- 10h, bão số 5 vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
- Một người tử vong và 23 người bị thương.
- Hơn 1.600 căn nhà bị tốc mái.
- Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và ngập cục bộ.
- 3 sân bay đóng cửa: Chu Lai (Quảng Nam), Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).
Đường đi của bão số 5 - Noul. Ảnh: VNDMS. |
-
-
Huế có một người tử vong
Sáng 18/9, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo nhanh về thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, mưa bão đã làm một người tử vong do cây gãy đổ ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền và 23 người bị thương. Bão số 5 làm hơn 1.600 nhà dân bị tốc mái ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới và thị xã Hương Thủy. Gió mạnh cũng khiến nhiều cây xanh ở TP Huế gãy đổ, bật gốc.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Huế, cho biết gió mạnh khiến cây gãy đổ ở hầu hết các tuyến đường trong thành phố. Đơn vị đang huy động tất cả lực lượng tham gia dọn dẹp cây ngã đổ để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trực tiếp xuống đường kiểm tra tình hình. Ảnh: Điền Quang.
-
Bão số 5 đổ bộ Quảng Bình - Huế
Lúc 10h ngày 18/9, bão số 5 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Cơ quan khí tượng cho biết trước và trong thời gian bão đổ bộ, các tỉnh Trung Bộ mưa rất to với lượng 100-300 mm.
Hiện, tâm áp thấp nhiệt đới vẫn nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Trưa và chiều nay (18/9), gió mạnh cấp 6 vẫn xuất hiện trên các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Chiều và đêm nay, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình hứng chịu mưa lớn 100-150 mm, có nơi trên 150 mm.
Lúc 10h, tâm bão nằm ngay trên khu vực giáp ranh giữa Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VNDMS.
-
Nhiều người dân thiệt hại về nhà cửa
Gia đình bà Nguyễn Thị Diệu Hương (số nhà 68, phố Lê Duẩn) bị gió bão thổi bay nóc. Bà Hương cho biết những năm trước, bão nhỏ nên bà có phần chủ quan. Khi bão đổ bộ, bà chỉ ở nhà một mình nên không có người chạy đồ cùng. Bà Hương dự đoán tổng thiệt hại của gia đình khoảng 50 triệu đồng gồm toàn bộ phần mái tôn và nhiều trang thiết bị nội thất.
Trong khi đó, nhà ông Trần Bá Biểu ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) bị tốc mái khiến nhiều tài sản trong nhà bị hư hại. "Gió giật mạnh làm mái ngói nhà tôi bay mất. Lúa dự trữ trong nhà cũng bị ướt hết cả", ông Biểu cho hay.
Người dân dọn dẹp nhà cửa khi mưa đã ngớt. Ảnh: Việt Linh.
-
Đà Nẵng vẫn còn 64 ngư dân trên biển
Trực ban tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết tính đến 5h ngày 18/9, Đà Nẵng còn 7 phương tiện của ngư dân với 64 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, 5 tàu với 49 lao động ở khu vực đông bắc quần đảo Hoàng Sa đang di chuyển ra theo hướng đông bắc để tránh bão.
Đó là các tàu: ĐNa 90255 của ông Nguyễn Đình Châu (11 lao động); ĐNa 90316 của ông Hồ Ngọc Thạch (12 lao động); ĐNa 90307 (10 lao động) của ông Nguyễn Phú Hùng (cùng trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê); tàu ĐNa 90463 (7 lao động) của ông Nguyễn Thân; và tàu ĐNa 90263 (9 lao động) của bà Phan Thị Minh Phương (cùng trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Ngoài ra, ở ven bờ biển Phú Yên có 2 tàu với 15 lao động của ngư dân Đà Nẵng đang tránh trú (tàu ĐNa 90879 và ĐNa 90818).
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết các quận, huyện đã tổ chức sơ tán 10.194 người dân đến nơi an toàn để tránh bão số 5. Cụ thể, quận Thanh Khê: 695 người; quận Sơn Trà: 4.688 người; quận Liên Chiểu: 3.334 người; quận Cẩm Lệ: 908 người; huyện Hòa Vang: 1.156 người.
Trong sáng nay, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, vận động người dân ở khu nhà tạm, chung cư xuống cấp đến những nơi kiên cố, trụ sở cơ quan, trường học để tránh bão.
Ngoài biển, các tàu cá của ngư dân trú bão ở âu thuyền Thọ Quang. Trong đất liền, người dân quận Sơn Trà gia cố nhà cửa trước khi bão vào. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Dọn dẹp cây bị đổ do bão
Lúc 10h, tại đường Lê Duẩn (Huế), gió to làm bay mái nhà của người dân.
Trong khi đó, nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế dùng cưa máy giải phóng các thân cây đổ trên đường Lê Duẩn. Lực lượng CSGT có mặt phong tỏa khoảng 1 km đường, không cho các phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.
Gió lớn làm tốc mái nhà, đổ cây xanh ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Việt Linh - Ngọc Tân.
-
Bão hướng vào Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế
9h sáng 18/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 5 đang mạnh cấp 9, giật cấp 11 trên vùng ven biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Những giờ tới, bão đi theo hướng tây vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Như vậy, bão di chuyển chếch lên phía trên so với dự báo trước đó, khu vực đổ bộ của bão đã được thu hẹp.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định trọng tâm bão đi vào là các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Bão có thể đổ bộ trong 1-2 giờ tới, khoảng trưa 18/9.
Bão số 5 đang hướng vào khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VNDMS.
-
Dân Đà Nẵng ra biển chụp ảnh, bắt cá bất chấp mưa gió
Tại TP Đà Nẵng, mưa lớn liên tục từ sáng sớm, chia thành từng đợt. Các toà nhà cao tầng ven biển mờ mịt trong mưa.
Theo ghi nhận của Zing, tại bãi biển Mỹ Khê, khoảng 8h30, nhiều người dân vẫn mặc áo mưa ra bãi biển chụp ảnh bất chấp mưa gió. Một số người dân chia sẻ họ ra biển vì tò mò, muốn ngắm biển trước bão.
Còn tại biển Nguyễn Tất Thành, hàng chục người dân Đà Nẵng ra biển bắt cá trước khi bão vào.
Người dân chụp ảnh và bắt cá sáng 18/9. Ảnh: Duy Hiệu, Đoàn Nguyên.
-
Gió mạnh khiến cây cối ngã đổ tại Huế
Tại TP Huế, từ 8h, mưa lớn và gió giật mạnh quật đổ nhiều cây cối. Người dân khá khó khăn khi tham gia giao thông trên đường bằng xe máy và xe đạp.
Một số khu vực bị cúp điện. Đa số hàng quán đều đóng cửa tránh bão.
Lúc 8h30, trên đường Lê Duẩn đoạn trước kỳ đài Huế có gió giật rất mạnh. Hai cây cổ thụ và một số cây nhỏ bị bật gốc, chắn ngang lòng đường.
Khoảng 30 phút sau, cảnh sát giao thông đã có mặt tại các tuyến đường có cây đổ để phân bổ giao thông, không cho người dân đi vào.
Tranh thủ lúc tạnh mưa, anh Trần Duy Hoàng (TP Huế) dùng gậy vớt cành cây, lá cây gãy rụng trước cửa nhà để tránh tắc cống khi mưa xuống, gây ngập.
“Bão chưa vào nhưng dự báo cường độ thấy rất mạnh. Hy vọng bão không mạnh hơn nữa và sẽ sớm tan”, anh Hoàng chia sẻ.
Nhiều cây cổ thụ bị bật gốc do gió giật mạnh tại Huế. Ảnh: Việt Linh, Ngọc Tân.
-
Quảng Trị sơ tán 12.000 dân tránh bão trong đêm
Sáng 18/9, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết từ tối 17/9, địa phương đã chủ động sơ tán hơn 4.500 hộ dân ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lớn do bão đến nơi tránh trú bão an toàn.
“Hơn 12.000 người dân ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong được sơ tán đến nơi an toàn để tránh bão. Với các hộ neo đơn, người già, chính quyền sử dụng ôtô đến tận nơi. Tỉnh Quảng Trị đang lên phương án phòng tránh bão và hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng do bão gây ra”, vị này nói với Zing.
Theo ông, từ tối 17/9 đến sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 5, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), các xã miền núi huyện Đakrông đã xuất hiện mưa lớn kèm gió giật mạnh.
Trong đó, các xã trên tuyến đường Hồ Chí Minh có lượng mưa lớn như xã A Bung 146 mm, A Vao 139 mm. Mưa lớn cũng khiến 4 thôn ở xã A Bung (A Bung, La Hót, Pire 1, Pire 2) bị chia cắt. Hai cầu tràn A Bung - Ango và Tà Rụt - A Vao ngập sâu, chia cắt các khu vực.
Ông Hà Sỹ Đồng (áo mưa xanh) kiểm tra việc sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở Quảng Trị đêm 17/9. Ảnh: Tiến Nhất.
-
Lốc xoáy làm 60 căn nhà tại Hà Tĩnh tốc mái
Khoảng 23h ngày 17/9, do ảnh hưởng của bão số 5, Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy khiến 60 căn nhà ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tốc mái, hư hỏng nặng. Lốc xoáy còn làm hệ thống tường rào, cây cối cùng hoa màu của người dân bị đổ ngã.
Ông Trần Công Tráng, Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết trận lốc xoáy kéo dài khoảng 20 phút. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng khiến 60 nhà dân tốc mái, thiệt hại rất lớn. Chính quyền đang hỗ trợ người dân dọn dẹp, lợp mái trước khi bão đổ bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 5, vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có khả năng sóng cao 3-5 m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1 m, gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.
Trên đất liền, ngày và đêm 18/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất lớn với lượng phổ biến 200-300 mm, có nơi mưa trên 400 mm. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mưa 50-150 mm/đợt.
Chính quyền đang hỗ trợ người dân dọn dẹp, lợp mái trước khi bão đổ bộ. Ảnh: V. Hậu.
-
Một số nơi tại Đà Nẵng mất điện
Tại Đà Nẵng, từ 7h30 sáng 18/9, mưa to kèm theo sấm sét xuất hiện, nhiều khu vực ở quận Sơn Trà mất điện.
“Các khu chung cư ở phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà) bị mất điện do sự cố đường dây điện”, đại diện Chi nhánh Điện lực Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết.
Theo ghi nhận, sáng nay toàn bộ học sinh, sinh viên được nghỉ học tránh bão nên các tuyến đường khá vắng. Người dân cũng ít ra đường do gió lớn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm soát phương tiện cá nhân đi lại ngoài đường, tránh để người dân gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông trong thời tiết mưa bão.
“Tình hình ảnh hưởng của bão số 5 được kiểm soát, các phương tiện giao thông chỉ được đi lại trong trường hợp đặc biệt cần thiết”, ông Minh cho hay.
Mưa lớn khiến một số tuyến đường tại Đà Nẵng ngập. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Nguy cơ nước biển dâng và sóng lớn
Tại Huế lúc 7h sáng 18/9, trời không mưa nhưng gió khá mạnh. Một số cành cây lớn bị gió quật gãy đổ trên đường.
Đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của bão số 5 đến các tỉnh thành miền Trung khi đổ bộ với sức gió lớn, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai, nhận định bão số 5 có thể giảm đi một cấp khi đổ bộ đất liền so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, đây vẫn là cơn bão mạnh.
Ông Tuấn lưu ý khi bão đổ bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, người dân vùng ven biển, nhất là các khu vực đầm phá, vùng trũng ven biển, cửa sông cần đề phòng khả năng gió mạnh và sóng lớn. Các hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến tàu, thuyền tại khu neo đậu trên biển, các khu nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, bão có thể đổ bộ vào buổi trưa, trùng thời điểm với triều cường nên cần đề phòng nguy cơ nước biển dâng. Chuyên gia lấy ví dụ về 2 cơn bão lịch sử từng đổ bộ vào miền Trung năm 2006 và năm 2009 gây thiệt hại nặng nề, đều do hiện tượng nước biển dâng.
Cành cây gãy đổ do gió lớn trên đường Lê Lợi, Huế. Ảnh: Việt Linh.
-
Nguy cơ sạt lở đất ở Đà Nẵng, Quảng Nam
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo trong sáng 18/9, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Theo đó, nguy cơ sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện:
- Thành phố Đà Nẵng: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ;
- Quảng Nam: Hội An, Thăng Bình, Nông Sơn.
Nguy cơ sạt lở đất và ngập úng cục bộ trung bình tại huyện:
- Quảng Nam: Tam Kỳ, Phú Ninh, Điện Bàn.
-
Bão gây mưa lớn nhiều nơi
Từ chiều 17/9 đến rạng sáng 18/9, bão số 5 gây mưa rất lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ với lượng mưa phổ biến 80-200 mm, có nơi cao hơn như: Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 266 mm, Đại Đồng (Quảng Nam) 234 mm, Đà Nẵng 211 mm.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nhận định bão số 5 sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vào sáng hoặc trưa nay.
Chuyên gia lưu ý sáng nay (18/9), địa phương nằm trong vùng trọng tâm bão đi vào có gió mạnh cấp 7-8 tác động. Ngoài ra, mưa lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ ngập lụt, lũ quét ở nhiều nơi.
Một số tuyến đường tại phố cổ Hội An bắt đầu ngập nước. Chính quyền TP đưa xe lưu động tuyên truyền người dân không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Ảnh: Thanh Đức.
-
Hội An không một bóng người
6h30 sáng 18/9, tại khu vực Chùa Cầu, phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam, có mưa lớn. Nước sông Hoài tại đây đang dâng cao hơn so với trước đó. Các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng không một bóng người.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), cho biết để phòng, chống bão số 5, địa phương đã tập trung thu hoạch 80 ha lúa hè thu còn lại. Đồng thời, thành phố đã liên hệ 20/28 chủ tàu, yêu cầu họ đến nơi tránh, trú an toàn.
TP Hội An cũng lên phương án sơ tán dân ở vùng trũng, thấp như phường Cẩm An và Cửa Đại nếu nước biển dâng.
Hội An vắng vẻ trước giờ bão tới. Ảnh: Thanh Đức.
-
Cấm biển, cho học sinh nghỉ học tránh bão
Để ứng phó với bão số 5, ngày 17/9, các tỉnh nằm trong vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã ra quyết định cấm biển, cho học sinh nghỉ học ngày 18/9 trước thời điểm bão đổ bộ đất liền.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bộ đội biên phòng đã thông báo và kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 58.000 phương tiện cùng 285.300 lao động ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động tìm nơi tránh trú.
Ngư dân ở Đà Nẵng hối hả trước giờ cảng cá đóng cửa, tàu thuyền cũng được neo đậu an toàn. Ảnh: Duy Hiệu.
-
Đóng cửa 3 sân bay
Cục Hàng không quyết định tạm dừng hoạt động cất hạ cánh tại 3 sân bay miền Trung trong ngày 18/9.
Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) sẽ dừng khai thác máy bay từ 4h đến 18h ngày 18/9; sân bay Đà Nẵng dừng khai thác máy bay từ 5h đến 20h ngày 18/9; sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) dừng khai thác máy bay từ 6h đến 21h ngày 18/9.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không tăng cường công tác trực bão. Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa nắm bắt thông tin liên tục để chủ động ứng phó.
Sân bay Đà Nẵng trước giờ bão số 5 đổ bộ. Ảnh: Ngọc Tân.
-
-
Bão áp sát bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam
Lúc 4h sáng 18/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 5 đã vào đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Bão duy trì sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Trong 12 giờ tới, bão đi theo hướng tây với vận tốc 25 km/h và đi vào đất liền khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Lúc này, sức gió mạnh nhất giảm xuống cấp 8-9, giật cấp 11.
Dự báo đường đi của bão số 5 trong 12 giờ tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam.