hậu, dù rằng chưa đạt được dàn xếp đáng kể nào.

Tháng 4/2021, ông chủ Nhà Trắng triệu tập hội nghị toàn cầu nhằm gây sức ép buộc lãnh đạo các quốc gia cam kết cắt giảm khí nhà kính mạnh mẽ hơn, nhằm tái khẳng định vị thế lãnh đạo của Mỹ.

"Biến đổi khí hậu là thách thức chung đối với cuộc sống của chúng ta, là mối đe dọa hiện hữu với con người, mỗi ngày chúng ta trì hoãn khắc phục hậu quả, cái giá sẽ càng đắt đỏ", ông Biden phát biểu tại COP26.

Những tháng tới sẽ là khoảng thời gian sống còn cho mục tiêu khí hậu của Tổng thống Biden. Và nếu đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Quốc hội sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, mọi kế hoạch tham vọng của ông Biden sẽ rơi vào ngõ cụt.

Điểm sáng kinh tế

Sau 12 tháng cầm quyền, kinh tế Mỹ có cái được, có cái mất. Hết năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng 50 năm, thị trường chứng khoán liên tiếp xô đổ các kỷ lục, nền kinh tế Mỹ thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ngày ông Biden bước vào Nhà Trắng, tỷ lệ thất nghiệp là 6,3%. Sau một năm, 6,4 triệu việc làm đã được tạo ra, nhiều hơn năm đầu của bất cứ tổng thống Mỹ nào trong lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp hiện đã giảm xuống chỉ còn 3,9%.

Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tăng mạnh giúp nền kinh tế tăng trưởng 7% trong quý IV/2021. Thu nhập của người lao động Mỹ cũng đi lên. Mức lương theo giờ ghi nhận trong tháng 12 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

tong thong biden anh 4

Thị trường chứng khoán Mỹ có một năm khởi sắc. Ảnh: WSJ.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến một năm thăng hoa. Chỉ số S&P 500 tăng 29% với 70 lần lập đỉnh mới.

Tuy nhiên không phải tất cả đều mang màu hồng. Số việc làm tại Mỹ hiện vẫn thấp hơn thời điểm trước đại dịch là 3,6 triệu. Nhiều chủ doanh nghiệp chật vật kiếm nhân công bởi lao động không muốn quay trở lại làm việc.

Đáng lo ngại nhất lúc này là lạm phát năm 2021 tăng 7%, mức tăng trong 12 tháng cao nhất trong vòng 40 năm. Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều hàng hóa thiếu hụt.

Bất bình đẳng xã hội còn đó

Đến nay, ông Biden vẫn chưa hiện thực hóa được phần lớn các cam kết tranh cử về bất bình đẳng xã hội.

Một số cam kết đã được hoàn thành như gói cứu trợ Covid-19 ban đầu trị giá 1.900 tỷ USD trong đó có 5 tỷ USD hỗ trợ nông dân da màu.

Chính quyền của ông Biden có sự tham gia của nhiều thành phần sắc tộc nhất trong lịch sử.

Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland là người Mỹ bản địa đầu tiên giữ chức thành viên nội các. Kamala Harris là phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhiệm chức phó tổng thống, dù rằng tỷ lệ tín nhiệm của bà hiện đã xuống thấp hơn cả Tổng thống Biden.

tong thong biden anh 5

Ông Biden chưa thể hoàn thành các cam kết xóa bỏ bất bình đẳng xã hội. Ảnh: AFP.

Tuy vậy, lời hứa cải tổ lực lượng cảnh sát đang rơi vào bế tắc. Trong thời gian tranh cử, ông Biden cam kết thành lập ủy ban giám sát cảnh sát quốc gia trong vòng 100 ngày sau khi nắm quyền. Lời hứa này đã trôi vào dĩ vãng.

Thảo luận về dự luật Cảnh sát nhằm hạn chế việc sử dụng vũ lực quá mức, chấm dứt các kỹ thuật khống chế có nguy cơ gây chết người như trong vụ George Floyd, đã sụp đổ hồi tháng 9/2021.

Đáng chú ý nhất là Tổng thống Biden không thể huy động đủ sự ủng hộ để thông qua một dự luật giúp ngăn cản các tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo ban hành các quy định mới về bầu cử mà phe Dân chủ cáo buộc có khả năng hạn chế quyền bỏ phiếu của người da màu.

Những người chỉ trích cho rằng chính quyền ông Biden đã hành động quá chậm và không đủ quyết tâm như khi họ thúc đẩy thông qua luật Cơ sở hạ tầng.

"Trong đêm chiến thắng, Tổng thống Biden nói người da màu đã ủng hộ ông và tổng thống sẽ hỗ trợ người da màu. Nhưng có vẻ là chúng ta đã bị đâm sau lưng", nhà hoạt động Al Sharpton tuyên bố trong một cuộc vận động ủng hộ quyền bầu cử hồi tháng 8/2021.

"Trong suốt một năm, các nhà hoạt động làm mọi cách cầu xin Nhà Trắng dành mọi tâm huyết để bảo vệ quyền bỏ phiếu, tất cả chỉ được đáp lại bởi sự im lặng", Charles Blow, cây bút của New York Times, viết.

Đất nước ngày càng chia rẽ

Phát biểu trên bục tuyên thệ, ông Biden hứa hẹn với người Mỹ sẽ khôi phục linh hồn đất nước, đoàn kết tất cả người dân bất kể đảng phái, bảo vệ những giá trị truyền thống của nước Mỹ.

Gần một năm sau, cũng tại đại sảnh của Điện Capitol, Tổng thống Biden phát biểu với một tông giọng đã rất khác.

"Tôi sẽ không cho phép bất cứ ai kề dao vào cuống họng nền dân chủ của chúng ta", thông điệp này giống như tín hiệu của một nhận thức mới từ phía ông chủ Nhà Trắng, rằng thay vì tìm cách hàn gắn chia rẽ với phe Cộng hòa, từ nay ông Biden sẽ so găng tới cùng với phe bảo thủ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden nhiều lần nói ông sẽ trở thành tổng thống của người từ cả hai đảng, thay vì chỉ là một tổng thống của đảng Dân chủ.

tong thong biden anh 6

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Nhưng dù đảng Cộng hòa đã hợp tác và thông qua đạo luật Cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, phe bảo thủ tiếp tục từ chối ủng hộ nhiều dự luật tham vọng khác như về khí hậu hay quyền bầu cử.

Đảng Cộng hòa lúc này vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của cựu Tổng thống Donald Trump. Suốt 12 tháng qua, ông Trump chưa bao giờ thôi những cáo buộc về gian lận bầu cử.

Những người ủng hộ ông Trump, tin vào cáo buộc gian lận bầu cử, đang chạy đua các vị trí lãnh đạo tiểu bang có thể giúp họ nắm quyền ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử sau này. Điều này đồng nghĩa kết quả bầu cử trong tương lai hoàn toàn có khả năng bị đảo ngược nếu diễn biến của năm 2020 lặp lại.

Sứ mệnh hàn gắn đất nước của Tổng thống Biden đang lung lay trước thực tế một quốc gia chia rẽ sâu sắc ở hai đầu chính trị đảng phái. Đại dịch Covid-19, tranh cãi về quy định đeo khẩu trang và tiêm chủng bắt buộc càng khiến chia rẽ thêm trầm trọng.

Và lúc này, khi bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, cựu Tổng thống Trump bắt đầu khởi động các chiến dịch vận động cử tri, báo hiệu khả năng ông Trump có thể một lần nữa chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Bài liên quan

Duy Anh