Chiều 14/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 11.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết chiều 14/10, bão số 11 có xu hướng dịch chuyển theo hướng tây chếch bắc, cách phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) 750-800 km. Cường độ bão ở cấp 10-11, giật cấp 13, vận tốc đạt 15-30 km/h.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương. Ảnh: Thắng Quang. |
Theo dự báo của các Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Hong Kong và Mỹ, bão có xu hướng tiếp tục dịch chuyển hẳn lên phía Bắc. Bão đạt cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ tương tác với không khí lạnh, quặt xuống tây nam.
"Chúng tôi đưa ra hơn 100 phương án hướng di chuyển của bão số 11", ông Cường nói và cho rằng điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mạnh dạn trong công tác dự báo.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng lưu ý ngày 16/10, không khí lạnh khô từ phía Bắc tràn xuống là điều kiện thuận lợi để bão suy yếu và thành áp thấp nhiệt đới.
“Tối 16/10, bão số 11 tiến vào đất liền vùng từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, cường độ bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bão có khả năng tan ngay trên Vịnh Bắc Bộ và không ảnh hưởng đến nước ta”, ông Cường nói.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến chiều 14/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tàu, thuyền với 298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Hướng di chuyển và vị trí của cơn bão. Ảnh: NCHMF. |
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục cung cấp điện đến người dân. "Hiện 126 xã vẫn chưa được cấp điện. Chúng tôi đã và đang nỗ lực khôi phục hệ thống để cấp điện trở lại cho những xã này. Hiện hồ Hòa Bình ở mực nước 115,4 m, dung tích phòng lũ còn 300 triệu m3", ông Hải nói.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, cần phải kiểm tra, xem xét việc vận hành hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa). Đây được kỳ vọng là nơi "cứu cánh" cho bão lũ. Tổng lượng nước trong 2 ngày về hồ Hòa Bình vừa qua khoảng 1 tỉ m3. "Vừa rồi, chúng tôi nằm trong trạng thái nín thở, để giữ được đê Hoàng Long bởi rất dễ xảy ra sự cố vỡ đê trong tuyến này”, ông Hoài chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai đề nghị Bộ Công thương và Vụ Quản lý đê điều kiểm tra sự cố vỡ đê và việc vận hành 11 hệ thống liên hồ chứa.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trà My. |
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh cơn bão số 11 đổ vào nước ta sau khi tỉnh miền núi phía Bắc vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử, ngập úng trên diện rộng tàn phá thiệt hại lớn về người và tài sản. Các địa phương trong vùng thiệt hại đang vươn mình chống chịu, khắc phục hậu quả.
Ông Cường yêu cầu tập trung giải quyết hậu quả đợt úng bão vừa qua. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và khắc phục cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống điện, giao thông.
"Ở trên biển, lực lượng biên phòng cần thông báo cho các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển", ông Cường nói.
Đến chiều 13/10, sau khi mưa tạnh, nước sông đã bắt đầu hạ thấp và rút khá nhiều, người dân ở Thanh Hóa đã quay trở lại bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các lực lượng có liên quan cần tổng kiểm tra công trình đập. Riêng các hồ xung yếu cần có phương án quản lý chặt chẽ để kịp thời xử lý đảm bảo an toàn. "Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung hướng dẫn các địa phương kiểm tra, không để phát sinh dịch bệnh và thực hiện các biện pháp các khôi phục sản xuất", ông Cường nói.