Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bão số 4 đổ bộ vào dịp nghỉ lễ là điểm bất lợi'

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định bão số 4 đổ bộ vào đất liền nước ta trong dịp nghỉ lễ là điểm bất lợi khi khách du lịch tập trung đông tại các khu vực ảnh hưởng bão.

Dự báo ngày 28/8 về hướng đi bão Podul sau khi vào Biển Đông Sáng 28/8, bão Podul đã đi vào khu vực Biển Đông với sức gió mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10. Bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong ngày 30-31/8.

Chiều 28/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn nhằm lên phương án ứng phó với bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Cuộc họp có sự tham dự của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh. 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định diễn biến của bão số 4 có nhiều điểm bất lợi hơn những cơn bão trước.

Bão hình thành gần Biển Đông nhưng ngày càng mạnh hơn khi tiến vào đất liền nước ta, kèm theo tác động của không khí lạnh khiến vùng ảnh hưởng của bão rộng. 

Thêm vào đó, bão đổ bộ vào đất liền nước ta trúng đợt nghỉ lễ Quốc khánh. Do đó, người tham gia du lịch cần đặc biệt lưu ý đến dự báo thời tiết tại các địa phương. Theo dự báo, bão đổ bộ vào chiều tối 30/8 nên có thể kết hợp với triều cường. Thời điểm này cũng gây khó khăn cho công tác ứng phó của người dân các tỉnh, thành phố. 

"Đây là những vấn đề các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm trong công tác ứng phó với bão. Chúng ta không thể chủ quan khi chỉ còn 2 ngày nữa bão có thể đổ bộ vào đất liền", Phó thủ tướng lưu ý. 

Pho thu tuong chi dao ung pho voi bao so 4 anh 1
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 chiều 28/8. Ảnh: Mỹ Hà. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết khu vực trọng điểm được dự báo có mưa lớn là các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là những khu vực vừa qua đã bị tổn hại lớn về lớp thượng bì và cấu trúc vỏ đất. Nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra tại các khu vực này thì cần đề phòng các hiện tượng cực đoan như lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. 

"Những khu vực này có rất nhiều hồ chứa, trong đó có cả những hồ xuống cấp và hồ thủy điện nhỏ, nên địa phương cần tính toán và khẩn cấp khắc phục các sự cố tại đây", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết. 

Tại hội nghị, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cũng có báo cáo về công tác sơ tán tàu thuyền, ngư dân trên biển trước bão số 4.

Đến chiều 28/8, đơn vị đã có thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho hơn 70.000 phương tiện và hơn 300.000 người biết diễn biến và hướng di chuyển của bão Podul. Tuy nhiên, hiện còn gần 800 tàu và hơn 5.000 người đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, hơn 20 tàu của Quảng Trị với hơn 146 ngư dân đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ chưa thể liên lạc được. Đơn vị đã phối hợp cùng địa phương, gia đình để cố gắng liên lạc với các tàu. 

Pho thu tuong chi dao ung pho voi bao so 4 anh 2
Phó thủ tướng cho biết cần đề phòng mưa lũ sau bão, tránh chủ quan gây ra thiệt hại như cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Dương. 

Bên cạnh đó, khu vực Nghệ An và Hà Tĩnh còn khoảng 23.000 ha mùa vụ chưa thu hoạch. Các địa phương được yêu cầu hướng dẫn người dân lên phương án để giảm thiểu tối đa thiệt hại về hoa màu. Ảnh hưởng của bão gây mưa lớn cũng có thể khiến khu vực đồng bằng và đô thị bị ngập lụt. 

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phát đi công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão Podul sắp đổ bộ vào đất liền. 

Theo đó, các địa phương ven biển cần tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, có thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện hoạt động trên biển có phương án tránh trú an toàn. 

Nhà chức trách cũng cần ra phương án cấm biển cho các địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân và cần thông báo hoạt động trở lại ngay khi bão tan. 

Trong thời gian nghỉ lễ, các đơn vị cần phối hợp để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và các công trình, hoạt động kinh tế, thương mại ven biển. Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, sẵn sàng di dân ở các khu vực cảnh báo nguy hiểm, có khả năng xảy ra lũ quét lũ ống. 

"Nhiều năm qua, thiệt hại do mưa lũ sau bão lớn hơn rất nhiều so với khi bão đổ bộ, do đó chúng ta cần sẵn sàng tinh thần ứng phó với bão trong nhiều ngày", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. 

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm