Dưới đây là lược dịch câu chuyện của tác giả Shara Tibken đăng trên trang Cnet về cách các công ty đào tạo làn sóng công nhân công nghệ cao cho tương lai tại Việt Nam.
Tôi đến lớp học lúc 17h30 hơi trễ. Căn phòng điều hoà đã đóng kín cửa. Tôi bỏ dép (theo phong tục khi đến nhà hoặc văn phòng tại Việt Nam), hoà cùng khoảng hơn 20 người khác tham gia một lớp học lập trình.
Căn phòng nhỏ này nằm cách Dinh Thống Nhất khoảng 10 phút đi bộ. Hơn 20 học viên trẻ có mặt ở đây với một mục đích duy nhất: học cách phát triển ứng dụng cho iPhone, iPad bằng ngôn ngữ lập trình Swift của Apple.
"Thứ các bạn học tại trường không phù hợp với công việc thực tiễn", người hướng dẫn có tên Phạm Khoa chia sẻ với tôi khi thưởng thức bánh xèo và phở sau giờ học. Lý do? Trường học tập trung cho lý thuyết nhiều hơn thực hành. Điều đó mang đến cho chàng trai 28 tuổi tự học lập trình này cơ hội giảng dạy cho người khác về cách viết ứng dụng iOS, Android và Windows Phone - những kỹ năng họ không thể học ở trường.
Khoảng 1.300 học viên đã tham gia khoá học lập trình ứng dụng của Phạm Khoa trong năm 2014. Ảnh: Cnet. |
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam phải được đào tạo thêm để đứng máy ở các dây chuyền sản xuất. Đây là thực tế được hàng chục nhà tuyển dụng xác nhận. Quá trình đào tạo này mất vài tháng, có khi vài năm.
Để thu hẹp khoảng cách, hàng loạt hãng công nghệ lớn, bao gồm Samsung, LG tự mở các chương trình đào tạo công nhân Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu đãi thuế đối với công ty nước ngoài. Ở đây cũng có lực lượng nhân công rẻ, thậm chí rẻ hơn Trung Quốc. Một công nhân công nghệ tại Việt Nam có thu nhập bằng khoảng 1/3 so với công nhân Trung Quốc (năm 2013, lương tháng của công nhân nhà máy tại Hà Nội là 145 USD, so với 466 USD tại Bắc Kinh). Dân số Việt Nam cũng trẻ hơn. Với độ tuổi lao động trung bình là 29, dân số Việt Nam trẻ hơn 8 tuổi so với Mỹ hay Trung Quốc.
Mặc dù sinh viên ra trường thường thiếu kỹ năng để có thể đáp ứng nhu cầu công việc của ngành công nghệ cao, tiêu chuẩn giáo dục nói chung tại Việt Nam lại ở mức rất cao. Một học sinh 15 tuổi tại Việt Nam có điểm số các môn đọc, toán và khoa học cao hơn so với nhiều nước phát triển, bao gồm Mỹ, Anh...
Những năm qua, lượng công ty công nghệ đầu tư vào Việt Nam tăng chóng mặt. Intel - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - mở nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TP HCM năm 2010. Nhà máy sản xuất thiết bị di động của Microsoft chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà cung cấp màn hình LCD cho Apple là Wintek cũng đã có mặt tại đây, trong khi LG sản xuất mọi thứ, từ smartphone cho đến TV, tại một nhà máy ở Hải Phòng. Năm ngoái, 1/3 lượng smartphone Samsung bán ra trên toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam.
Các nhà máy công nghệ đã góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tổng thu nhập quốc nội của nước này tăng 6,3% trong nửa đầu 2015, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Mức tăng trưởng này có được nhờ khoản xuất khẩu "điện thoại và linh kiện" trị giá 14,7 tỷ USD, chiếm khoảng 19% tổng giá trị xuất khẩu, cao hơn bất cứ mặt hàng nào khác.
Nhiều hãng công nghệ lớn tập trung đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Cnet. |
Hiệu ứng Samsung
"Việt Nam đang phát triển, do đó chúng tôi có cơ hội không chỉ trong kinh doanh mà còn nguồn lao động", ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Ông Đạo cũng chia sẻ, công ty phải đào tạo toàn bộ công nhân của họ. "Giáo dục tại Việt Nam dựa nhiều vào lý thuyết, thiếu thực hành. Chúng tôi cần nhiều kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm, bởi công nhân không chỉ làm việc tại nhà máy mà họ còn đảm nhiệm công việc tại phòng bán hàng và các phòng khác", ông này cho hay.
Đào tạo cả năm trời
Samsung không phải là công ty duy nhất đề cập đến khoảng cách giáo dục. LG - công ty vừa mở một nhà máy rộng 800.000 mét vuông tại Hải Phòng - buộc phải tuyển công nhân trước, sau đó đàm phán với các đơn vị đào tạo sau.
"Hiện tại, chúng tôi mới chỉ đào tạo công nhân để làm việc", ông Phong - Giám đốc nhà máy cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi đang bàn bạc, suy tính về 3 năm tiếp theo, tìm cách mang về những nhà điều hành và quản lý có kinh nghiệm".
Thông thường, LG phải đào tạo nhân công ở trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) trong 3 năm, trước khi họ có thể thực hiện các dự án riêng, ông Phong cho biết. Khoảng 30% nhân công có thể đảm nhận các công việc liên quan đến thử nghiệm chất lượng hoặc bảo hành sản phẩm sau 4 tháng đào tạo. Số còn lại cần được giám sát trong khoảng một năm. 90% công nhân dây chuyền - những người lắp ráp smartphone hoặc TV - có thể tự làm sau một tháng.
Đẩy nhanh việc đào tạo
Một trong những công ty lớn nhất của Mỹ hướng đến Việt Nam là Intel. Nhà sản xuất chip này mở một dây chuyền thử nghiệm tại TP HCM năm 2010. Họ nhanh chóng đối mặt với vấn đề nhân lực giống các ông lớn khác.
Intel đã nhờ trường Đại học bang Arizona tìm cách đào tạo cấp tốc các kỹ sư tại Việt Nam. Họ phát hiện, cách tốt nhất là đào tạo các giáo sư từ 8 trường đại học Việt Nam theo cách hiện đại hơn. Họ thành lập Chương trình liên kết đào tạo kỹ thuật cao (HEEAP). Từ năm 2010, HEEAP đã đào tạo 291 giảng viên người Việt Nam, trong đó có 71 giảng viên nữ, với các khoá học kéo dài 6 tuần cùng hàng trăm giáo sư khác.
Nguyễn Bá Hải - người giữ bằng tiến sĩ trong lĩnh vực robot sinh học - cho biết, khoá học năm 2012 đã làm thay đổi hoàn toàn cách ông dạy học. "Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục không linh động", ông Hải cho biết. "Nếu chúng tôi muốn thay đổi thứ gì đó, sẽ phải mất một khoảng thời gian dài".
Topica - công ty khởi nghiệp tại Hà Nội cung cấp các khoá học tiếng Anh cũng như đào tạo cử nhân qua mạng. Ảnh: Cnet. |
"Có một lỗ hổng lớn trong mô hình giáo dục, đó là không định hình đủ nhanh để theo kịp sự phát triển của kinh tế", CEO của Rockit Online - website dạy tiếng Anh, toán và khoa học tại Việt Nam - cho biết. "Nó tạo ra cơ hội cho những công ty như chúng tôi xuất hiện và trợ giúp sinh viên".
Nó cũng tạo ra cơ hội cho những người như Phạm Khoa, 28 tuổi, dạy cách phát triển ứng dụng.
Quay trở lại lớp học tại TP HCM, các bạn sinh viên dành cho tôi gần một tiếng đồng hồ với các câu hỏi về Apple, Samsung và các công ty công nghệ tại Mỹ. Họ hỏi tôi tại sao họ phải bỏ ra khoảng thời gian quý báu - 2 tiếng mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần - học cách làm ứng dụng iPhone, iPad.
Trịnh Minh - người già nhất trong lớp học (54 tuổi) - đăng ký khoá học trị giá 183 USD để mở rộng kiến thức về IT. Ông cũng khuyến khích cậu con trai - Trịnh An - đi học để tiếp cận thế giới công nghệ sau những giờ học ở trường.
"Tôi muốn học nhiều hơn nữa", ông Minh chia sẻ, thông qua một người phiên dịch. "Tôi muốn trở thành tấm gương để con trai học theo".