Một quán bar náo nhiệt ở TP HCM. Ảnh: NYT |
Suốt gần nửa thế kỷ qua, linh hồn của TP HCM, hoặc tên gọi quen thuộc là Sài Gòn, dường như bám chặt vào cuộc sống hiện tại. Đối với thế hệ trẻ, Sài Gòn là thành phố không hoài niệm, luôn tràn đầy niềm vui và năng lượng, nhiều cơ hội kinh doanh để làm giàu.
Căn hộ từng là nơi trực thăng của CIA sơ tán những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn vào năm 1975 nay trở thành trung tâm thương mại sang trọng giữa lòng thành phố, kinh doanh những mặt hàng cao cấp như vali Rimowa (giá 1.000 USD) hoặc trang phục Burberry (giá 2.000 USD). Chính quyền thành phố cũng vừa xây dựng một khu phố đi bộ ở đường Nguyễn Huệ và nó nhanh chóng thu hút thanh thiếu niên.
Khoảng hai phần ba dân số Việt Nam hiện nay chào đời sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Sau 40 năm, họ đều đã trưởng thành và biết ơn số phận vì chào đời trong hoàn cảnh đất nước hòa bình và chiến tranh đã lùi rất xa. "Tôi cảm thấy rất may mắn vì sinh ra sau giai đoạn 1975", New York Times dẫn lời một thanh niên tên là Thu Nghi.
Nghi thành lập một công ty bất động sản chuyên mua, tân trang và bán nhà vào năm 22 tuổi. Từng trải qua tuổi thơ khó khăn và nhiều biến động, Thu Nghi luôn tỏ ra bền bỉ trong quá trình khởi nghiệp và phát triển công ty. Cô đang sở hữu 4 ôtô cùng nhiều căn hộ.
Cơ hội thành công
Trong những năm 90, khi chính phủ áp dụng chính sách hướng đến nền kinh tế thị trường, Sài Gòn nhanh chóng bắt nhịp để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ralf Matthaes, một người Canada đã đến Việt Nam từ năm 1993, nhớ lại: "Hồi ấy xe đạp là phương tiện phổ biến nhất trên đường. Nếu bạn thấy một ôtô, chắc chắn bạn sẽ dừng lại và trầm trồ".
Theo thời gian, xe máy dần lấp kín những con đường trong thành phố. Tiếng động cơ ồn ào bất tận như tiếng sóng lớn vỗ vào bờ biển cho thấy sức sống của Việt Nam hiện đại.
Rất nhiều công trình xây dựng đang mọc lên ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NYT |
Dòng vốn luôn chảy ở TP HCM. Số lượng công ty mới thành lập trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các quan chức và chuyên gia thừa nhận sự cạnh tranh khốc liệt ở TP. Hồ Chí Minh. "Những doanh nghiệp yếu sẽ phải rời cuộc chơi. Đây là điều bình thường. Trên phương diện tích cực, họ sẽ có bài học và rút ra kinh nghiệm từ thất bại", ông Tran Anh Tuan, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nhận xét.
Sự năng động và môi trường nhiều cơ hội là hai yếu tố khiến TP. Hồ Chí Minh thu hút người dân từ nhiều tỉnh, thành. Mỗi năm, hơn 200.000 người ngoại tỉnh đến thành phố để sống và lập nghiệp. Chính quyền ghi nhận dân số chính thức là 8 triệu người, nhưng con số có thể lên tới 12 triệu nếu tính cả người nhập cư.
Ở TP HCM, những kỳ tích về thành công vượt bậc trong cuộc sống không phải là chuyện hiếm.
Nhiều người từ khắp tỉnh, thành kéo về Sài Gòn để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ảnh: NYT |
Cách đây hơn 20 năm, gia đình cô Thuy Truong sống khó khăn trong cảnh thiếu điện. Ngày nay, khi gần 30 tuổi, cô trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động, thường xuyên di chuyển giữa TP HCM và thành phố Mountain View, bang California, Mỹ. Gần đây, Thuy vừa bán công ty phần mềm cho một công ty ở Mỹ với giá hơn một triệu USD.
Nguyen Trung Tin trở thành người quản lý công ty bất động sản của gia đình từ năm ngoái. Ở tuổi 28, Tin là một trong những doanh nhân trẻ và thành đạt nổi bật ở Việt Nam. Anh sở hữu hai hộp đêm, một công ty tổ chức sự kiện và một nhà hàng ẩm thực Thái.
Một trong những ký ức không thể quên của Tin là căn hộ chật hẹp chỉ có một phòng mà gia đình chung sống khi anh còn nhỏ. Bố mẹ của Tin đã nỗ lực gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Âm thanh từ những băng tiếng Trung Quốc, Nhật và Nga luôn vang lên trong căn nhà nhỏ của Tin năm xưa.
Tuy nhiên, Tin không hài lòng khi thấy một bộ phận giới trẻ theo đuổi chủ nghĩa vật chất ích kỷ. "Họ chỉ nhắm tới những siêu xe tốc độ, túi xách LV hoặc giày Christian Louboutin. Câu hỏi duy nhất của họ là "Tôi cần làm gì để sở hữu chúng?". Họ đang theo đuổi một con đường sai lầm", Tin bình luận.
Thời kỳ phất lên nhanh chóng từ thập niên trước, khi giá bất động sản tăng liên tục và nhiều người trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, đã trôi qua. Ngày nay, sự thành công đòi hỏi nhiều nỗ lực và cả vận may.
Tuy nhiên, TP HCM vẫn là một thỏi nam châm dồi dào cơ hội và niềm vui đối với người trẻ. "Ở Hà Nội, mọi người nghĩ về tương lai và hướng đến tương lai. Tại TP HCM, người ta không tiếc nuối quá khứ hay mơ về tương lai. Họ sống cho hiện tại", Luong Thi Hai Luyen, 29 tuổi, nói. Cô đã rời quê hương ở Hà Nội để học thạc sĩ tại TP HCM, đồng thời tìm một công việc ưng ý.