Trước diễn biến cơn bão số 11 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, tỉnh này đã huy động lực lượng bộ đội khẩn trương gia cố đê. Sáng 14/10, mực nước lũ tại địa phương này chưa rút hết.
Sáng 14/10, nước lũ trên các con sông tại Thanh Hóa vẫn chưa rút hết. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11 có thể đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Thanh Hóa, tỉnh này đã huy động nhiều lực lượng, trong đó bộ đội là chủ chốt để tiếp tục gia cố các tuyến đê.
Tại xã Thọ Thắng (huyện Thọ Xuân), hàng trăm bộ đội của Tiểu đoàn 40, thuộc Trung đoàn 762 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp cùng người dân địa phương, dân quân tự vệ để tham gia đắp đê sông Cầu Chày. Trong trận mưa lũ nhiều ngày qua, mực nước sông Cầu Chày dâng cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 40 năm qua, lên đến 11-12 m. Nước lũ tràn qua tuyến đê dài 6,5 km, đe dọa đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.
Để phục vụ cho việc gia cố đê, chính quyền địa phương đặt biển cấm các phương tiện qua lại khu vực này.
Sáng 14/10, huyện Thọ Xuân đã huy động nhiều lượt xe tải vận chuyển 500 m3 khối đất đến chân đê xã Thọ Thắng.
Tại đây, đất cát được các chiến sĩ cho vào bao tải.
Sau đó, họ dùng xe rùa chở bao tải đất đến mép khu vực mép đê.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐND huyện Thọ Xuân, cho biết trong trận mưa lũ vừa qua, các lực lượng đã đắp đê cao 100 cm để chống nước lũ tràn.
Để phòng cơn bão số 11, ông Dũng cho hay các lực lượng sẽ tiến hành đắp đê cao thêm 50 cm.
Theo kế hoạch, việc gia cố đê sông Cầu Chày sẽ được thực hiện gấp rút trong vòng 2 ngày (14-15/10).
Trong lúc bộ đội khẩn trương gia cố đê, đại diện người dân địa phương đã chủ động đến từng nhà quyên góp hoa quả để cho các chiến sĩ ăn trong giờ giải lao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết sáng sớm 14/10, tâm bão số 11 (tên quốc tế là Khanun) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía đông đông bắc, sức gió ở vùng tâm bão đạt cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 11.
Sáng sớm 15/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa chừng 280 km về phía đông bắc. Lúc này, bão đã mạnh tới cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15. Ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh dần từ cấp 7 đến cấp 10-12, giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão vẫn giữ hướng và vận tốc di chuyển. Đến 4h ngày 16/10, vị trí tâm bão nằm trên phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió ở vùng tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Đổ bộ vào đảo Hải Nam, bão nhiều khả năng đổi hướng và thay đổi cường độ trước khi tiến vào vịnh Bắc Bộ.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.
Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola...
Ngày 14/10, các tỉnh Nam và Nam Trung Bộ mưa lớn, dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh. Trong khi đó, Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, ít mưa. Các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn mưa dông.