Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bao nhiêu startup đã nhận được tiền từ Shark Tank?

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Shark Tank, trong những thương vụ được cam kết rót tiền ở mùa 2, đến nay mới có 11 thương vụ vượt qua vòng thẩm định đầu tư và được rót vốn.

Số liệu về các thương vụ đầu tư thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, mới đây đã được ban tổ chức chương trình công bố. Theo đó, chỉ tính trong mùa 2 của Shark Tank, đã có tổng cộng 1.000 startup đăng ký tham dự, nhưng chỉ có 42 startup lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư và được lên sóng truyền hình.

Tuy nhiên, trong số này cũng chỉ có 27 startup nhận được đề nghị đầu tư của các “cá mập” với tổng số tiền lên tới 206,541 tỷ đồng, gần gấp 2 lần con số của mùa 1 là 116,651 tỷ đồng.

Mới 11 startup được rót tiền

Tuy nhiên, việc được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình không có nghĩa các startup sẽ nhận được tiền từ các “cá mập”. Để chính thức được giải ngân, startup phải vượt qua vòng thẩm định đầu tư (Due Diligence).

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 4, trong số 27 thương vụ được cam kết đầu tư của mùa 2, mới có 11 thương vụ được ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân từ các “cá mập”.

Trong 11 thương vụ đã vượt qua vòng thẩm định, thương vụ có giá trị lớn nhất thuộc về MOPO (Bình trữ điện năng lượng mặt trời) của nhà sáng lập Lê Ngọc Minh, nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ Shark Nguyễn Thanh Hưng.

Theo đó, Shark Hưng đã cam kết rót 1 triệu USD đổi lấy 25% vốn công ty. Hiện khoản đầu tư này đang trong giai đoạn giải ngân đợt 1. Tiết lộ thêm về thương vụ, sau khi được Shark Hưng đầu tư, doanh số của MOPO đã tăng tới 2.000%. Tuy nhiên, con số doanh thu cụ thể không được các bên tham gia tiết lộ.

Bao nhieu Startup da nhan duoc tien tu sharktank anh 1
11 thương vụ mùa 2 đã được các Shark rót tiền đầu tư. Nguồn: Shark Tank VN.

Thương vụ có giá trị đầu tư thấp nhất vượt qua vòng thẩm định của các “cá mập” là startup Chè Bưởi Bé Bống. Shark Nguyễn Ngọc Thủy và Shark Phạm Thanh Hưng đã cùng nhau đầu tư vào công ty của bé Bảo Ngọc (11 tuổi) với số tiền 300 triệu đồng đổi lấy 30% vốn. Kèm theo đó, Shark Thủy tặng học bổng trị giá 500 triệu đồng cho doanh nhân nhí.

Đáng chú ý, Shark Nguyễn Ngọc Thủy trong hai mùa dù với vai trò khách mời nhưng lại có số lượng các thương vụ được rót vốn nhiều nhất.

Trong hai mùa tham gia Shark Tank, vị "cá mập" này đã đưa ra đề nghị đầu tư vào 9 công ty trên sóng truyền hình, đến nay đã có tới 8 công ty được rót vốn với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng.

“Cá mập” sẽ bán lại vốn cho nhà sáng lập khi startup đủ lớn

Trả lời câu hỏi của Zing.vn, về việc nhiều thương vụ ghi nhận sau khi rót tiền đầu tư, các Shark lại trở thành cổ đông chi phối, trong khi, các nhà sáng lập gần như mất quyền kiểm soát công ty của mình, Shark Thủy cho hay đa phần công ty rơi vào tình trạng này không đến từ mong muốn của các nhà đầu tư, mà đến từ việc định giá sai của các doanh nhân khởi nghiệp.

Vị “cá mập” khẳng định các nhà đầu tư không muốn nắm giữ cổ phần quá lớn, hay nuốt công ty. Tuy nhiên, vì chương trình quy định không được giảm số tiền mà các doanh nhân khởi nghiệp kêu gọi nên các Shark buộc phải nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng với số tiền.

“Phần lớn dự án rơi vào tình trạng này là do các startup ảo tưởng về việc định giá doanh nghiệp của mình”, Shark Thủy khẳng định.

“Lời khuyên với các bạn khởi nghiệp là phải có kỹ năng định giá và kiểm soát kỳ vọng của mình nếu muốn kêu gọi đầu tư và muốn giữ tỷ lệ sở hữu tại công ty đủ tốt để tránh rơi vào tình trạng mất quyền kiểm soát”, Shark Thủy nhấn mạnh.

Bao nhieu Startup da nhan duoc tien tu sharktank anh 2
Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT/Sáng lập Công ty CP Tập đoàn Egroup. Ảnh: Việt Hùng.

Trong khi đó, Shark Trần Anh Vương, Trưởng ban tổ chức Shark Tank, cho biết chương trình đã trải qua 3 mùa và mong muốn của các doanh nhân và các Shark tham gia là sự chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, người sẽ tham gia Shark Tank mùa 3 với vai trò “cá mập” đầu tư cũng cho biết tất cả nhà đầu tư tham gia đều đã có tập đoàn sau lưng và không muốn nhảy vào một doanh nghiệp nhỏ để điều hành.

Việc rót tiền sở hữu lượng lớn vốn của các startup cũng vì muốn hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển.

“Hầu như khởi nghiệp là không có tiền, các Shark đầu tư nhiều hơn thì doanh nghiệp sẽ ổn định hơn. Với tôi, khi startup đã phát triển chắc chắn có đầy đủ nguồn thu, nếu nhà sáng lập muốn mua lại tôi rất sẵn sàng”, ông Tam khẳng định.

Shark Phú thừa nhận đầu tư trong Shark Tank 'không được vụ nào' Shark Nguyễn Xuân Phú cho biết ông đầu tư nhiều trong chương trình Shark Tank nhưng không có startup nào thành công. Tuy nhiên, ông vẫn vui vẻ vì đạt được các mục đích khác.

Thiếu gia Tân Hoàng Minh, ông chủ Asanzo ngồi ghế Shark Tank mùa 3

Asanzo đã thành lập một quỹ đầu tư khởi nghiệp với tổng số vốn 200 tỷ đồng để tham gia chương trình Shark Tank mùa 3.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm