Chiều 12/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh thành bão số 7, có tên quốc tế là Nangka.
Lúc 13h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 430 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20 km/h và có khả năng mạnh thêm. Chiều 13/10, tâm bão ở phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12.
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, tiến vào vùng biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta chiều 14/10. Lúc này, bão có thể đạt cường độ cực đại là cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo đường đi của bão số 7 trên Biển Đông những ngày tới. Ảnh: Hải quân Mỹ và NCHMF. |
Cùng nhận định, cơ quan dự báo Hải quân Mỹ cho rằng bão sẽ quét qua đảo Hải Nam trước khi tiến vào vùng biển nước ta, sau đó di chuyển vào đất liền phần giáp ranh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngày 15/10, tâm bão ở trên đất liền tỉnh Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, bão số 7 có khả năng quét qua đất liền tỉnh Thanh Hóa trong tối 14/10. Từ khi tiến vào vùng biển đến lúc đổ bộ, sức gió từ cấp 10 giảm xuống cấp 8.
Vùng ảnh hưởng của bão trải rộng toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và tỉnh Quảng Bình.
Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 16 đến 20 độ vĩ bắc và từ 110 đến 117,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định khi bão số 7 gần bờ, mưa tập trung ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhưng khi vào bờ, bão có thể khiến mưa lớn quay trở lại các tỉnh Trung Bộ ngày 15-16/10.
Trong 2 ngày tới, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tiếp tục là trọng tâm của mưa lớn khiến mực lũ trên các sông dao động.
Lũ trên sông Kiến Giang, Thạch Hãn khả năng lên lại; trong khi các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum xuống dần.
Ngày 12-13/10, lượng mưa ghi nhận được ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế dao động 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Đà Nẵng có mưa lớn 100-200 mm.
Ngoài ra, mưa cũng mở rộng ra Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng 80-150 mm.
Trước đó, bão số 6 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi hôm 11/10, chỉ sau 2 ngày tiến vào Biển Đông với hình thái là một vùng áp thấp. Hoàn lưu bão gây ra gió giật mạnh và mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ.