Sáng 24/12, tại hội nghị ứng phó với bão Tembin do Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khoảng 22h ngày 23/12, bão Tembin đi vào khu vực Biển Đông. Bão đang mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15 và có xu thế mạnh thêm.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương. Ảnh: Thắng Quang. |
Bão Tembin có thể tương đương bão Linda năm 1997
“Hoàn lưu cơn bão rộng, xoáy bão tương đối hoàn chỉnh, đĩa mây lệch về phía tây và nam. Vùng gió mạnh chủ yếu ở phía bắc so với tâm bão”, ông Cường nói.
Theo mô hình dự báo thời tiết của một số nước, bão vẫn đang di chuyển chủ yếu theo hướng tây, nhắm thẳng vào vùng biển Nam Bộ. Sau khi đi qua đảo Trường Sa lớn, bão Tembin mạnh dần lên rồi giảm cấp, tốc độ di chuyển nhanh.
Mô hình dự báo bão của cơ quan khí tượng Hong Kong cho thấy bão Tembin tăng cấp 13 khi vào đảo Trường Sa lớn, cấp độ bão giảm không nhanh. “So với dự báo ngày 23/12, bão đang lệch hơn về phía nam, các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vẫn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão”, ông Cường nhấn mạnh.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 16. Dữ liệu: NCHMF. Đồ hoạ: Nhân Lê. |
Cũng theo vị Giám đốc, dự báo các nước cho thấy bão vẫn giữ cấp 10-11 khi đổ bộ vào đất liền vào đêm 25, rạng sáng 26/12. Song từ chiều tối 26/12, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bình Thuận, Vũng Tàu, TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long… có gió mạnh trên cấp 6.
Bên cạnh đó, ông Cường lưu ý thêm tâm bão đang dịch chuyển thấp hơn, nên vùng Biển Tây nằm trong vùng ảnh hưởng. Khu vực này có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 sau khi bão vào đất liền.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng bão Tembin mạnh cấp 13 trên quần đảo Trường Sa, gây sóng lớn trên 10 m. Ngoài khơi các tỉnh Nam Bộ có sóng cao 6-8 m, nước dâng do bão gần 1 m.
Đây là cơn bão cuối mùa, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Cường độ ngày càng mạnh hơn và có thể tương đương bão Linda năm 1997, bão Durian năm 2006 với rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ lớn nhất xảy ra trong khu vực).
Một số tàu thuyền chưa liên lạc được
Sáng nay, theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đến 6h ngày 24/12, các địa phương ven biển đã thông báo đến 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động neo đậu, trú tránh ở nơi an toàn. Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Kiên Giang đã ban hành lệnh cấm biển từ chiều 23/12.
Về công tác sơ tán dân, các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người. Một số địa phương đang dự kiến cho học sinh nghỉ học từ 25 đến 26/12.
Đại diện Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh Nam Bộ là khu vực chính nuôi trồng thủy sản, lớn nhất trong toàn quốc. Hiện 6 tàu thuyền khai thác vẫn nằm trong đường di chuyển của bão. "Một số hồ chứa đang tích nước và đã đầy. Khu vực Nam Trung Bộ có 61 hồ chứa xung yếu, Đông Nam Bộ có 4 hồ chứa xung yếu", vị này cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp. Ảnh: Trà My. |
Bên cạnh đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết các địa phương đã đồng loạt ra quân quyết liệt, lên phương án ứng phó bão số 16. Song, hiện nay, một số tàu thuyền chưa liên lạc.
“Việc neo đậu không đảm bảo kỹ thuật, tàu thuyền có thể bị chìm. Ngoài ra, người dân có thể chủ quan, không chịu lên bờ”, ông Hoài đề nghị các cơ quan chức năng cần đôn đốc thực hiện, nếu các khu neo đậu không đủ công suất, có thể cho tàu thuyền đi sâu vào đất liền.
Trong khi đó, khu vực Nam Bộ có nhiều công trình, đặc biệt là đê điều đang thi công. "Đồng bào dân tộc ở khu vực Nam Bộ lại đang bước vào mùa lễ hội truyền thống, đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo vào dịp Giáng sinh. Điều này có thể ít nhiều tác động đến công tác ứng phó với bão Tembin", ông Hoài nhấn mạnh.
Quyết liệt di dời người dân
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lưu ý xu thế lệch nam của cơn bão tác động đến vùng Nam Bộ dễ bị tổn thương, đặc biệt biển Tây.
“Trong trưa mai, phải di dời tất cả người dân trên các lồng bè lên bờ. Đến tối mai vẫn còn thì kiên quyết cưỡng chế. Giờ phải nỗ lực rất cao để kiểm soát tất cả tình hình, không để thiệt hại về người”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý xu thế thế lệch nam của bão, tác động đến các vùng rất dễ bị tổn thương, sạt lở dài, nhiều đảo, trong đó có Phú Quốc, Nam Du và các đảo đông dân cư.
“Nếu lệch Nam như dự báo của Đài khí tượng Nhật Bản khi sang vùng biển phía tây vẫn còn cấp 9 thì có nguy cơ vào rất sâu khu vực ĐBSCL. Đây là nơi có hoạt động tàu bè trên sông, kênh rạch rất lớn, đặc biệt là sông Hậu, chợ nổi Cái Răng, trong khi nhà cửa rất yếu”, Thứ trưởng lưu ý.