Thông tin này được đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đưa ra trong cuộc họp ứng phó với bão số 5 vào chiều 11/9.
Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16h chiều nay, tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi 140 km. Sáng 12/9, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.
Sẵn sàng trực thăng để ứng phó
Đại tá Phạm Hải Châu cho biết trước dự báo bão số 5 ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân và Binh đoàn 18 chuẩn bị máy bay, tàu thuyền để sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn trên biển trong tình huống khẩn cấp.
Quân đội sẵn sàng huy động hơn 500.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 3.700 phương tiện tham gia ứng phó tình huống đặc biệt. Các đơn vị đã chuẩn bị 15 máy bay, 105 tàu thuyền, hơn 1.400 xuồng các loại và 160 xe đặc chủng để sẵn sàng tham gia mọi tình huống.
"Lực lượng quân đội cũng sẵn sàng máy bay trực thăng để tiếp tế, vận chuyển, cấp cứu kịp thời khi cần thiết. Các đơn vị phối hợp với lực lượng địa phương để giải tỏa khu vực bị cô lập, chia cắt", đại tá Châu thông tin.
Bão số 5 bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gây mưa lớn cho khu vực. Ảnh: VNDMS. |
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 5 đang di chuyển với tốc độ chậm, duy trì sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Tối và đêm nay, bão tiếp tục đi theo hướng tây và suy yếu dần trước khi tiến vào đất liền.
Dựa trên kết quả tính toán và trao đổi với cơ quan dự báo quốc tế, đại diện cơ quan khí tượng nhận định bão số 5 tập trung tác động vào các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Với diễn biến này, ông Khiêm cảnh báo từ chiều 11/9 đến ngày 13/9, mưa lớn tiếp diễn tại 4 tỉnh, thành phố trên với lượng phổ biến 200-300 mm, một số nơi có thể ghi nhận lượng mưa lớn hơn.
"Với kịch bản mưa này, nhiều huyện có thể xảy ra ngập cục bộ, trong đó tập trung ở TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, TP Đà Nẵng", ông Khiêm thông tin.
Hạn chế sơ tán dân khi chưa cần thiết
Thông tin về công tác ứng phó của Đà Nẵng, đại diện địa phương này cho biết đã kêu gọi tất cả tàu thuyền của người dân địa phương vào bờ, đồng thời đưa 314 tàu ngoại tỉnh cùng 489 người về điểm neo đậu tàu thuyền.
Khi có lệnh, đơn vị chức năng sẽ đưa những người này lên bờ an toàn và giao cho UBND quận Sơn Trà tổ chức các điểm cách ly tập trung để đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, địa phương này lên kịch bản sơ tán 39.000 người ra khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do ngập úng, sạt lở.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết địa phương đã chuẩn bị 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo, đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã lên kế hoạch sơ tán 18.000 hộ với khoảng 64.000 người ở trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cảnh báo: "Thừa Thiên - Huế từng trải qua mùa bão năm 2020 với nhiều thiệt hại, nhất là sự cố thủy điện Rào Trăng 3. Do đó, địa phương cần rà soát thêm và yêu cầu chấm dứt ngay các công trình thủy điện còn đang thi công trước khi bão đổ bộ".
Cuộc họp ứng phó với bão số 5 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra chiều 11/9. Ảnh: M.H. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh việc các địa phương phải chống bão trong điều kiện dịch bệnh là một trong những thách thức rất lớn do việc này chưa có tiền lệ.
Theo ông Hiệp, bão mạnh cấp 8 đi vào đất liền không phải cường độ lớn nhưng điều đáng lo ngại là bão di chuyển chậm, do đó thời gian mưa trên đất liền kéo dài. Ngoài ra, ảnh mây vệ tinh cho thấy lượng mây gây mưa rất lớn, có thể gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều địa phương.
"Ở Đà Nẵng, nếu bão đổ bộ đêm nay trùng với thời điểm triều cường lên cao 1,5 m thì nguy cơ ngập lụt lớn cho vùng ven biển", ông Hiệp nói và đề nghị địa phương theo dõi kỹ khu vực này.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết chỉ tính riêng 3 tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có hơn 2.300 F0 cùng hàng nghìn F1. Đây là thách thức lớn trong việc ứng phó với bão, nên cần địa phương chỉ đạo quyết liệt, lên kịch bản chi tiết hơn cho từng tình huống.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh nguyên tắc ứng phó với bão trong điều kiện dịch bệnh là cần hạn chế việc di dân khi chưa cần thiết. Để làm được việc này, các địa phương cần bám sát kịch bản mưa và gió mạnh để ứng phó phù hợp. Nếu bắt buộc phải di dân, các đơn vị cố gắng di dân tại chỗ, "xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó".