Ngày 10/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu ký công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc ứng phó với cơn bão số 5 - Conson.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Các cơ quan, đơn vị cần hoãn cuộc họp không liên liên quan đến công tác chỉ đạo phòng chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị các cấp tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn được phân công.
Người dân TP Tam Kỳ, Quảng Nam, chằng chống nhà cửa trước khi bão số 5 đổ bộ. Ảnh: Thanh Đức. |
Tỉnh Quảng Nam giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển: tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 17h ngày 10/9 đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Các đơn vị hướng dẫn tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão, không để người dân ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè sau 18h ngày 11/9.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Giáo dục và Đào tạo, địa phương và trường đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.
Chốt chống dịch tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế bị gió cuốn bay. Ảnh: T.H. |
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu UBND các huyện thị xã, TP Huế triển khai thực hiện phương án sơ tán đảm bảo an toàn theo phương châm "4 tại chỗ" trường hợp xảy ra bão, lũ lớn, đảm bảo phòng chống dịch và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.
Ngoài ra, các địa phương khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm.
Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra. Địa phương phải rà soát những trường hợp dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào.
Sở Y tế cần hướng dẫn các địa phương dự trữ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm sơ tán, khu cách ly.