Mascaro viết: "Luis Enrique hoàn toàn không ưa cánh báo chí. Chính xác hơn là từ thời cầu thủ, ông ấy chưa từng có thiện cảm với cánh phóng viên. Ghét của nào trời trao của đấy, bây giờ Enrique phải đối mặt với báo chí 4 lần mỗi tuần, trước và sau các trận đấu".
Là một nhà báo gạo cội, Mascaro đã chỉ ra đặc điểm của nghề. Ông khẳng định truyền thông khai thác từng lời nói, cử chỉ và cả biểu hiện nhỏ nhất trên khuôn mặt của HLV, đặc biệt là HLV đội bóng lớn như Enrique.
Truyền thông luôn tỏ ra căng thẳng, ngạo mạn khiến người khác phải dè chừng. Và theo cảm nhận của Mascaro, HLV người xứ Asturi không tự thiết lập cho mình một bộ quy tắc ứng xử báo chí, cho nên ông chọn né tránh bằng việc coi mình ở thế bề trên so với cánh phóng viên. Enrique thực sự coi phóng viên là đám đông phiền toái.
Qua mỗi buổi họp báo, mức độ ngạo mạn của Luis Enrique lại tăng lên. Ví dụ theo Mascaro quan sát trong buổi họp báo hôm qua, mọi câu hỏi dành cho Enrique đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Người ta hỏi Enrique về Aleix Vidal, ông cảm thấy phiền phức. Chuyển sang hỏi về Neymar, Enrique cũng chẳng muốn trả lời.
Gần như mọi vấn đề mà cánh phóng viên muốn khai thác đều kích động Enrique giận dữ rồi tạo ra tấm khiên phòng vệ. Mascaro cho rằng Enrique dường như muốn tạo lập một thế giới lý tưởng, nơi báo chí bị xóa sổ. Phó tổng biên tập của Sport khẳng định: "Thật may, thế giới đó là điều không tưởng, ít nhất trong tương lai gần".
HLV Luis Enrique không được lòng cánh báo chí. Ảnh: FC Barcelona. |
Tại buổi họp báo hôm thứ sáu, Luis Enrique khẳng định ông không có thói quen đọc báo, vì đó là thói quen xấu. Nhưng trong bài viết, Mascaro tin rằng Luis Enrique nên bỏ chút thời gian để đọc báo, vì báo chí rất ít khi nói lời dối trá. Báo giới Tây Ban Nha, đặc biệt là tờ Sport, không hay chỉ trích theo một mô-típ nhàm chán.
Kết thúc bài viết, Mascaro khẳng định: "Hai năm qua, tờ Sport đã khen Luis Enrique rất nhiều lần".
Hồi tháng 1/2015, bên trong cuộc khủng hoảng sâu sắc của Barcelona, ông Mascaro cũng từng có bài kêu gọi Luis Enrique thay đổi thái độ với báo chí. Ông khẳng định báo chí không phải là thủ phạm gây ra các cuộc xung đột nội bộ. Luis Enrique cần rạch ròi điều này.
"Báo chí không bịa ra cái gì cả. Cuộc đối đầu giữa Messi và Enrique là có thật. Cực kỳ gay gắt là đằng khác, cho dù bây giờ, để bảo vệ lợi ích của CLB, mọi người đều muốn làm xoa dịu tình hình. Tất cả mọi người đều làm thế, trừ Luis Enrique, người luôn nhìn thấy những bóng ma nơi chẳng có bóng ma nào cả”, Mascaro viết.
Phó Tổng Biên tập của tờ Sport nêu rõ kinh nghiệm cho thấy việc đối đầu với báo chí không phải là một giải pháp và HLV Enrique không thể tỏ ra trịch thượng trước các phương tiện truyền thông.
“Không thể nói mọi thứ đều là một sự bịa đặt và không thể nói mình không muốn đổ thêm dầu vào lửa của các cuộc tranh cãi trong khi khuôn mặt, cử chỉ và thái độ lại phản ánh một tinh thần hoàn toàn ngược lại”, Mascaro kết luận.
Hôm chủ nhật tuần trước, khi phóng viên Victor Malo của tờ Diario Gol hỏi rằng phải chăng thể lực sa sút là nguyên nhân dẫn tới thất bại của Barca, ông Enrique giận dữ ra mặt và nói với nhà báo này. “Họ của anh là gì?”, Enrique hỏi. “Malo”, nhà báo đáp lại. “Chính xác rồi, hãy hỏi câu tiếp theo đi”, Enrique nói.
“Malo” dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “Đồ tồi”.
Theo Planet Football, ứng xử của HLV trước truyền thông thường chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 thường phát biểu lọt tai và luôn xoa dịu báo chí như Jorge Valdano hay Pep Guardiola. Trong khi đó, nhóm 2 thường gây ra tranh cãi qua từng lời nói. Đại diện của nhóm này là HLV Jose Mourinho. Đặc điểm chung của hai nhóm là các HLV đều tài năng và ứng xử cực kỳ khéo léo, hoặc thủ đoạn.
Ngoài ra còn tồn tại một nhóm thứ 3, tập hợp các HLV ăn nói rất kém mỗi khi trả lời truyền thông. Họ không có chiến lược để đối phó với những câu hỏi từ báo chí nên chính bản thân họ trở thành đối tượng dễ bị kích động. Điển hình trong nhóm này là Louis van Gaal và Luis Enrique.