Được Chính phủ cử sang Liên Xô để học công nghệ chế biến sữa, sau khi trở về nước vào năm 1976, nữ kỹ sư trẻ Mai Kiều Liên làm việc tại một công ty sữa quốc doanh mới ra đời. Trong vòng một năm bà trở thành nhà quản lý. 5 năm sau bà trở thành phó giám đốc một nhà máy và năm 1993 bà bắt đầu điều hành Vinamilk.
Sự táo bạo của người tiên phong
Bà Liên đưa công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2003. Sau đó bà biến tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam thành doanh nghiệp ngôi sao của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Từ một công ty chỉ sản xuất sữa đặc tại 2 nhà máy, giờ đây Vinamilk có mức vốn hóa thị trường đạt 9,4 tỷ USD.
Nữ tổng giám đốc đạt thành tựu đó bằng cách tăng tốc độ sản xuất và áp dụng phong cách quản lý quốc tế, Forbes nhận xét. Năm nay Vinamilk lần đầu tiên lọt vào danh sách 50 công ty hàng đầu châu Á do Forbes bình chọn (Fab 50), và cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách những công ty hàng đầu châu Á hàng năm của Forbes từ năm 2005 tới nay.
Bà Liên là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes. Ảnh: Forbes. |
Là mục tiêu hàng đầu của những nhà đầu tư nước ngoài muốn hưởng một phần lợi ích từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Việt Nam, hồi tháng 7, Vinamilk củng cố danh tiếng bằng việc trở thành tập đoàn lớn đầu tiên trên thị trường chứng khoán nâng mức giới hạn đối với vốn sở hữu nước ngoài trên mức 49% (vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ 45%). Quyết định đó khiến giá cổ phiếu của Vinamilk tăng 20% từ ngày 1/7 tới 19/8.
“Là nhà quản lý, bạn phải chịu trách nhiệm đối với tình hình công ty và mọi quyết định, và bạn phải luôn là người tiên phong hay người dẫn dắt thị trường”, bà Liên phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn.
Nữ doanh nhân kể lại việc Vinamilk tung sữa chua ra thị trường dù ngay cả người trong công ty cũng cảm thấy hoài nghi về khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Mọi người nói Vinamilk không nên cạnh tranh với những hộ gia đình tự làm sữa chua, một truyền thống ở Việt Nam.
“Song, mối quan tâm của tôi là mức dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Người tiêu dùng thích sữa chua Vinamilk và mua nhiều. Đó là câu chuyện về trách nhiệm của người lãnh đạo và trở thành người tiên phong”, bà Liên tâm sự.
Giải pháp để duy trì lợi thế cạnh tranh
Vinamilk đã và đang đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng lớn từ những thương hiệu ngoại từ khi họ xâm nhập thị trường Việt Nam trong thập niên 90. Bắt đầu từ năm 2016, gần như tất cả nhân viên bán hàng của tập đoàn bán trực tiếp sản phẩm tới các siêu thị, cửa hàng – một giải pháp giúp họ loại bỏ khâu trung gian và giảm chi phí.
Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành của công ty Ho Chi Minh Securities, nhận định Vinamilk thống trị thị trường 92 triệu dân với hệ thống phân phối dày đặc. Nếu muốn gây dựng hệ thống phân phối như thế, các đối thủ phải chấp nhận lỗ trong vòng 10 năm. Những đối thủ ngoại lớn đang cạnh tranh với Vinamilk ở trong nước gồm Dutch Lady, Friesland Foods và Nestle Vietnam.
Vinamilk cũng duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách tăng cường hoạt động tiếp thị từ khá sớm. Năm 2006, công ty thuê ông Trần Bảo Minh, người từng làm việc cho hãng Pepsi Việt Nam và am hiểu tiếp thị kiểu Mỹ, đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng. Chi phí tiếp thị hồi đó tăng từ 2% lên 6% ngân sách. Một thông điệp của chiến lược tiếp thị là: Sữa cũng cung cấp dưỡng chất cho người lớn, chứ không chỉ trẻ em.
Để tăng lợi nhuận, Vinamilk còn thôn tính các doanh nghiệp ở nước ngoài. Năm 2014, họ mua 70% cổ phần của Driftwood Dairy, một hãng cung cấp sữa và nước trái cây tới các trường ở phía nam bang California. Tháng trước họ mua nốt 30% cổ phần còn lại. Thương vụ giúp Vinamilk tiếp cận những tiêu chuẩn chất lượng cao và công nghệ hiện đại hơn. Năm nay công ty mở một nhà máy liên doanh ở Campuchia với một công ty thương mại ở Phnom Penh.
Quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế
Vị Tổng giám đốc 63 tuổi khẳng định bà điều hành Vinamilk theo các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế và bà thay đổi tư duy của nhân viên để đáp ứng những tiêu chuẩn ấy. Vinamilk có thể thoát ra khỏi sự quản lý của chính phủ và trở thành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Thứ nhất, chính phủ khống chế ngân sách tiếp thị của Vinamilk.
“Đôi khi các nhà đầu tư hỏi: “Tại sao bà phải phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO)? Chúng tôi là một công ty có lợi nhuận lớn, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định IPO", bà nói.
Nếu không lên sàn chứng khoán, cứ mỗi lần thay đổi kinh doanh, Vinamilk phải chờ sự phê chuẩn của Chính phủ trong một năm, tăng nguy cơ mất thị phần vào tay những đối thủ nhanh hơn. Giờ đây, theo bà Liên, công ty ra quyết định chỉ trong 2 tới 3 tuần.
Tinh thần văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn được ghi trên những bức tường bên trong tòa nhà 12 tầng mang tên Vinamilk Tower ở TP Hồ Chí Minh. Bà Liên cho rằng "quá trình học tập liên tục của tập thể" là động lực giúp công ty duy trì khả năng cạnh tranh. Ban lãnh đạo yêu cầu 6.600 nhân viên báo cáo mọi vấn đề họ không thể giải quyết cho cấp quản lý trực tiếp trong vòng 24 giờ. Lợi nhuận ròng của tập đoàn có thể đạt 418 triệu USD trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 355 triệu USD vào năm ngoái.