Lúc 16h ngày 1/8, tâm bão số 2 (Sinlaku) nằm ngay trên đất liền phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và cách bờ biển Thái Bình - Nghệ An 330 km về phía đông nam. Sức gió vùng gần tâm những giờ qua mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Như vậy, sau ba ngày đi từ vùng biển ngoài khơi Philippines vào Biển Đông với hình thái là một vùng áp thấp, bão số 2 đã hình thành. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định đây là một hình thái phức tạp và khó lường.
Dị thường
Ông Lâm cho biết cần quan sát kỹ cơn bão này. Theo thông tin các dự báo viên thu thập được cho thấy ngoài cơn bão số 2 đang hướng vào đất liền nước ta, một áp thấp nhiệt đới khác đang tồn tại ở phía đông của Philippines.
“Sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới này sẽ tác động đến cường độ và hướng di chuyển của bão số 2 đang hướng vào đất liền Việt Nam”, ông Lâm nói.
Cụ thể, áp thấp nhiệt đới phía ngoài khơi Philippines sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão gần đất liền nước ta. Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới, bão số 2 sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực.
Do đó, bão sẽ đi với vận tốc lúc nhanh, lúc chậm và có khả năng thay đổi cường độ do đang tồn tại trên vùng biển nóng. Các điều kiện tác động này khiến cường độ và đường đi của bão còn rất khó lường.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy bão số 2 gây ra gió mạnh trên khắp Biển Đông, trong khi vùng biển ngoài khơi Philippines đang tồn tại một cơn áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF. |
Trong khi đó, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết khác với những cơn bão khác, vùng xoáy bên trong cơn bão Sinlaku này có bán kính rộng, lên đến hàng trăm km. Do đó, cơ quan khí tượng gặp khó khăn trong việc xác định cấu trúc và hệ thống mây đối lưu của cơn bão này.
Ngoài ra, bão số 2 xuất hiện vào đầu tháng 8, sau 46 ngày bão số 1 hình thành và suy yếu trên Biển Đông. Trong khoảng thời gian này, Biển Đông không xuất hiện thêm xoáy thuận nhiệt đới nào khác mặc dù đã bước vào mùa mưa bão theo thông lệ.
Chuyên gia khí tượng cho rằng đây là điểm cần lưu ý, cho thấy bão lần này có nhiều dấu hiệu dị thường.
Mưa lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Sau khi tính toán tất cả khả năng có thể xảy ra, cơ quan khí tượng nhận định xác suất cao nhất là bão số 2 sẽ đổ bộ vào khu vực phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 15h-18h ngày 2/8. Tâm bão đổ bộ được nhận định ở khu vực từ Nam Định đến Thanh Hóa.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết hoàn lưu bão số 2 sẽ gây đợt mưa rất lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Mưa bắt đầu cao điểm từ đêm nay (1/8) và kéo dài đến ngày 5/8. Lượng mưa nhiều nơi cảnh báo trên 500 mm/đợt.
Dự báo lượng mưa tại các khu vực kéo dài từ 2/8 đến 5/8. Ảnh: Mỹ Hà. |
Từ đêm qua, mưa đã bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An với vũ lượng phổ biến 50-100 mm chỉ trong vòng 20 giờ. Một số nơi như Kỳ Thịnh, Kỳ Thượng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) mưa lớn với vũ lượng 140-260 mm.
Cùng lúc, gió tây nam hoạt động mạnh trên biển cũng khiến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to. Lượng mưa ghi nhận được trong những giờ qua ở U Minh (Cà Mau) và Thới Bình (Kiên Giang) lên đến 140-220 mm. Thời tiết cả nước sẽ diễn biến xấu trong những ngày tới.
Chuyên gia cũng lưu ý các hồ thủy lợi xuống cấp, đang nâng cấp, các thủy điện nhỏ, khu khai thác khoáng sản ở 3 vùng trọng tâm mưa cần rà soát và đánh giá hiện trạng các công trình, có phương án sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa rất to xảy ra.
Tính đến chiều 1/8, các tỉnh thành nằm trong vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã ban hành lệnh cấm biển kể từ ngày mai (2/8). Hiện, hơn 750 tàu với 2.700 lao động còn hoạt động trong vùng nguy hiểm, lực lượng chức năng đang phối hợp với địa phương hỗ trợ các phương tiện lưu trú an toàn.