Đêm 27/5 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện một cây xăng tại quận Đống Đa có dấu hiệu găm hàng, chờ điều chỉnh giá. Tại thời điểm kiểm tra, cây xăng vẫn bán xăng E5 RON 92 nhưng lại ngừng bán 3 cột xăng RON 95.
Nhân viên tại đây cho biết xăng RON 95 hết nên không bán. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra thực tế trong bồn vẫn còn khá nhiều xăng loại này.
Tình trạng một số đầu mối có dấu hiệu găm hàng xăng dầu chờ tăng giá đã xuất hiện từ cuối tháng 5. Trong đó, nhiều cây xăng tại Hà Nội đồng loạt thông báo sự cố hoặc hết xăng nên từ chối bán cho khách hàng (chủ yếu là loại RON 95).
Chủ cửa hàng xăng dầu cho biết nhu cầu sử dụng mặt hàng này sau giãn cách xã hội tăng cao, nhưng hiện tại cửa hàng không thể nhập thêm xăng từ đầu mối, dù sẵn sàng không nhận chiết khấu.
Thực tế, thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay vận hành dưới 2 hình thức, một do các đơn vị đầu mối như Petrolimex, PV Oil, Thanh Lễ, Mipec… trực tiếp bán lẻ, hai là các nhà phân phối thứ cấp đứng ra nhượng quyền thương mại và bán hộ cho các đầu mối để nhận chiết khấu.
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 37 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu, trong đó thị phần chủ yếu nằm trong tay một số đơn vị lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, Mipec…
Các cây xăng nhượng quyền chủ yếu thu lợi nhuận chiết khấu được chia từ doanh nghiệp đầu mối. Ảnh: Lê Quân. |
Báo cáo thường niên của Petrolimex cho biết doanh nghiệp này hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất trong nước với hơn 50% thị phần.
Tỷ lệ này có được thông qua hệ thống 5.600 điểm bán lẻ của Petrolimex, cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, thực tế Petrolimex chỉ sở hữu trực tiếp gần một nửa (khoảng 2.700 điểm), còn lại 2.800 cây xăng khác vận hành dưới hình thức nhượng quyền thương mại và trả chiết khấu.
Với các điểm bán sở hữu, Petrolimex sẽ trực tiếp bán lẻ xăng dầu và thu lợi nhuận trên doanh thu trừ giá vốn. Hiệu quả của các điểm bán sẽ phụ thuộc vào giá mua - bán của mặt hàng xăng dầu.
Trong khi đó, với các đại lý nhượng quyền, do đứng ra với vai trò bán hộ và nhận chiết khấu, các đơn vị này sẽ không bị ảnh hưởng dù giá xăng bán ra giảm sâu.
Mô hình tương tự cũng được PV Oil, đầu mối lớn thứ 2 với 20% thị phần, áp dụng.
Doanh nghiệp này đứng tên trên 3.500 cửa hàng xăng dầu, nhưng chỉ 570 trong đó do doanh nghiệp quản lý trực tiếp, còn lại gần 3.000 điểm nhượng quyền.
Là một trong những đầu mối lớn nhất, hệ thống phân phối xăng dầu của Saigon Petro hiện nay gồm 35 tổng đại lý với hơn 1.000 điểm bán lẻ, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, Mipec hiện sở hữu 141 trạm xăng trực thuộc và hơn 500 đại lý nhượng quyền trên cả nước…
Theo các chuyên gia, việc giá xăng dầu xuống thấp khiến các doanh nghiệp đầu mối kể trên mới là nhóm chịu ảnh hưởng. Trong khi các đại lý nhượng quyền gần như không chịu tác động vì chỉ làm công tác bán hộ.
Báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy hiệu quả kinh doanh của Petrolimex và PV Oil đều ảnh hưởng lớn khi giá xăng dầu thấp kỷ lục. Trong khi PV Oil lỗ ròng 538 tỷ thì Petrolimex cũng chịu khoản lỗ kỷ lục 1.813 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm.
Nguyên nhân chính là việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước xuống mức thấp nhất 11 năm khiến giá bán thấp hơn giá gốc hàng tồn kho của doanh nghiệp. Cả 2 đầu mối này đã phải trích lập từ hàng trăm cho tới hàng nghìn tỷ dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng giải thích, với hoạt động đầu mối xăng dầu, doanh nghiệp thường xuyên phải duy trì một lượng hàng hóa lớn trong kho để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, giá xăng xuống thấp đã khiến giá bán ra của các doanh nghiệp thấp hơn giá vốn và trực tiếp dẫn tới thua lỗ.
Điều này cũng lý giải tâm lý găm hàng chờ tăng giá của một số đầu mối xăng dầu diễn ra cuối tháng 5 vừa qua.