"Từ anh hùng thành không gì cả (from hero to zero)" là cách mà AFP miêu tả về công cuộc chống dịch của Uruguay.
Từng đối mặt với tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, đến mức xe cấp cứu xếp hàng dài để chở bệnh nhân, Uruguay trở thành một tấm gương sáng về việc kiểm soát Covid-19 trong đại dịch.
Tháng 6/2020, chính phủ Uruguay tuyên bố nước này không còn dịch Covid-19 chỉ sau vài ngày không có bất kỳ ca mắc mới nào. Đất nước 3,5 triệu dân dường như là một hòn đảo tách biệt, trong khi thế giới còn đang vật lộn với đại dịch.
Nhưng kể từ đó cho đến tháng 4, bức tranh toàn cảnh đã thay đổi.
Chính phủ Uruguay đang đặt hy vọng đánh bại tỷ lệ nhiễm coronavirus kỷ lục thế giới trong chiến dịch vắc xin. Ảnh: AFP. |
Các số liệu của AFP cho thấy tỷ lệ lây nhiễm ở Uruguay trong hai tuần qua là 1.390/100.000 người. Cho đến nay, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới, không quốc gia nào có số ca nhiễm vượt 1.000 trên mức 100.000 dân.
Về con số tuyệt đối, Uruguay đang ghi nhận khoảng 3.000 ca mắc mới và trung bình 50 ca tử vong mỗi ngày.
Nước này cũng có tỷ lệ tử vong cao thứ năm thế giới, với 20,64/100.000 người nhiễm bệnh trong hai tuần, cao nhất ở khu vực Mỹ Latin.
Covid-19 trở thành nguyên nhân chính gây tử vong ở Uruguay, mặc dù quốc gia này có tỷ lệ tử vong trên đầu người ít hơn so với các nước láng giềng Brazil và Argentina.
Hôm 15/4, Uruguay có số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày cao kỷ lục: 79; qua đó nâng tổng số người qua đời vì đại dịch của nước này lên gần 1.800 người.
73% số giường của khu chăm sóc hồi sức tích cực (ICU) đã kín người, và hơn một nửa trong số đó là dành cho bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ luôn trong tình trạng kiệt sức.
Điều gì đã xảy ra?
Vào tháng 9/2020, tạp chí y khoa BMJ tuyên bố: "Uruguay đang giành chiến thắng trước Covid-19".
Trước đó, chính phủ Uruguay được đánh giá cao vì hành động nhanh chóng trong việc tạm thời đóng cửa các trung tâm mua sắm, quán bar và trường học, cũng như biên giới dài gần 1.000 km với Brazil.
Theo BMJ, những biện pháp trên giúp quốc gia có dân số già nhất ở Mỹ Latin thêm thời gian chuẩn bị các bệnh viện và hệ thống xét nghiệm của mình.
Không như các quốc gia khác, Uruguay chưa từng giãn cách xã hội, mà người dân tự nguyện ở nhà trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đã chọn cung cấp dịch vụ giao hàng để tránh mọi người tụ tập đông người.
"Quá tự tin và lơi lỏng nhận thức về rủi ro là hai yếu tố chính khiến Uruguay đánh mất lợi thế từ đầu", nhà virus học Santiago Mirazo từ trường Universidad de la República - đại học lâu đời nhất của Uruguay - nói.
Ông giải thích trong năm 2020, chính phủ nhanh chóng cô lập các ổ dịch bằng cách kiểm tra và truy vết rất hiệu quả. Nhưng theo thời gian, việc quản lý dân ngày càng trở nên lỏng lẻo.
Tại đỉnh điểm của đại dịch hiện nay, các quán bar và nhà hàng vẫn mở cửa, mặc dù các trường học và một số cơ quan công quyền đã đóng cửa. Các lễ hội và buổi hòa nhạc cũng bị hủy bỏ.
Một yếu tố chính dẫn đến sự bùng phát nhanh chóng của Uruguay là do nước này ở gần Brazil, nơi đại dịch đang hoành hành nghiêm trọng suốt nhiều tháng bởi làn sóng lây nhiễm mới do biến thể P1 gây ra.
Tại thủ đô Montevideo của Uruguay, cách điểm biên giới gần nhất khoảng 400 km, khoảng 60% ca nhiễm có liên quan đến biến thể P1.
Uruguay chưa từng phong tỏa trong đại dịch. Ảnh: MercoPress. |
Quyết không phong tỏa
Bất chấp những lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, Tổng thống trung hữu Luis Lacalle Pou kiên định bác bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc.
Thay vào đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân. "Đó là một vấn đề về nguyên tắc," ông phát biểu vào tháng trước.
Nhưng ngay cả các đối tác liên minh của đảng Quốc gia cầm quyền cũng bắt đầu kêu gọi hành động mạnh mẽ, nếu không thì tình hình sẽ càng ngày tồi tệ.
Theo một báo cáo gần đây của công ty thăm dò dư luận Factum, 3/4 người Uruguay tin rằng cần có thêm các biện pháp phòng dịch. GUIAD, một nhóm các nhà khoa học theo dõi dữ liệu về dịch Covid-19, cho biết chỉ có các biện pháp nghiêm ngặt mới hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm.
GACH, nhóm khoa học tư vấn cho chính phủ, đề nghị dừng các nghi lễ tôn giáo và các giải đấu thể thao, cũng như đóng cửa các quán bar và nhà hàng.
Họ cũng đề xuất các hạn chế chặt chẽ hơn đối với những người nhập cảnh vào Uruguay. Khu vực biên giới bị đóng cửa từ tháng 3/2020, nhưng lại có ngoại lệ đối với công dân và du khách quốc tế trong các trường hợp cụ thể.
Những đề xuất này bị chính phủ bác bỏ. Nhà chức trách đang đặt hết hy vọng vào chiến dịch tiêm chủng của Uruguay.
Trong chương trình tiêm chủng, Uruguay là nước có sự tiến triển khả quan thứ hai ở Nam Mỹ, sau Chile, với gần 1/3 dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin kể từ tháng 3.
7% người dân Uruguay đã được tiêm đủ hai liều vaccine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ và người dân vẫn phải hết sức thận trọng.
Chuyên gia Mirazo cho biết: "Không quốc gia nào trên thế giới có thể hạn chế lây nhiễm mà không áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt. Đây là kinh nghiệm thực tế".